Xe hỗ trợ hỏa lực M7 Bradley của Mỹ có gì đặc biệt?

Xe hỗ trợ hỏa lực M7 Bradley được Mỹ phát triển với mục đích trinh sát, chỉ thị mục tiêu cho đồng đội, đồng thời nó vẫn được trang bị pháo tự động 30 mm có khả năng bắn nhiều loại đạn khác nhau.

M7 Bradley là phương tiện trinh sát chỉ thị mục tiêu của quân đội Mỹ, dòng xe này được phát triển từ dòng thiết giáp nổi tiếng M2A2 Bradley.

Biến thể M7 Bradley được thiết kế đặc biệt để thay thế xe M981 vốn được phát triển dựa trên M113.

Chương trình phát triển M7 Bradley bắt đầu vào giữa những năm 1990. Năm 1997, quá trình thử nghiệm toàn diện bắt đầu trước khi đi vào sản xuất loạt.

Hợp đồng sản xuất ban đầu với một số lượng ít xe để đánh giá được đưa ra vào năm 1998. Việc giao xe M7 Bradley cho Quân đội Hoa Kỳ bắt đầu vào năm 2000. Đến năm 2001, tổng cộng 49 xe đã được giao cho quân đội Mỹ.

Quân đội Mỹ cũng thử nghiệm phiên bản M7 Bradley nâng cấp được phát triển từ M2A3 Bradley.

Một số nguồn tin cho biết, do giới hạn về kinh phí nên chỉ có 55 xe M7 Bradley được chế tạo cho quân đội Mỹ.

M7 nhìn chung tương tự như M2, tuy nhiên bộ phận phóng tên lửa chống tăng TOW của nó đã được thay thế bằng thiết bị định vị mục tiêu và các cảm biến khác. Phương tiện này có thể xác định vị trí mục tiêu ở khoảng cách lên tới 20 km.

Sau khi xác định mục tiêu, xe M7 sẽ gọi pháo binh hoặc dẫn đường cho đạn dẫn đường để tiêu diệt chính xác vào các mục tiêu. Tất cả việc chỉ định mục tiêu đều được thực hiện từ bên trong xe.

M7 trang bị hệ thống ngắm bắn điện tử và chỉ thị laze. Xe có thể thu được thông tin phạm vi chính xác tới mục tiêu thông qua máy đo khoảng cách laser và các cảm biến khác.

Xe được tích hợp hệ thống quản lý chiến đấu với GPS và hệ thống dẫn đường quán tính. Hệ thống này xác định vị trí của xe trên bản đồ cũng như tọa độ mục tiêu.

M7 liên kết các đơn vị pháo binh gần đó thông qua hệ thống quản lý chiến đấu kỹ thuật số. Có một hệ thống nhận dạng địch - ta, giúp ngăn chặn việc bắn nhầm trong chiến đấu.

Trong trường hợp sử dụng đạn dẫn đường, M7 sẽ chiếu sáng mục tiêu bằng chùm tia laze, cho phép đạn dẫn đường bằng laze phát hiện và bắn trúng mục tiêu.

Mặt khác, M7 có thể nhắm mục tiêu về lệnh cho pháo binh tác chiến ngay cả khi xe đang di chuyển.

M7 được vận hành bởi tổ lái gồm 4 người, bao gồm chỉ huy, xạ thủ, lái xe và quan sát viên phía trước.

Khoang chứa tên lửa chống tăng dự phòng TOW bên trong xe được tháo dỡ để lắp đặt các hệ thống điện tử tối tân.

Tuy vậy xe M7 vẫn giữ lại pháo tự động Bushmaster 25 mm. Loại vũ khí này có hệ thống cấp đạn kép giúp xe có thể bắn cả đạn nổ mạnh và đạn xuyên giáp.

Pháo 25 mm này có hệ thống ổn định và có thể bắn chính xác khi đang di chuyển. Ngoài ra còn có súng máy đồng trục 7,62 mm.

Về hệ thống giáp, M7 vẫn có vỏ giáp bằng hợp kim nhôm kết hợp với thép và gốm, xe có thể chống lại được đạn xuyên giáp 30 mm ở mặt trước xe.

Xung quanh xe được gia cố giáp giúp xe an toàn trước các loại súng máy hạng nặng 14,5 mm.
Các khối giáp phản ứng nổ tăng cường có khả năng chống lại được một số vũ khí chống tăng.

Các thành viên kíp lái được ngồi trên ghế hấp thụ sóng xung kích trong trường hợp xe bị trúng mìn. Xe còn được trang bị hệ thống bảo vệ NBC và hệ thống chữa cháy tự động.

M7 Bradley được trang bị động cơ diesel Cummins VTA-903-T600, công suất 600 mã lực. Động cơ được đặt ở phía trước.

Động cơ với hệ thống truyền tự động và hộp số tích hợp giúp xe di chuyển với tốc độ 61 km/h, dự trữ hành trình 400 km, ngoài ra xe còn có khả năng bơi với vận tốc 6 km/h.

M7 có tính cơ động, khả năng sống sót và đặc điểm chiến trường tương tự như M2A2 Bradley.

Xe M7 này có thể vận chuyển bằng bằng máy bay vận tải quân sự C-17 Globemaster III hoặc C-5M Super Galaxy .

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/xe-ho-tro-hoa-luc-m7-bradley-cua-my-co-gi-dac-biet-post552093.antd