Xoa dịu nỗi đau do tai nạn bom mìn

Thời gian qua, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã hỗ trợ vốn sinh kế cho các gia đình có nạn nhân bị thương tích do bom mìn gây ra, đồng thời tổ chức nhiều chương trình tập huấn truyền thông phòng tránh và giảm thiểu tác hại của bom mìn. Theo thống kê, toàn tỉnh có 271 người bị thương tích do tai nạn bom mìn.

Tạo sinh kế cho nạn nhân bom mìn

Huyện Nghĩa Hành có 114 người bị thương tích do tai nạn bom mìn. Vừa qua, Hội Chữ thập đỏ tỉnh phối hợp với Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế trao vốn sinh kế cho 10 gia đình có người bị thương do tai nạn bom mìn có hoàn cảnh khó khăn tại hai xã Hành Nhân và Hành Minh.

Ông Lê Phục (bên trái), ở xã Hành Minh (Nghĩa Hành) bị thương tích do bom mìn được Hội Chữ thập đỏ tỉnh hỗ trợ sinh kế. Ảnh: ĐS

Mỗi gia đình được hỗ trợ 8 triệu đồng để mua con giống vật nuôi. Nhận được tiền hỗ trợ, ông Lê Phục (66 tuổi), ở thôn Long Bàn Nam, xã Hành Minh mua bò để phát triển kinh tế gia đình. Ông Phục bị thương ở phần lưng và đứt gân tay bên phải trong một lần tham gia tháo gỡ bom mìn năm 1976, nên không thể lao động nặng nhọc, nguồn kinh tế đều phụ thuộc vào người vợ. “Chính quyền địa phương, hội chữ thập đỏ các cấp đã quan tâm, động viên gia đình tôi rất nhiều. Nhờ đó, cuộc sống gia đình ổn định hơn", ông Phục chia sẻ.

Thời gian qua, Hội Chữ thập đỏ tỉnh phối hợp với Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế hỗ trợ vốn sinh kế cho nhiều đối tượng bị thương tích do tai nạn bom mìn có cuộc sống khó khăn trên địa bàn tỉnh. Theo đó, từ năm 2018 đến nay đã hỗ trợ 30 hộ ở các huyện Bình Sơn, Mộ Đức, Nghĩa Hành (8 triệu đồng/hộ). Qua đó, giúp các hộ gia đình có điều kiện vươn lên trong cuộc sống.

Nâng cao nhận thức cho người dân

Hội Chữ thập đỏ các cấp trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về phòng tránh tai nạn thương tích do bom mìn gây ra, tuyên truyền ghép trong các cuộc họp, sinh hoạt thôn, xóm...

Trong năm 2020, Hội Chữ thập đỏ tỉnh phối hợp với Văn phòng Điều phối Dự án “Phục hồi môi trường và khắc phục hậu quả chiến tranh” (dự án RENEW) tổ chức chương trình truyền thông phòng tránh và giảm thiểu tác hại của bom mìn tại 5 xã, thị trấn ở huyện Ba Tơ gồm Ba Vinh, Ba Vì, Ba Tô, Ba Động, thị trấn Ba Tơ. Hoạt động này kéo dài từ tháng 2 - 9.2020. Tại 5 địa phương, Ban điều hành dự án đã tổ chức lớp tập huấn cho nhóm truyền thông nòng cốt, có vai trò quan trọng trong việc triển khai các hoạt động tuyên truyền là Đoàn Thanh niên, tình nguyện viên, giáo viên tổng phụ trách đội của các trường tiểu học, THCS. Đồng thời, tổ chức hoạt động ngoại khóa tại các trường tiểu học, THCS nhằm giáo dục cho thanh, thiếu niên về hậu quả của tai nạn bom mìn còn sót lại sau chiến tranh và cách phòng tránh.

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: Diện tích ô nhiễm bom mìn trên toàn tỉnh là 293.000/512.900ha, chiếm gần 58%. Công tác rà phá bom mìn được các cấp, ngành thực hiện thường xuyên. Để hạn chế rủi ro do bom mìn, vật liệu nổ gây ra, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền đến từng địa phương. Trong năm 2021, Hội sẽ tiếp tục phối hợp với Dự án RENEW tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức tại các xã thuộc huyện Nghĩa Hành để tăng cường nhận thức mức độ nguy hiểm của những vật liệu nổ, bom mìn còn sót lại sau chiến tranh và đồng hành hỗ trợ sinh kế cho người dân bị thương do tai nạn bom mìn...

ĐĂNG SƯƠNG

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2024/202011/xoa-diu-noi-dau-do-tai-nan-bom-min-3029859/