Xem xét dự thảo Đề án thành lập, xây dựng và phát triển công viên địa chất tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 – 2025Tin khácNỗ lực thực hiện Nghị quyết số 116Những người 'giỏi việc nước, đảm việc nhà'
Sáng nay (20/10), đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) xây dựng Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu tỉnh chủ trì cuộc họp chuyên đề xem xét dự thảo Đề án thành lập, xây dựng và phát triển CVĐC tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 và các văn bản liên quan.
Dự cuộc họp có các chuyên gia, lãnh đạo Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường; các thành viên BCĐ xây dựng CVĐC toàn cầu tỉnh…
Theo dự thảo, CVĐC tỉnh Lạng Sơn nằm về phía Tây Nam của tỉnh, bao gồm trọn vẹn khối dãy núi đá vôi Bắc Sơn, thuộc địa bàn 5 huyện: Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan, Chi Lăng và Hữu Lũng với tổng diện tích 3.845,8 km2, dân số 375.656 người, tương ứng khoảng 46,3% diện tích và 48,1% dân số toàn tỉnh. Thời gian thực hiện từ năm 2021 đến năm 2024 chia làm 2 nhóm công việc, 14 dự án thành phần với tổng kinh phí dự kiến hơn 26 tỷ đồng.
Được UBND tỉnh giao làm đơn vị chủ trì triển khai, lập quy trình xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận dãy núi đá vôi Bắc Sơn là CVĐC toàn cầu, từ đầu năm 2021 đến nay, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh đã tổ chức tham khảo, học tập kinh nghiệm tại tỉnh Cao Bằng; phối hợp với Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản tổ chức khảo sát, đánh giá sơ bộ tiềm năng của CVĐC tại các huyện Hữu Lũng, Chi Lăng, Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan. Từ đó, xác định phạm vi, quy mô và triển vọng xây dựng CVĐC tỉnh, xây dựng dự thảo đề án thành lập, xây dựng và phát triển CVĐC toàn cầu tỉnh và các văn bản liên quan.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã phát biểu 13 ý kiến, tập trung phân tích, làm rõ một số nội dung như: căn cứ pháp lý; phạm vi, ranh giới của CVĐC; bố cục, kinh phí của 14 dự án thành phần; quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ thành viên BCĐ; công tác cán bộ; lộ trình thực hiện…
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đánh giá cao sự chủ động của Sở VHTTDL, đồng thời, đề nghị sở tiếp tục tiếp thu các ý kiến góp ý tại cuộc họp để chỉnh sửa, hoàn thiện nội dung dự thảo. Trong đó, tập trung vào một số ý chính như: nghiên cứu lại tên gọi CVĐC của tỉnh; thống nhất thực hiện đề án trong giai đoạn 2021 – 2025 để có thời gian chuẩn bị tốt hơn; bổ sung vào nội dung đề án căn cứ pháp lý, tính cấp thiết của đề án, dự kiến kinh phí cụ thể…
Đồng chí lưu ý Sở VHTTDL rà soát, bổ sung nhiệm vụ cụ thể của các thành viên BCĐ xây dựng CVĐC toàn cầu trong thời gian tới.