'Xốc' lại đội quân ứng phó phòng chống thiên tai cơ sở
Đội xung kích phòng chống thiên tai tại chỗ là lực lượng phản ứng nhanh, kịp thời xử lý các tình huống khẩn cấp đầu tiên tại cơ sở.
Sa Ná, bài học đắt giá về ứng phó thiên tai tại chỗ
Đầu tháng 8/2019, một trận lũ quét lịch sử bất ngờ đổ ập về bản Sa Ná, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) khiến 16 người chết và mất tích. Ngay sau đó, một hội nghị khẩn rút kinh nghiệm ứng phó mưa lũ, do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (PCTT) chủ trì, đã diễn ra tại Quan Sơn.
Tại đây, đại diện các ngành chức năng và các địa phương đã chỉ ra tồn tại, bài học kinh nghiệm trong công tác phòng chống thiên tai ở bản Sa Ná và khu vực miền núi như: Hầu hết các địa phương chưa rà soát, đánh giá khu dân cư đảm bảo an toàn với lũ quét, sạt lở đất; Kế hoạch, phương án ứng phó với lũ quét, sạt lở đất chưa cụ thể, sát với thực tiễn; Vật tư, trang thiết bị để ứng cứu còn hạn chế, khu vực bị cô lập trong thời gian dài, không nắm được thông tin do mất liên lạc.
Ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhận định, trận lũ quét vừa qua gây thiệt hại lớn tại bản Sa Ná là bài học cho công tác phòng chống thiên tai. Do đó, cần tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống thiên tai, tập huấn cho người dân kỹ năng phòng chống thiên tai; đầu tư xây dựng dự án phòng chống thiên tai như hồ đập thủy lợi, đê điều.
Qua đây, ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban chỉ đạo trung ương về PCTT đã yêu cầu các địa phương, ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền đến người dân kiến thức, kỹ năng về phòng chống thiên tai; Xây dựng lực lượng xung kích phòng chống thiên tai tại cơ sở đủ mạnh.
Bên cạnh đó, Chính quyền, ngành chức năng phải thường xuyên kiểm tra, tháo gỡ các điểm tắc nghẽn trên lòng sông, suối, nơi có nguy cơ tạo thành các bọng nước lớn có thể tạo thành lũ quét, lũ ống cho phía hạ lưu…
“Hiện nay cả nước có khoảng 100.000 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở đất đá, lũ quét, lũ ống ở miền núi. Số lượng hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm có dấu hiệu tăng lên. Do vậy, việc xây dựng các công trình dân cư, phòng chống lụt bão ở khu vực miền núi cần được tính toán kỹ, hạn chế tối đa thiệt hại do mưa lũ gây ra”, ông Hoài nhấn mạnh.
Chủ động PCTT ngay từ lực lượng xung kích cơ sở
Việt Nam được đánh giá là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thiên tai và biến đổi khí hậu với sự xuất hiện của hầu hết các loại hình thiên tai trên khắp các vùng miền trong cả nước.
Cụ thể, năm 2019, mặc dù thiên tai không diễn ra dồn dập và khốc liệt nhưng vẫn mang nhiều yếu tố cực đoan, dị thường trên khắp các vùng miền của cả nước với 16/21 loại hình thiên tai, gây thiệt hại lớn về kinh tế ước tính khoảng 7.000 tỷ đồng, làm 133 người chết và mất tích.
Từ đầu năm 2020 đến nay, thiên tai tiếp tục diễn biến cực đoan, bất thường, trên cả nước đã xảy ra 7 đợt dông lốc, mưa đá diện rộng; Hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long; 11 trận động đất; sạt lở bờ sông, bờ biển, lún sụt diễn biến phức tạp tại ĐBSCL… Tính đến hết tháng 4/2020, thiên tai đã làm 11 người chết, mất tích; Tổng thiệt hại về kinh tế gần 3.183 tỷ đồng.
Để ứng phó với thiên tai, ở nhiều quốc gia, lực lượng PCTT tại chỗ đóng vai trò quan trọng. Đặc biệt là trong thời điểm thiên tai mới xảy ra, đây là lực lượng phản ứng nhanh, kịp thời xử lý các tình huống khẩn cấp trước khi có lực lượng bên ngoài tiếp cận. Chẳng hạn, tại Nhật Bản, lực lượng dân phòng và cộng đồng địa phương đảm bảo an toàn trong 72 giờ đầu trước khi lực lượng quốc gia, khu vực tới chi viện.
Tại Việt Nam, hiện có khoảng 75% xã hình thành lực lượng xung kích phòng chống thiên tai. Tuy nhiên theo đánh giá, lực lượng này hiện còn thiếu sự thống nhất về cơ cấu tổ chức, trang thiết bị làm việc và cơ chế chính sách nên gặp khó khăn khi triển khai nhiệm vụ, nhiều nơi hoạt động còn mang nặng tính hình thức.
Trước thực trạng trên, Ban Chỉ đạo TƯ về PCTT đã quyết định chủ đề cho tuân lễ PCTT năm nay (17-22/5/2020) là “Phòng chống thiên tai chủ động, hiệu quả từ lực lượng xung kích cơ sở”. Theo đó, Ban Chỉ đạo TƯ về PCTT sẽ chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) chỉ đạo, tổ chức xây dựng và củng cố lực lượng xung kích phòng chống thiên tai ở cấp xã với nòng cốt là dân quân tự vệ thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong phòng chống thiên tai và xây dựng cộng đồng an toàn gắn với xây dựng nông thôn mới; Đảm bảo hoàn thành trong năm 2020.
Về phía chính quyền các cấp ở địa phương cũng được giao nhiệm vụ khẩn trương kiện toàn Ban chỉ huy PCTT và TKCN các cấp, phân công nhiệm vụ cụ thể của các thành viên, gắn với trách nhiệm người đứng đầu, tập trung xây dựng các đội xung kích phòng chống thiên tai ở cấp xã tại các khu vực. “Cần nâng cao năng lực phòng chống thiên tai tại địa phương, bố trí nguồn lực, đầu tư trang thiết bị, công cụ hỗ trợ cơ quan làm công tác tham mưu PCTT và TKCN cấp tỉnh để từng bước kết nối trực tuyến với cơ quan PCTT trung ương và các cấp ở địa phương phục vụ công tác chỉ đạo điều hành”, Ban chỉ đạo TƯ về PCTT nhấn mạnh.
Nhiệm vụ cơ bản của đội xung kích PCTT cấp xã
Ban chỉ đạo TƯ PCTT vừa ban hành hướng dẫn xây dựng và củng cố đội xung kích PCTT cấp xã.
Theo đó, nhiệm vụ thường xuyên của đội xung kích bao gồm: Tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức, kỹ năng và trách nhiệm của nhân dân trong PCTT; Theo dõi các bản tin dự báo, cảnh báo và diễn biến thiên tai để thông báo kịp thời tới tổ chức, cá nhân trên địa bàn; Kiểm tra, phát hiện nguy cơ mất an toàn đối với nơi ở của người dân, các công trình, cơ sở hạ tầng trên địa bàn nhằm chủ động xử lý; Kiểm tra phát hiện ngăn chặn, kịp thời báo cáo chính quyền, cơ quan chuyên môn để xử lý khi có các hành vi vi phạm pháp luật về PCTT...
Ngoài ra, bản hướng dẫn cũng quy định chi tiết nhiệm vụ trước, trong và sau khi xảy ra thiên tai của đội xung kích.