Xây dựng trên đất 5% là vi phạm pháp luật

Tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, trong đó có đất công ích (người dân thường gọi là đất 5%) vẫn xảy ra tại nhiều địa phương. Nguyên nhân là do người dân chưa nhận thức rõ về loại đất này cũng như sự quản lý thiếu chặt chẽ, xử lý chưa nghiêm của các cấp chính quyền.

Thời gian gần đây, Báo Quân đội nhân dân nhận được thắc mắc của một số bạn đọc về vấn đề xây dựng trên đất 5%. Tìm hiểu về loại đất này, chúng tôi được ông Nguyễn Danh Huy, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Thanh Trì (TP Hà Nội) cho biết: “Trong quy định của pháp luật không có loại đất 5%. Thực chất, phần đất được người dân gọi là đất 5% là diện tích đất mà Nhà nước giữ lại 5% trên tổng số diện tích đất nông nghiệp được người dân góp vào hợp tác xã (HTX) làm quỹ đất công ích của địa phương, hoặc HTX trích 5% quỹ đất nông nghiệp giao cho cá nhân, hộ gia đình để tự phát triển kinh tế. Việc trích lập quỹ đất nông nghiệp vào các hoạt động công ích sẽ không được vượt quá 5% tổng diện tích. Như vậy, đất 5% là đất nông nghiệp. Trước đây, tình trạng xây dựng trên đất nông nghiệp tại huyện Thanh Trì khá "nóng" và chúng tôi phải đưa ra nhiều giải pháp xử lý, ngăn chặn”.

 Công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại thôn Đông Khê, xã Nguyên Xá (Đông Hưng, Thái Bình).

Công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại thôn Đông Khê, xã Nguyên Xá (Đông Hưng, Thái Bình).

Ông Phùng Minh Dũng, Phó trưởng phòng TN&MT huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) thông tin thêm: "Theo quy định của pháp luật hiện hành, quỹ đất 5% là đất công ích và không được phép chuyển mục đích sử dụng. Vì đất công ích được dùng vào mục đích công cộng. Ví dụ, khi làm hệ thống đường điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế... thì có thể dùng quỹ đất này đổi cho người dân để tiết kiệm chi phí giải phóng mặt bằng. Tại huyện Thanh Sơn, quỹ đất này chúng tôi giao chính quyền xã ký hợp đồng với các hộ dân để sử dụng theo đúng quy định của pháp luật, đúng mục đích. Nếu sử dụng sai sẽ bị thu hồi".

Theo luật sư Lê Văn Lên, Giám đốc Hãng luật Capital, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, Điều 10 Luật Đất đai năm 2013 quy định 3 nhóm đất, gồm: Nhóm đất nông nghiệp, nhóm đất phi nông nghiệp và nhóm đất chưa sử dụng. Đất 5% thuộc nhóm đất nông nghiệp và được quy định tại Khoản 1, Điều 132 Luật Đất đai năm 2013. Cụ thể như sau: "Căn cứ vào quỹ đất, đặc điểm và nhu cầu của địa phương, mỗi xã, phường, thị trấn được lập quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích không quá 5% tổng diện tích đất trồng cây hằng năm, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản để phục vụ nhu cầu công ích của địa phương. Đất nông nghiệp do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trả lại hoặc tặng cho quyền sử dụng cho Nhà nước, đất khai hoang, đất nông nghiệp thu hồi là nguồn để hình thành hoặc bổ sung cho quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn. Đối với những nơi đã để lại quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích vượt quá 5% thì diện tích ngoài mức 5% được sử dụng để xây dựng hoặc bồi thường khi sử dụng đất khác để xây dựng các công trình công cộng của địa phương; giao cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản tại địa phương chưa được giao đất hoặc thiếu đất sản xuất".

Luật sư Lê Văn Lên cho biết thêm: “Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất này phải được sự đồng ý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Một số trường hợp như thuê đất công ích để nuôi trồng thủy sản, người dân cần xây công trình phụ trợ (nhà kho chứa thức ăn cho cá...) thì cần phải xin phép và được sự đồng ý của địa phương. Còn theo quy định Khoản 3, Điều 12 Luật Đất đai năm 2013, người sử dụng đất có nghĩa vụ phải sử dụng đất đúng mục đích. Căn cứ vào mục đích sử dụng nêu trên thì việc xây dựng trên đất 5% là vi phạm Điều 6 và Khoản 3, Điều 12 Luật Đất đai năm 2013. Khi phát hiện sai phạm, UBND xã có thẩm quyền ra quyết định xử phạt hành chính và yêu cầu tháo dỡ công trình xây dựng trái phép. Căn cứ Khoản 2, Điều 8 Nghị định số 102/2014/NĐ-CP thì mức xử phạt hành chính với hành vi trên như sau: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,5ha; phạt tiền từ trên 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5 đến dưới 3ha; phạt tiền từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 3ha trở lên. Ngoài ra, người vi phạm còn phải buộc khôi phục lại hiện trạng đất trước vi phạm và phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được từ hành vi vi phạm (nếu có)”.

Bài và ảnh: NGUYỄN TRẦN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/xay-dung-tren-dat-5-la-vi-pham-phap-luat-649270