Xu hướng phát triển ngân hàng mới: Những thách thức nào cần hóa giải
Cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng tác động sâu và rộng đến ngành Ngân hàng. Điều này có thể nhìn thấy rõ qua xu hướng phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng mới với tính năng, tiện ích vượt trội cho các khách hàng.
Số hóa ngân hàng - xu hướng tất yếu
Một trong những xu hướng được đánh giá phát triển nhất là ngân hàng số. Phát triển ngân hàng số đã không còn là một lựa chọn mà trở thành nhu cầu tất yếu, thúc đẩy các ngân hàng đẩy mạnh ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin trong các nghiệp vụ và giao dịch tài chính. Đây cũng là xu hướng của ngành Ngân hàng nhằm góp phần đẩy mạnh triển khai định hướng tài chính toàn diện (Financial Inclusion).
Ông Nghiêm Thanh Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN cho biết, nhiều ngân hàng đã nghiên cứu, ứng dụng nhiều công nghệ mới, hiện đại vào hoạt động thanh toán, như áp dụng xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt, sinh trắc, sử dụng QR Code, Tokenization, thanh toán phi tiếp xúc, công nghệ mPOS... Đến nay đã có 24 ngân hàng, 9 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (TGTT) triển khai cung ứng dịch vụ thanh toán QR Code; toàn thị trường có hơn 50.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code...
Song song với đó, các ngân hàng cũng nâng cao khả năng thu thập và xử lý dữ liệu, ứng dụng Big data, AI để cải thiện quy trình quản trị, nâng cao trải nghiệm khách hàng; áp dụng các biện pháp an ninh, tiêu chuẩn bảo mật mới. Không chỉ ngân hàng quy mô lớn, mà ngay cả các ngân hàng nhỏ, thậm chí một số ngân hàng đang gặp nhiều khó khăn cả về nguồn lực, vốn đầu tư… nhưng vẫn chủ động ứng dụng công nghệ để phát triển sản phẩm, dịch vụ. Điều này đã tạo ra xu hướng số hóa rộng khắp trong lĩnh vực ngân hàng.
Đặc biệt, vài năm trở lại đây, sự hiện diện của các công ty Fintech đã mang tới làn gió mới cho thị trường dịch vụ ngân hàng. Với nhiều giải pháp công nghệ mới mang tính đột phá, các Fintech đã mang lại nhiều sản phẩm dịch vụ tiện ích mới với chi phí rẻ, giao dịch đơn giản, tiện lợi.
“Sự phát triển mạnh mẽ của các công ty Fintech cũng góp phần thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao với nhiều sản phẩm dịch vụ mới làm phong phú thị trường thanh toán điện tử trực tuyến như Momo, Onepay, 123pay… đã giúp tạo ra một môi trường năng động, thuận tiện, từ đó ngày càng có nhiều người dùng dịch vụ, tin tưởng hơn với việc sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt”, một chuyên gia ngân hàng đánh giá.
Điểm nhấn nữa của thị trường trong thời gian qua là dịch vụ ví điện tử đang phát triển mạnh mẽ, đạt được tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng cũng như giá trị giao dịch. Theo ông Nghiêm Thanh Sơn, tính đến ngày 31/12/2018, cả nước có 4,2 triệu ví điện tử đã liên kết với tài khoản ngân hàng và trong năm 2018, toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý 214 triệu giao dịch, đạt giá trị 91.000 tỷ đồng.
Hạ tầng thanh toán cũng phát triển mạnh. Tính đến cuối quý I/2019, cả nước có 18.668 máy ATM, 261.705 máy POS được lắp đặt tại hầu hết các cơ sở, chuỗi phân phối, bán lẻ, khách sạn lớn, cơ sở y tế, bệnh viện, trường học… Số lượng và giá trị giao dịch thanh toán nội địa của thẻ ngân hàng tiếp tục tăng trong quý đầu năm, đạt 65 triệu giao dịch với tổng số tiền 171.000 tỷ đồng.
Các ngân hàng cũng như các tổ chức TGTT đã cung ứng dịch vụ cho nhiều lĩnh vực: thanh toán tiền điện, tiền nước, học phí, bảo hiểm, dịch vụ tài chính, giao dịch chứng khoán, thanh toán vé máy bay, tàu hỏa, vé xem phim, cước truyền hình, viễn thông, nạp rút ví điện tử…
Bên cạnh các dịch vụ tài chính phục vụ dân cư, các ngân hàng còn thực hiện phối hợp với các bộ, ngành không ngừng cải cách thủ tục hành chính. Việc thu nộp ngân sách nhà nước được Bộ Tài chính phối hợp cùng NHTM từng bước điện tử hóa. Hiện khoảng 95% các khoản thu nộp thuế xuất nhập khẩu được thực hiện dưới các hình thức điện tử của NHTM hoặc qua cổng thông tin của Tổng cục Hải quan.
Vẫn còn nhiều rào cản
Sự phát triển của các xu hướng mới này mang lại nhiều lợi ích lớn cho người sử dụng, ngân hàng, và cả nền kinh tế. Tuy nhiên xu hướng này cũng vấp phải nhiều rào cản. Rào cản lớn nhất hiện nay theo nhận định của ông Nghiêm Thanh Sơn vẫn là thói quen sử dụng tiền mặt và nhận thức của người dân. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý trong lĩnh vực thanh toán chưa đầy đủ và đồng bộ, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến thanh toán điện tử và thương mại điện tử.
“Cùng với sự phát triển của công nghệ hiện đại và phương thức thanh toán mới, tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực ngân hàng cũng gia tăng với thủ đoạn tinh vi, phức tạp hơn, tăng cả quy mô và số lượng các vụ tấn công. Các hình thức giả mạo, gian lận trong thanh toán cũng ngày càng gia tăng gây khó khăn cho đơn vị chấp nhận thẻ trong việc nhận diện thẻ và gây tâm lý e ngại cho khách hàng”, đại diện Viện Chiến lược Ngân hàng cho biết.
Qua nghiên cứu, Viện Chiến lược cũng nhận thấy nếu chỉ một mình nỗ lực của hệ thống ngân hàng là chưa đủ mà cần sự vào cuộc từ các bộ, ngành cùng tháo gỡ khó khăn, tạo nền tảng vững chắc cho xu hướng ngân hàng mới phát triển. Bộ Công an cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư và các chính sách về kết nối với cơ quan quản lý, DN, các TCTD, người dân để tạo nền tảng cho phát triển tài chính số và ngân hàng số của quốc gia. Vì đây là cơ sở dữ liệu quan trọng nhất cho việc nhận biết khách hàng của TCTD, tạo lập các giao dịch về tài chính, ngân hàng…
Hiện nay, hầu hết giao dịch điện tử giữa cơ quan nhà nước và người dân, DN trên các cổng dịch vụ công chưa có quy định thống nhất, chưa có cơ chế xác thực định danh người sử dụng đảm bảo an toàn. Vì vậy, đại diện Viện Chiến lược NHNN kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy nhanh tiến độ xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử cho cá nhân, tổ chức nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc cung cấp và sử dụng dịch vụ xác thực và định danh điện tử đa dạng, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn thông tin trong giao dịch điện tử.
Một trong những giải pháp để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt là tạo ra ưu đãi về mặt tài chính cho người tiêu dùng và DN bán hàng khi sử dụng thanh toán điện tử. Kinh nghiệm tại một số nước cho thấy, Chính phủ có thể đưa ra những chính sách như giảm thuế giá trị gia tăng hoặc giảm thuế thu nhập khi sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
“Chi phí cho việc áp dụng các chính sách này sẽ được bù đắp bởi những lợi ích mang lại thông qua việc Chính phủ có thể kiểm soát được nguồn tiền, thu hẹp phạm vi của khu vực phi chính thức, góp phần chống thất thu thuế và tăng thu ngân sách nhà nước”, đại diện Viện Chiến lược NHNN kiến nghị…