Xây dựng xã hội học tập từ cơ sở
Xác định công tác khuyến học, khuyến tài (KH-KT), xây dựng xã hội học tập (XHHT) là nền tảng để nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, các địa phương trên địa bàn tỉnh luôn đẩy mạnh phát triển công tác KH-KT, nỗ lực xây dựng XHHT ngay từ cơ sở.
Nỗ lực vượt khó...
Tại các xã, phường, thị trấn, công tác KH-KT, xây dựng XHHT được đưa vào nghị quyết của Đảng ủy để cán bộ, đảng viên, nhân dân triển khai thực hiện. Hằng năm, các địa phương đều dành nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng, nâng cấp thiết chế giáo dục phục vụ cho nhu cầu học tập của học sinh và mọi tầng lớp nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục cũng như nâng cao trình độ của người lao động.
Phát huy vai trò nòng cốt, Hội Khuyến học (HKH) cơ sở cũng tăng cường tuyên truyền sâu rộng để người dân nắm được quan điểm, tôn chỉ, mục tiêu và giải pháp thực hiện công tác KH-KT, xây dựng XHHT.
Các mô hình học tập tiếp tục được xây dựng và nhân rộng. Các Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) duy trì hoạt động, là nơi nhân dân hội họp, tập huấn nâng cao kiến thức để ứng dụng vào cuộc sống...
Nhờ đó, nhiều năm qua, Vĩnh Phúc luôn là điểm sáng của cả nước về công tác KH-KT, xây dựng XHHT với các chỉ số ấn tượng như chất lượng giáo dục luôn đứng tốp đầu toàn quốc; chỉ số phổ cập giáo dục đạt cao; phong trào học tập của nhân dân phát triển sâu rộng; các tổ chức, cá nhân tích cực ủng hộ quỹ khuyến học, khuyến tài…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác KH-KT, xây dựng XHHT trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn như công tác KH-KT, xây dựng XHHT chưa đồng đều giữa các vùng, miền, khu vực dân cư; phong trào học tập ở một số địa phương chưa mạnh do một bộ phận người dân chưa thật sự chủ động, tự giác học tập để nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Từ năm 2018, cơ chế thay đổi, Hội Khuyến học (HKH) trở thành hội đặc thù, do đó, cán bộ hội cơ sở không có chế độ đãi ngộ; kinh phí tổ chức các hoạt động còn hạn hẹp.
Bên cạnh đó, việc xây dựng quỹ hội còn gặp khó khăn, chủ yếu là quỹ khuyến học của các dòng họ. Chủ tịch HKH kiêm nhiệm nên chưa bao quát được toàn diện. Việc triển khai các mô hình học tập cộng đồng gặp khó do sự phủ sóng của mạng internet…
Để tiếp tục phát triển công tác KH-KT, xây dựng XHHT từ cơ sở, các địa phương đã và đang chủ động tháo gỡ những khó khăn, đồng thời, xây dựng và thực hiện kế hoạch xây dựng XHHT theo định hướng của tỉnh trên cơ sở phù hợp với tình hình thực tế.
... Đến những điểm sáng
Xác định đẩy mạnh công tác KH-KT, xây dựng XHHT là giải pháp quan trọng để phát triển bền vững, xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường tập trung củng cố, phát triển tổ chức HKH đến thôn, làng, dòng họ và tăng cường tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia làm tốt công tác KH-KT, xây dựng XHHT tại khu dân cư.
Đến nay, toàn xã có 3 chi hội khuyến học, 25 ban khuyến học dòng học với hơn 1.250 thành viên. Công tác xây dựng quỹ khuyến học được phát động đến toàn thể nhân dân, từ xã đến thôn, xóm, các dòng họ. Người dân cũng xác định KH-KT không chỉ trong học kiến thức văn hóa của học sinh mà còn phải học tập suốt đời ở người lớn nên chủ động tiếp thu các kiến thức để làm việc, xây dựng kinh tế, nâng cao đời sống gia đình…
Đối với xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc, công tác KH-KT, xây dựng XHHT tiếp tục bám sát văn bản chỉ đạo của tỉnh và căn cứ tình hình thực tế của địa phương. Đồng chí Phạm Quang Đức, Phó Chủ tịch UBND xã, Chủ tịch HKH xã cho biết: “Tam Hồng sẽ tập trung vào nhân rộng các mô hình, tấm gương gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, người tốt, việc tốt trong phong trào KH-KT; linh hoạt xây dựng thí điểm mô hình học tập; đặc biệt chú trọng mô hình “Công dân học tập” theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin để học tập suốt đời.
Đối với TTHTCĐ, địa phương đang khảo sát và đánh giá hiệu quả hoạt động để chuẩn bị cho công tác kiểm tra của tỉnh sắp tới. Địa phương cũng sẽ nhìn nhận thẳng thắn những điểm khó để chủ động tháo gỡ nhằm đưa phong trào KH-KT, xây dựng XHHT trở thành phong trào quần chúng sâu rộng và phát triển mạnh mẽ”.
Là xã miền núi với hơn 80% đồng bào dân tộc Sán Dìu, nhưng xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo luôn quan tâm, chú trọng phát triển công tác KH-KT, xây dựng XHHT. Đảng ủy, chính quyền xã và nhân dân quan tâm đầu tư xây dựng, đảm bảo cơ sở vật chất trường học cho con em địa phương; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động xây dựng quỹ khuyến học và duy trì công tác tuyên dương, khen thưởng học sinh, sinh viên, giáo viên có thành tích tốt nhằm tạo động lực thúc đẩy sự nghiệp giáo dục phát triển.
Đặc biệt, thông qua các ban, ngành, đoàn thể, xã Đạo Trù vận động nhân dân tích cực đăng ký xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, từ đó, lan tỏa sâu rộng phong trào học tập suốt đời tạo nguồn lực lao động có kiến thức, kỹ năng để xây dựng quê hương.
Là gia đình tiêu biểu nuôi con học giỏi của đồng bào dân tộc Sán Dìu ở xã Đạo Trù, chị Trương Thị Sinh cho biết: “Vợ chồng tôi tham gia đầy đủ các hoạt động KH-KT ở địa phương; đồng thời, trang bị đầy đủ sách vở, đồ dùng và động viên con nỗ lực học tập. Năm học 2021-2022, con tôi đạt giải Nhất thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 8 cấp huyện và thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 9 vượt cấp đạt giải Nhì nên gia đình rất phấn khởi. Ở công ty tôi cũng luôn chăm chỉ học hỏi nâng cao tay nghề để tăng hiệu quả sản xuất và thu nhập”.
Với nhiều cách làm hay, sáng tạo, bám sát điều kiện thực tiễn của địa phương và phương hướng của cấp trên, công tác KH-KT, xây dựng XHHT tại các địa phương đã và đang phát triển mạnh mẽ, sâu rộng, lan tỏa đến từng cộng đồng, dòng họ, gia đình, góp phần tích cực để xây dựng Vĩnh Phúc thành tỉnh học tập vào năm 2030.
Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/78422/xay-dung-xa-hoi-hoc-tap-tu-co-so.html