Xem siêu trăng dâu tây từ 18h52 tối nay

Nếu trời quang đãng, người yêu thiên văn có thể chiêm ngưỡng siêu trăng vào 18h52 tối nay, khi Mặt Trăng về điểm gần Trái Đất nhất.

Hiện tượng trăng dâu tây (Strawberry Moon) sẽ đạt cực đại vào 18h52 ngày 14/6 (giờ Việt Nam). Đó là lúc Mặt Trăng ở gần Trái Đất nhất theo quỹ đạo với khoảng cách 357.658 km, gần hơn 25.749 km so với mức trung bình, khiến người quan sát cảm thấy trăng sáng và lớn hơn bình thường.

Hiện tượng trên còn gọi là siêu trăng. Theo nhà thiên văn học Richard Nolle, siêu trăng là hiện tượng trăng non/trăng tròn về điểm cận địa, hoặc khoảng 90% điểm cận địa, tức vị trí Mặt Trăng gần Trái Đất nhất trên quỹ đạo.

 Hiện tượng trăng dâu tây chụp tại Đền Poseidon (Hy Lạp) tháng 6/2021. Ảnh: AP.

Hiện tượng trăng dâu tây chụp tại Đền Poseidon (Hy Lạp) tháng 6/2021. Ảnh: AP.

Tên gọi trăng dâu tây bắt nguồn từ truyền thống các bộ tộc Algonquin, Ojibwe, Dakota và Lakota ở Đông Bắc nước Mỹ. Trong các mùa vụ, họ dựa trên độ tròn của Mặt Trăng để thu hoạch dâu tây và một số loại trái cây khác

Tại châu Âu, hiện tượng này còn gọi là Mead Moon, Honey Moon, Rose Moon hay Planting Moon, đa số dựa vào loại hạt, quả mà nông dân thu thập trong mùa vụ, Washington Post cho biết.

Noah Petro, trưởng phòng thí nghiệm địa chất hành tinh của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết với người quan sát thông thường, siêu trăng sẽ có kích thước tương tự Mặt Trăng bình thường. Tuy nhiên, độ sáng tăng đáng kể của Mặt Trăng sẽ tạo ra hiệu ứng ngoạn mục hơn, đặc biệt nếu quan sát dưới bầu trời quang đãng.

Người quan sát trăng dâu tây nên chọn nơi có góc nhìn rộng, thoáng đãng, vùng bầu trời lớn, ít ánh đèn. Nên chờ lúc Mặt Trăng gần về đường chân trời phía Đông rồi chụp để cho ra hiệu ứng đẹp nhất. Tất nhiên, khả năng quan sát siêu trăng còn phụ thuộc vào thời tiết và mây mù, CNN đưa tin.

Nếu thời tiết hoặc khu vực đang sống khó quan sát, bạn có thể xem video trực tiếp sự kiện từ Rome (Italy) trên nhiều website như Virtual Telescope Project.

Sau khi trăng dâu tây kết thúc, những người yêu thiên văn sẽ có dịp chiêm ngưỡng ngũ hành tinh xếp thẳng hàng lần đầu tiên sau 18 năm. Cụ thể, những hành tinh gồm Thủy tinh, Kim tinh, Hỏa tinh, Mộc tinh và Thổ tinh sẽ thẳng hàng vào ngày 24/6, có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Đến ngày 13/7, hiện tượng siêu trăng sẽ trở lại, còn gọi là Super Buck Moon.

Âm thanh rùng rợn từ lỗ đen khổng lồ Các nhà khoa học từ Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã "âm thanh hóa" dữ liệu sóng áp suất trong tia X phát ra từ lỗ đen khổng lồ, thuộc cụm thiên hà trong chòm sao Perseus.

Phúc Thịnh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/xem-sieu-trang-dau-tay-tu-18h52-toi-nay-post1326405.html