Xếp lương cán bộ cấp xã giữ chức vụ lãnh đạo

Tháng 5/2009, ông Đinh Gia Cảnh được bổ nhiệm vào ngạch công chức cấp xã, hưởng lương ngạch công chức hệ số 1,86 (bậc 1). Tháng 7/2010 ông Cảnh giữ chức danh Bí thư Đảng ủy phường, Phòng Nội vụ vẫn xếp mức lương của ông là 1,86. Ông Cảnh hỏi việc xếp lương của ông như vậy có đúng quy định không?

Vấn đề ông Cảnh hỏi, Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời như sau:

Xếp lương cán bộ cấp xã theo trình độ đào tạo

Theo quy định tại Điều 2 Thông tư liên tịch số 03/2010/TTLT-BNV-BTC-BLĐTBXH ngày 27/5/2010 của liên Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện Nghị định 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thì cán bộ cấp xã đã tốt nghiệp trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ từ trung cấp trở lên theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5 Nghị định số 92/2009/NĐ-CP thực hiện xếp lương như công chức hành chính quy định tại bảng lương số 2 (Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

- Cán bộ cấp xã tốt nghiệp trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ đại học trở lên xếp lương theo ngạch chuyên viên (mã số 01.003); tốt nghiệp trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cao đẳng xếp lương theo ngạch chuyên viên (cao đẳng) (mã số 01a.003); tốt nghiệp trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trung cấp xếp lương theo ngạch cán sự (mã số 01.004).

- Trường hợp đã có bằng tốt nghiệp trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ từ trung cấp trở lên được bầu cử, bổ nhiệm giữ chức danh cán bộ cấp xã (lần đầu) từ ngày 1/1/2010 trở về sau, thì kể từ ngày được bầu cử, bổ nhiệm được xếp vào hệ số lương bậc 1 của ngạch công chức hành chính quy định tại điểm a khoản 2 này và hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo của chức danh đảm nhiệm. Nếu có tổng hệ số lương được xếp ở ngạch công chức cộng với hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo của chức danh hiện đảm nhiệm thấp hơn so với hệ số lương chức vụ bậc 1 của cùng chức danh chưa có trình độ đào tạo từ trung cấp trở lên quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định số 92/2009/NĐ-CP thì được hưởng thêm hệ số chênh lệch cho bằng hệ số lương chức vụ bậc 1 đó. Hệ số chênh lệch này giảm tương ứng khi được nâng bậc lương trong ngạch được xếp.

- Cán bộ cấp xã có bằng tốt nghiệp trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ từ trung cấp trở lên thuộc diện được xếp lương theo ngạch công chức hành chính và hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo nếu tự nguyện có đơn đề nghị xếp lương chức vụ theo chức danh hiện đảm nhiệm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định số 92/2009/NĐ-CP thì được xếp lương chức vụ theo chức danh hiện đảm nhiệm và không hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo.

Tại Điểm a, Khoản 1, Điều 5 Nghị định 92/2009/NĐ-CP quy định xếp lương cán bộ cấp xã có trình độ sơ cấp hoặc chưa đào tạo trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đối với chức vụ Bí thư Đảng ủy được xếp lương bậc 1 hệ số 2,35; bậc 2 hệ số 2,85.

Theo quy định tại Điều 7 Nghị định 92/2009/NĐ-CP thì cán bộ cấp xã được xếp lương công chức hành chính, khi được bầu cử giữ chức vụ, được hưởng phụ cấp chức vụ. Bí thư Đảng ủy hưởng phụ cấp hệ số 0,3 so với mức lương tối thiểu chung.

Có thể thực hiện 2 phương án xếp lương

Trường hợp ông Đinh Gia Cảnh nếu tốt nghiệp trình độ chuyên môn nghiệp vụ trung cấp, tháng 5/2009 được xếp lương công chức hành chính ngạch cán sự (mã số 01.004), bậc 1, hệ số 1,86 là đúng.

Đến tháng 7/2010, ông Cảnh được bầu làm Bí thư Đảng ủy xã, có hai phương án xếp lương:

Phương án thứ nhất: Vận dụng Điểm c, Khoản 2, Điều 2 Thông tư liên tịch số 03/2010/TTLT-BNV-BTC-BLĐTBXH: Giữ nguyên bậc lương công chức hành chính đang hưởng, nhưng tổng hệ số lương được hưởng bằng hệ số bậc lương đang hưởng + phụ cấp chức vụ Bí thư Đảng ủy + chênh lệch cho bằng hệ số lương bậc 1 chức danh Bí thư Đảng ủy.

Tổng hệ số lương của ông Cảnh = 1,86 + 0,30 + [2,35 - (1,86 + 0,30)] = 2,35

Phương án thứ hai: Áp dụng Điểm e, Khoản 2, Điều 2, Thông tư Liên tịch số 03/2010/TTLT-BNV-BTC-BLĐTBXH nếu ông Cảnh tự nguyện có đơn đề nghị xếp lương chức vụ theo chức danh hiện đảm nhiệm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định số 92/2009/NĐ-CP thì được xếp lương chức vụ theo chức danh Bí thư Đảng ủy bậc 1, hệ số 2,35 và không hưởng phụ cấp chức vụ Bí thư Đảng ủy nữa.

Nếu Phòng Nội vụ tiếp tục xếp lương công chức hành chính bậc 1, hệ số 1,86 cho ông Cảnh và cộng hệ số phụ cấp chức vụ, cộng chênh lệch hệ số cho đủ hệ số 2,35 là đúng.

Lương công chức hành chính ngạch cán sự (mã số 01.004) ông Cảnh đang hưởng có thời gian giữ bậc để xét nâng bậc là 24 tháng, đến tháng 5/2011 ông Cảnh đủ thời gian xét nâng lương lên cán sự bậc 2 hệ số 2,06 (cộng phụ cấp Bí thư Đảng ủy hệ số 0,3 = 2,36). Còn nếu ông Cảnh tự nguyện chuyển hưởng lương chức danh Bí thư Đảng ủy bậc 1 hệ số 2,35, thì thời gian giữ bậc đủ 60 tháng mới được xét nâng bậc. Trường hợp của ông Cảnh đang hưởng lương công chức hành chính có lợi hơn hưởng lương chức danh.

Luật sư Trần Văn Toàn

VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/home/xep-luong-can-bo-cap-xa-giu-chuc-vu-lanh-dao/20115/80315.vgp