Xem xét phương án xây dựng đường trên cao giảm áp lực giao thông cho TP. Hồ Chí Minh

TP. Hồ Chí Minh hiện đang nghiên cứu 5 dự án BOT theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết số 98/2023/QH15, trong đó có phương án xây dựng đường trên cao nhằm giảm tải cho hệ thống giao thông hiện tại.

TP. Hồ Chí Minh với hơn 10 triệu dân và tốc độ phát triển nhanh chóng đang đối mặt với tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng.

Theo đại diện Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP. Hồ Chí Minh, giải pháp xây dựng đường trên cao là một trong những phương án hiệu quả nhằm giảm thiểu áp lực giao thông, cải thiện tốc độ di chuyển cho người dân.

Với mật độ phương tiện di chuyển rất cao, việc phân luồng giao thông bằng cách xây dựng các tuyến đường trên cao sẽ giúp tách biệt dòng xe, giảm áp lực cho các tuyến đường mặt đất, hạn chế tình trạng ùn tắc. Đồng thời, giải pháp này còn giúp rút ngắn thời gian chờ đợi tại các điểm giao cắt, tạo điều kiện kết nối nhanh chóng giữa các quận, trung tâm lớn hoặc liên kết vùng, đặc biệt là các khu vực có nhiều nút giao phức tạp.

 TP. Hồ Chí Minh đang tiến hành nghiên cứu 5 dự án BOT theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết số 98/2023/QH15

TP. Hồ Chí Minh đang tiến hành nghiên cứu 5 dự án BOT theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết số 98/2023/QH15

Trong bối cảnh này, Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh đang tiến hành nghiên cứu 5 dự án BOT theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết số 98/2023/QH15, trong đó bao gồm phương án xây dựng các tuyến đường trên cao.

Cụ thể, các dự án này tập trung vào việc nâng cấp, mở rộng các trục đường huyết mạch như Quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương), Quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An), Quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3). Ngoài ra, các dự án còn bao gồm việc nâng cấp đường trục Bắc - Nam (từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành) và xây dựng cầu đường Bình Tiên (từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh).

Theo đại diện Sở GTVT, các dự án này chủ yếu triển khai trên những tuyến đường hiện hữu có vai trò quan trọng trong kết nối vùng, đồng thời giải quyết tình trạng quá tải, kẹt xe kéo dài. Tuy nhiên, trong thời gian qua, do chưa cân đối được nguồn vốn đầu tư công, các tuyến đường này chưa thể nâng cấp mở rộng một cách toàn diện.

Việc hoàn thành các dự án BOT này sẽ mở rộng trục giao thông cửa ngõ của TP. Hồ Chí Minh, qua đó tăng cường kết nối giao thông, thúc đẩy lưu thông hàng hóa giữa thành phố với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long.

Cụ thể, dự án nâng cấp Quốc lộ 1, Quốc lộ 13, Quốc lộ 22 sẽ cải thiện đáng kể hạ tầng giao thông, giúp giảm tình trạng ùn tắc tại các cửa ngõ ra vào thành phố. Đồng thời, dự án xây dựng cầu đường Bình Tiên, nâng cấp trục đường Bắc - Nam sẽ tạo ra trục kết nối huyết mạch với Quốc lộ 50, Vành đai 3, cao tốc Bến Lức - Long Thành, từ đó giúp tháo gỡ điểm nghẽn giao thông, mở ra không gian phát triển đô thị cho khu vực phía Nam.

Các dự án này không chỉ đáp ứng nhu cầu lưu thông của người dân mà còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng của TP. Hồ Chí Minh trong thời gian tới. Việc nâng cấp hệ thống giao thông đô thị sẽ góp phần đưa TP. Hồ Chí Minh trở thành một trung tâm phát triển bền vững, hiện đại, đáp ứng được nhu cầu phát triển trong tương lai.

Ngọc Quyên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/xem-xet-phuong-an-xay-dung-duong-tren-cao-giam-ap-luc-giao-thong-cho-tp-ho-chi-minh-post392212.html