Xây dựng nông thôn mới ở vùng đặc biệt khó khăn cần có cách làm sáng tạo

Sáng 3-12, tại thành phố Yên Bái, Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (CT MTQG XD NTM) phối hợp với UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện xây dựng NTM vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020 và Định hướng thực hiện giai đoạn 2021-2025. Tới dự và chủ trì hội nghị có Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương CT MTQG XD NTM; Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường...

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tổng nguồn lực huy động đầu tư xây dựng NTM trên địa bàn đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020 khoảng 791.909 tỷ đồng (bằng 38,1% của cả nước), trong đó: Ngân sách Trung ương, vốn ngân sách địa phương; Lồng ghép từ Chương trình MTQG Giảm nghèo và các Chương trình, dự án khác chiếm 15,5%; Tín dụng khoảng 64,1%; Doanh nghiệp khoảng 2,1%; Cộng đồng và người dân tự nguyện đóng góp khoảng 4,4%. Nhờ đó, hiện có 8/64 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn (ĐBKK) và 14/30 huyện nghèo được hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30A thoát khỏi tình trạng khó khăn nhưng chưa có huyện được công nhận đạt chuẩn NTM. Đến nay, 315 xã trong tổng số 2.430 xã ĐBKK thuộc Chương trình 135 và xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đã đạt chuẩn NTM (đạt 13%); 15/108 xã (13,9%) thuộc 4 Đề án xây dựng NTM đặc thù (Điện Biên, Lào Cai, Bắc Kạn, Nghệ An) đã đạt chuẩn NTM; 337/3.513 thôn, bản ĐBKK thuộc Đề án 1385 được công nhận đạt chuẩn NTM (đạt 9,6%), hiện có khoảng 25% thôn, bản được công nhận đạt chuẩn NTM.

 Toàn cảnh hội nghị sáng ngày 3-12.

Toàn cảnh hội nghị sáng ngày 3-12.

Đến nay, có khoảng 80% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 73% đường xã và đường từ trung tâm xã đến huyện được cứng hóa; trên 70% số thôn, bản có đường trục giao thông được cứng hóa. 100% số xã và 97,8% số thôn đã có điện lưới quốc gia. Các công trình thủy lợi đã đáp ứng 75% - 80% nhu cầu tưới tiêu cho diện tích cây trồng hằng năm...

Một số địa phương có vùng miền núi, vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn đã chủ động phát huy tiềm năng, lợi thế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang các cây, con có giá trị kinh tế cao, hình thành được vùng sản xuất quy mô tập trung. Điển hình như tỉnh Sơn La, tổng diện tích cây ăn trái đến năm 2020 đạt khoảng 100.00 ha (từ 2015 đến nay, tăng bình quân 35,6%/năm), dần trở thành vựa trái cây lớn của cả nước. Đã có trên 155.000 hộ nhận khoán bảo vệ rừng với tổng diện tích giao khoán trên 2 triệu ha và 18.000 hộ được hỗ trợ trồng rừng. Một số địa phương đã xây dựng được các mô hình hợp tác, liên kết hiệu quả theo chuỗi sản phẩm, quản lý rừng bền vững trong lâm nghiệp; hình thành được vùng trồng dược liệu tập trung và phát triển diện tích trồng dược liệu xen ghép… Một số địa phương đã quan tâm đến công tác xúc tiến thương mại (Sơn La, Lai Châu, Gia Lai, Đắk Nông, Sóc Trăng...), tìm kiếm thị trường cho nông sản; thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản của địa phương. Thực hiện Chương trình “Mỗi xã sản phẩm - OCOP” theo Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, vùng ĐBKK tại các địa phương đã chuẩn hóa khoảng 1.061 sản phẩm OCOP (chiếm 50,8% của cả nước). Nhờ đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giai đoạn 2016-2020 bình quân 1,55%/năm; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo giảm 5,65%/năm, các xã ĐBKK vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giảm bình quân khoảng 4%/năm. Thu nhập bình quân hộ nghèo khu vực nông thôn đến cuối năm 2018 tăng khoảng 1,4 lần so với cuối năm 2015, dự kiến đến cuối năm 2020 tăng khoảng 1,6 lần.

 Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng các lãnh đạo bộ, chính quyền địa phương tham quan gian hàng OCOP có các sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng các lãnh đạo bộ, chính quyền địa phương tham quan gian hàng OCOP có các sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định: Với nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước, sau 10 năm triển khai thực hiện, Chương trình MTQG XDNTM trên cả nước đã đạt được những kết quả “to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử”, tạo nên một phong trào có sức lan tỏa sâu rộng và được cả hệ thống chính trị, mọi tầng lớn nhân dân cả nước đồng lòng hưởng ứng và nhiệt tình tham gia. Bên cạnh những thành tựu về xây dựng NTM, trong thời gian qua thì vẫn còn tồn tại những bất cập, hạn chế, khó khăn, thách thức: Cơ sở hạ tầng còn thiếu, vấn đề đất đai sản xuất, lại thường xuyên phải hứng chịu thiên tai, chất lượng nguồn nhân lực thấp, số thôn, xã đạt chuẩn NTM ở vùng ĐBKK còn thấp so với các vùng khác, hiện vùng ĐBKK còn 762 xã ở dưới 10 tiêu chí, sản xuất nông nghiệp còn hạn chế...

Để xây dựng NTM ở vùng ĐBKK trong thời gian, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh cần có cách làm sáng tạo, phù hợp với từng điều kiện của mỗi vùng, miền. Lấy nhiệm vụ phát triển kinh tế là điều kiện trung tâm, việc đầu tư xây dựng hạ tầng là để phục vụ phát triển kinh tế cho người dân, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Cùng với đó phải nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, phát triển đời sống văn hóa, phòng chống tệ nạn xã hội, đặc biệt đảm bảo an ninh- trật tự trên địa bàn. Về định hướng thực hiện xây dựng NTM đối với vùng ĐBKK trong giai đoạn 2021-2025, Phó thủ tướng đề nghị để xây dựng NTM hiệu quả, thực chất cần sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các địa phương. Phấn đấu trong giai đoạn tới không còn tình trạng trắng đơn vị cấp huyện ở vùng ĐBKK về huyện NTM, phấn đấu các xã ở vùng ĐBKK phải đạt từ 15 tiêu chí xây dựng NTM trở lên. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã ở khu vực này. Hợp tác xã phải là động lực kết nối nông dân với doanh nghiệp trong việc sản xuất, chế biến, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.Trong thời gian tới cần nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp, trong đó, ưu tiên các hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, HTX phát triển ngành nghề và sản phẩm OCOP, liên kết với các doanh nghiệp trong chế biến và tiêu thụ sản phẩm, chú trọng đến các vấn đề về bảo vệ môi trường và tạo cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp. Đồng thời, phải giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số. Nhân rộng và phát triển phong trào toàn dân bảo vệ an ninh trên địa bàn nông thôn gắn với củng cố quốc phòng và giữ vững, bảo vệ chủ quyền, biên giới của Tổ quốc.

Tin, ảnh: NGUYỄN KIỂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/xay-dung-nong-thon-moi-o-vung-dac-biet-kho-khan-can-co-cach-lam-sang-tao-645498