Xây dựng thương hiệu cho lúa Mường Vi

Mường Vi là vựa lúa lớn nhất của huyện Bát Xát với đặc sản gạo Séng cù - sản phẩm nông nghiệp nổi bật đã trở thành thương hiệu của vùng núi cao này.

Người dân thu hoạch lúa Séng cù tại vùng nguyên liệu của HTX Nông nghiệp Hảo Anh.

Hầu hết diện tích lúa Séng cù nơi đây được trồng dọc thung lũng Mường Vi, với kinh nghiệm canh tác của bà con người Giáy, người Dao nên có hương vị rất đặc trưng, đậm đà, thơm ngon… Trong quá trình nghiên cứu về các sản phẩm nông nghiệp đặc hữu của Lào Cai, chị Phạm Thị Hảo, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Hảo Anh nhận thấy gạo Séng cù của Mường Vi (Bát Xát) có chất lượng dinh dưỡng vượt trội so với nhiều loại gạo khác cũng như cùng loại gạo được trồng ở những nơi khác, giá trị của hạt gạo cũng đã được thị trường đón nhận và kiểm chứng từ nhiều năm trước. Do đó, chị quyết tâm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gạo Séng cù Mường Vi.

Chị Hảo bộc bạch: Sinh ra và lớn lên ở Mường Vi, tôi hiểu giá trị của hạt gạo Séng cù cũng như sự khó khăn, vất vả của người dân. Tôi cũng nhận thấy tiềm năng vùng nguyên liệu gạo Séng cù ở Mường Vi rất lớn, mà đầu ra khó khăn, thường bị thương lái ép giá. Do đó, sau một thời gian học tập và công tác xa quê, năm 2017, tôi trở về và muốn góp công sức xây dựng thương hiệu cho quê hương, tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con.

Chị Phạm Thị Hảo kiểm tra chất lượng lúa Séng cù tại vùng nguyên liệu của HTX.

Tháng 5/2019, HTX Nông nghiệp Hảo Anh được thành lập, chị Phạm Thị Hảo làm Giám đốc, xưởng sản xuất đặt tại xã Vạn Hòa (thành phố Lào Cai) và vùng nguyên liệu đặt tại xã Mường Vi. Cùng với việc xây dựng thương hiệu cho gạo Séng cù Mường Vi, HTX Nông nghiệp Hảo Anh còn thực hiện mô hình khép kín trong sản xuất nông nghiệp: Cung cấp giống, liên kết thành vùng trồng lúa, ngô an toàn; xay xát gạo, nghiền ngô cung cấp cho người tiêu dùng. Ngoài ra, các sản phẩm liên quan như tấm sẽ sử dụng nấu rượu; cám và bỗng rượu dùng chăn nuôi lợn, gà; trấu cung cấp cho thị trường trồng rau an toàn...

Các sản phẩm nông nghiệp của HTX, trong đó chủ yếu là gạo Séng cù được cung cấp cho nhiều siêu thị, đại lý, công ty phân phối lớn, nhiều trường học, cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh. Trung bình mỗi năm HTX thu mua 960 tấn thóc, ngô, trong đó, riêng thóc Séng cù Mường Vi trên 200 tấn, đem lại nguồn thu 6 - 7 tỷ đồng; tạo việc làm thường xuyên cho 7 công nhân với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.

HTX Nông nghiệp Hảo Anh còn duy trì vùng nguyên liệu với tổng số 63 hộ cấy lúa Séng cù, tại 5 thôn: Lâm Tiến, Ná Ản, Ná Rin, Cửa Cải và Làng Mới. Vùng nguyên liệu được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, tạo ra sản phẩm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, góp phần giúp người dân tăng thu nhập, yên tâm sản xuất, giữ gìn giống lúa của địa phương.

Anh Phạm Duy Hiệu, thôn Lâm Tiến, xã Mường Vi cho biết: Từ khi tham gia trồng lúa Séng cù cho HTX Nông nghiệp Hảo Anh, chúng tôi không phải lo đầu ra của sản phẩm. Lúa trồng ra đến đâu được HTX thu mua hết đến đấy, không bị thương lái ép giá như trước, mọi người rất phấn khởi.

Người dân thấy thóc bán được giá nên càng quan tâm chăm sóc cây lúa hơn, sản lượng thóc cũng như chất lượng hạt gạo ngày càng được nâng cao. Sản phẩm gạo Séng cù Mường Vi nói chung và của HTX Nông nghiệp Hảo Anh nói riêng được người tiêu dùng đánh giá cao, được nhiều đơn vị, địa phương và tỉnh lựa chọn giới thiệu, quảng bá tại nhiều hội chợ, hội nghị xúc tiến đầu tư, hội thảo về nông nghiệp, nông thôn trong và ngoài tỉnh.

Đầu năm 2022, gạo Séng cù Mường Vi của HTX Nông nghiệp Hảo Anh là sản phẩm đầu tiên của tỉnh được cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Hiện tại, sản phẩm cũng đang trong giai đoạn thẩm định chất lượng để được công nhận sản phẩm OCOP gắn sao của tỉnh.

Các sản phẩm nông nghiệp của HTX Nông nghiệp Hảo Anh.

Ông Tẩn Láo Ú, Chủ tịch UBND xã Mường Vi cho biết: Địa phương rất tự hào vì có sản phẩm mang thương hiệu quê hương và được nhiều người biết đến. Càng tự hào hơn khi sản phẩm ấy đã góp phần rất lớn giúp nhiều hộ dân tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, giúp họ gắn bó với đồng đất quê hương. Chúng tôi có kế hoạch phối hợp với HTX Nông nghiệp Hảo Anh phát triển du lịch địa phương, thông qua xây dựng các điểm “check - in”, homestay… tại vùng nguyên liệu của HTX, nhằm thu hút du khách tới tham quan, trải nghiệm và khám phá.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/358107-xay-dung-thuong-hieu-cho-lua-muong-vi