Xây dựng nông thôn mới ở các bản vùng biên đặc biệt khó khăn

Với sự chỉ đạo quyết liệt, cách làm phù hợp, xây dựng nông thôn mới (XDNTM) và giảm nghèo bền vững ở các thôn, bản thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, đã có 20/122 thôn, bản đạt chuẩn NTM, chiếm 16,4%. Dự kiến đến hết năm 2020, có thêm 17 thôn, bản đạt chuẩn NTM, nâng tổng số thôn thuộc phạm vi đề án lên 37/122 thôn, đạt 30,3%.

Sau khi bị mưa lũ tàn phá, bản Sa Ná, xã Na Mèo (Quan Sơn) đang nỗ lực xây dựng bản nông thôn mới kiểu mẫu. Ảnh: Linh Trường

Thanh Hóa đất rộng, người đông, có tới 2.119 thôn, bản thuộc 211 xã miền núi; trong đó, có 122 thôn, bản thuộc các xã vùng biên đặc biệt khó khăn. XDNTM ở miền núi đã khó, thì ở các thôn, bản vùng biên lại càng khó khăn hơn.

Để tạo sự chuyển biến trong XDNTM ở những vùng đặc biệt khó khăn này, từ năm 2013, tỉnh Thanh Hóa đã chủ động xây dựng, thực hiện thí điểm mô hình NTM cấp thôn, bản ở các huyện miền núi. Sang năm 2014 đã ban hành bộ tiêu chí và thực hiện trên diện rộng toàn tỉnh, nhờ đó đã đem lại nhiều kết quả ban đầu.

Tháng 10-2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1385/QĐ-TTg về thực hiện “Đề án hỗ trợ thôn, bản của các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới XDNTM và giảm nghèo bền vững” (sau đây gọi tắt là “đề án”). Tỉnh coi đây là “chìa khóa” để đẩy mạnh XDNTM ở những bản vùng biên và một số bản đặc biệt khó khăn. Cùng với một số bản đặc biệt khó khăn khác, tỉnh đã đưa 131 bản của 13 xã trên địa bàn các huyện vùng biên vào diện được hỗ trợ để thực hiện đề án. Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh được giao chủ động cùng các cấp, các ngành cấp tỉnh theo dõi, hướng dẫn, giúp đỡ các xã, thôn, bản vùng khó thực hiện. UBND các huyện chỉ đạo các xã có các bản thuộc phạm vi đề án, tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng các thôn, xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai để hoàn thành mục tiêu đề ra. Nhiều nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương và nguồn lực dành cho XDNTM của tỉnh được ưu tiên cho các bản khó này.

Tỉnh cũng “kích cầu” các xã, thôn vùng biên và một số thôn, bản đặc biệt khó khăn bằng các chính sách XDNTM cụ thể. Theo đó, tỉnh hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng cho các xã XDNTM 2,2 đến 4,5 tỷ đồng/công trình đối với các xã đặc biệt khó khăn. Các thôn, bản thuộc các xã miền núi đạt chuẩn NTM sẽ được thưởng 100 triệu đồng/bản... Đề án còn được lồng ghép với “Chính sách giảm nghèo nhanh và bền vững”, bằng nhiều chương trình, như: Hỗ trợ thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa với mức hỗ trợ 8 triệu đồng/đám đối với hộ gia đình có người chết. Tỉnh hỗ trợ ổn định đời sống và phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Khơ Mú tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, đã tổ chức tập huấn, đưa người Khơ Mú thuộc bản Đoàn Kết, xã Tén Tằn; bản Lách, xã Mường Chanh (Mường Lát) đi tham quan học tập kinh nghiệm XDNTM, hiện đã hỗ trợ xây dựng 3 công trình giao thông, 1 công trình nước sinh hoạt cho đồng bào các bản người Khơ Mú nói trên. Tỉnh cũng triển khai chương trình hỗ trợ ổn định sản xuất, đời sống và phát triển kinh tế - xã hội các bản dân tộc Mông, huyện Quan Sơn, giai đoạn 2016-2020: Đã thực hiện đầu tư xây dựng 3 công trình giao thông nông thôn trên địa bàn hai bản Mùa Xuân, Xía Nọi. Chương trình hỗ trợ xây dựng thí điểm điển hình giảm nghèo nhanh và bền vững tại các huyện nghèo tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016-2020: Đã thực hiện đầu tư xây dựng 2 công trình giao thông, 1 nhà văn hóa thôn trên địa bàn xã Tén Tằn, huyện Mường Lát...

Tại các huyện có xã vùng biên và vùng đặc biệt khó khăn, mặc dù ngân sách còn eo hẹp, nhưng đã ban hành các cơ chế, chính sách và lồng ghép vốn đầu tư thuộc các chương trình, dự án đang thực hiện trên địa bàn để hỗ trợ cho các thôn, bản XDNTM, như: Hỗ trợ xi măng làm đường giao thông, hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa thôn, hỗ trợ xây dựng mô hình phát triển sản xuất...

Xác định công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận cao trong các cấp, các ngành và Nhân dân là một trong những giải pháp để thực hiện thành công đề án, Văn phòng Điều phối XDNTM tỉnh hàng năm phối hợp với các cơ quan truyền thông để tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa, tầm quan trọng, cách triển khai thực hiện. Nhiều tổ chức, cá nhân, hộ gia đình của các xã đặc biệt khó khăn thuộc phạm vi đề án được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tặng Bằng khen trong phong trào chung sức XDNTM, giai đoạn 2016-2020.

Sau gần 2 năm thực hiện đề án, với sự chỉ đạo quyết liệt, cách làm phù hợp, XDNTM và giảm nghèo bền vững ở các thôn, bản thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tổng kinh phí thực hiện đề án giai đoạn 2018-2020 đạt hơn 266 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách Nhà nước gần 208,5 tỷ đồng, vốn lồng ghép gần 51,5 tỷ đồng, còn lại là Nhân dân đóng góp ngày công và kinh phí để xây dựng các công trình công cộng. Đến nay, đã có 20/122 thôn, bản đạt chuẩn NTM, chiếm 16,4%. Dự kiến đến hết năm 2020, có thêm 17 thôn, bản đạt chuẩn NTM, nâng tổng số thôn thuộc phạm vi đề án lên 37/122 thôn, đạt 30,3%. Một số công trình thiết yếu cấp thôn gồm giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt, nhà văn hóa... đã cơ bản hoàn thành, phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Đáng nói, nhiều mô hình phát triển sản xuất gắn với liên kết vùng nguyên liệu của thôn, bản vùng biên đã được hình thành theo định hướng Chương trình OCOP, điển hình như mô hình du lịch cộng đồng tại bản Vịn, xã Bát Mọt (Thường Xuân) và bản Ngàm, xã Sơn Điện (Quan Sơn). Thông qua thực hiện XDNTM cấp thôn, bản, đã giúp cho người dân khu vực miền núi đặc biệt khó khăn biên giới phát huy vai trò chủ thể, chủ động, tự giác trong công việc, giảm phụ thuộc, trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước; các thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM đã góp phần đẩy mạnh phong trào XDNTM ở cấp xã. Thông qua XDNTM, người dân các vùng biên đã tích cực hưởng ứng phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”; ngăn chặn hiệu quả tình trạng vượt biên, hoạt động truyền đạo trái phép, xâm lấn đường biên, cột mốc, hạn chế mê tín dị đoan. Nhiều bản đã có cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng được giữ gìn, phát huy. Đến nay, ngoài các bản đã đạt chuẩn NTM, bản Ngàm, xã Sơn Điện (Quan Sơn) còn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Bài và ảnh: Linh Trường

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nong-thon-moi/xay-dung-nong-thon-moi-o-cac-ban-nbsp-vung-bien-dac-biet-kho-khan/121373.htm