Xoay xở, mở mang với thang
Thiết kế nhà cửa hiện nay luôn muốn ít bó hẹp trong phạm vi một căn phòng. Yếu tố liên thông, mở rộng, co giãn theo sinh hoạt giúp giảm bớt các vách ngăn, gia tăng thẩm mỹ theo cách thức linh hoạt, ít phải đụng chạm phần cứng. Nhưng nói vậy không có nghĩa là các sáng tạo về phần cứng bị hạn chế, mà ngược lại, có thể ghi nhận không ít giải pháp tạo nên xu hướng hấp dẫn hơn cho nội ngoại thất, trong đó có cầu thang, mà quy luật 'cứng và mềm' đáng được lưu tâm.
Nhà nhỏ, thang nhiều biến tấu: đổi vị trí và chất liệu cầu thang theo tầng để tận dụng diện tích, làm “sống lại” những kiểu thang của một thời tưởng đã thành dĩ vãng, như thang mang tính “dã chiến”, thang sắt dựng đứng, thang xoáy tròn biến tấu mềm mại, thang kiểu các khối hộc tủ trên giường tầng… đang được các nhà thiết kế trẻ hiện nay sử dụng trong các nhà hẻm, căn hộ nhỏ. Cách làm này vừa khai thác tối ưu không gian, diện tích, vừa giúp cầu thang trở thành chi tiết có thể trang trí thú vị, cá tính.
Nhà lớn, thang làm điểm nhấn: biến cầu thang và trục giao thông thành điểm nhấn, gia tăng trang trí, sinh hoạt và công năng cho khu vực này… là cách các biệt thự hoành tráng, công trình có diện tích rộng cải tạo lại cho hợp công năng mới. Một phần là việc trang hoàng phòng ốc phụ thuộc vào công năng, không dễ thay đổi cấu trúc, một phần khu cầu thang của nhà rộng thuận tiện để xoay xở hơn.
Cũng do eo hẹp diện tích, nên các nhà phố liền kề có khuynh hướng xử lý, tận dụng cầu thang là không gian hữu ích, thay vì chỉ thuần túy là trục giao thông. Những cách tạo điểm nhấn cho khu cầu thang có thể là ốp lát, thay đổi chất liệu, tạo mảng tranh lớn trên tường thang, giếng trời kế cận, thậm chí gắn đèn cho từng bậc nhằm gia tăng độ lung linh theo mỗi bước chân.
Mở rộng phong cách với chất liệu, chi tiết thang: thay vì bó hẹp trong những kiểu cách quen thuộc vốn có, câu hỏi “tại sao không?” được giới thiết kế đặt ra khi phải xử lý cầu thang sao cho độc, lạ và bắt mắt hơn. Cách nói làm hoàn thiện theo high tech hay low tech hiện nay để chỉ kiểu hoàn thiện tinh xảo hay thô mộc, quay về kiểu làm cũ hay hướng tới kiểu làm mới mà thế giới đang áp dụng.
Ví dụ như các cầu thang theo dạng hiện đại, tối giản được đổ bê tông dầm chìm dọc theo tường, rồi chìa thép liên kết bậc ra ngoài để gắn mảng bậc thép hoặc gỗ. Hoặc kiểu làm nguyên mảng thang toàn bọc gỗ cho bậc bằng lõi thép bên trong, rồi dùng kính cường lực không chỉ làm lan can mà làm luôn cả bậc thang…đều theo hướng làm “kỹ thuật cao”.
Ngược lại, cũng không ít cầu thang tuy ở thời 4.0 nhưng vẫn được trang trí hoàn toàn thủ công bằng cách ghép mảnh gốm, tô đá mài thô ráp, hay để nguyên miếng gỗ không đánh bóng sơn phủ, vẽ bằng tay lên vách… nhằm tạo hiệu quả mộc mạc, dân dã, tự nhiên… đều là những tìm tòi đáng trân trọng, miễn phù hợp công năng và ý muốn gia chủ.
Có người thấy việc trang trí cho cầu thang thêm đẹp, lạ thường ngạc nhiên, thậm chí cho rằng nên đầu tư vào phòng ốc hay mặt tiền, cần gì làm nơi đi lại! Tuy nhiên, giới chuyên môn thì quan điểm: toàn ngôi nhà có thể chưa ổn, nhưng một góc đẹp thì cần chăm chút trong khả năng. Vấn đề là cần xem yếu tố nhìn ngắm, cảm thụ như là một nhu cầu trong cuộc sống để thoát khỏi thói quen “cân- đong-đo-đếm” về diện tích, chi phí và hiệu quả sinh lợi.
Cầu thang đúng là nơi chỉ để đi lại, nhưng nếu khéo biết xử lý, thì ít khu vực nào trong nhà lại có nhiều “đất diễn” phong phú như cầu thang, thậm chí hình thành cả một trục đứng và xuyên suốt các tầng, có ánh sáng tự nhiên, cây xanh, đèn hiệu ứng… mà phòng ốc bình thường khó lòng so sánh bằng.
Dĩ nhiên, mọi sáng tạo vẫn nên tuân thủ một vài nguyên tắc chuyên môn như:
- Không nên tạo ra cầu thang đẹp-độc-lạ kiểu trơ trọi, lạc lõng, mà cần có sự dẫn dắt, chuyển tiếp từ ngoài vào, từ trên xuống, hoặc từ trong ra... sẽ giúp không gian tự nhiên hơn, hòa đồng hơn. Ví dụ những nét nhấn nhá trên tường vách thang có phối màu, tạo nét gần với khối hình của tổng thể, hay tạo ánh sáng bằng đèn trang trí có tính liên tục chạy tiếp vào hành lang, giao thông ngang sẽ thuyết phục hơn là gắn đơn độc trong khu cầu thang.
- Gắn kết việc trang trí với công năng cụ thể, cho dù nhiều nhà thiết kế khẳng định rằng yếu tố “đẹp” cũng đã đủ mang chức năng thẩm mỹ rồi. Ví dụ như một hệ tủ gầm thang hợp với kiểu cấu trúc thang, hay treo tranh ảnh, đặt điêu khắc nơi chiếu nghỉ thang có kích cỡ, khoảng lùi vừa tầm nhìn, sẽ gia tăng tiện nghi đi cùng trang trí.
- Chú ý sao cho những vị trí “góc chết” trở nên sống động hơn bằng cách tạo tiểu cảnh trang trí tại gầm thang, hốc tường, dầm đà băng qua chiếu nghỉ… nhằm thu hút sự chú ý và giảm lãng phí diện tích mà không nhất thiết phải thay đổi về cấu trúc của không gian.
Bài: Hoàng Dưỡng - Ảnh: Quốc Thống
Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/xoay-xo-mo-mang-voi-thang-26406.html