Xử lý bệnh thán thư trên cây cam

Cam sành là một trong những cây trồng chủ lực của huyện Hàm Yên và một số xã huyện Chiêm Hóa. Tuy nhiên, vào thời điểm này, trên cam xuất hiện bệnh thán thư gây khô cành, khô lá… ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cam của người dân.

Ông Kiều Anh Thơ, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hàm Yên cho biết, hiện nay, trên cây cam nói riêng và cây có múi nói chung xuất hiện bệnh thán thư làm ảnh hưởng đến năng suất, giá trị sản phẩm. Trên lá, bệnh tấn công bất cứ vị trí nào nhưng thường gây hại ở chóp lá và rìa lá. Nhiều vết bệnh liên kết lại làm lá bị cháy thành từng mảng lớn, lá rụng sớm, ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây. Trên quả, bệnh xuất hiện những đốm nhỏ tròn, màu vàng nhạt, có thể gây thối quả. Nấm bệnh có thể gây hại trên cành non làm cành bị héo khô. Để xử lý bệnh thán thư, trung tâm đã cử cán bộ thường xuyên thăm vườn và hướng dẫn bà con cắt tỉa, đốt các cành, lá bị bệnh tránh để bệnh lây nhiễm cả vườn cam…

Lãnh đạo Trung tâm Cây ăn quả Hàm Yên thăm, kiểm tra tình hình sâu bệnh trên vườn cam xã Tân Thành (Hàm Yên).

Lãnh đạo Trung tâm Cây ăn quả Hàm Yên thăm, kiểm tra tình hình sâu bệnh trên vườn cam xã Tân Thành (Hàm Yên).

Xã Tân Thành có hơn 950 ha cam, trong đó cam cho thu hoạch 800 ha. Hiện nay, bệnh thán thư đã bắt đầu xuất hiện ở một số vườn cam có nhiều cỏ dại mọc. UBND xã đã hướng dẫn người dân trong thời gian chờ thu hoạch cam cần phát quang cỏ, cắt, tỉa cành tạo độ thông thoáng; cắt bỏ những cành, lá xuất hiện bệnh để bệnh không lây lan. Những vườn cam có dấu hiệu bệnh thán thư nhiều trên cành và lá, chưa lan sang quả thì xã khuyến khích người dân thu hoạch quả sớm, bán cam xanh thay vì đợi chín già mới thu hoạch. Ngay sau khi thu hoạch có thể lựa chọn các sản phẩm thuốc hữu cơ vi sinh để trừ bệnh. Ngoài ra, những vườn cam già, thiếu chăm sóc thường có bệnh vàng lá thối rễ, UBND huyện tuyên truyền hướng dẫn người dân chú trọng chăm sóc, bón phân hữu cơ, phân vi sinh, nếu bón phân vô cơ cần cân đối với độ phì của đất. Sau khi cây hồi phục sử dụng phân bón qua lá để cung cấp trực tiếp dinh dưỡng cho cây, hạn chế tổn thương bộ rễ, loại bỏ các cây bị bệnh nặng…

Nhờ thường xuyên thăm vườn mà gia đình anh Nguyễn Quốc Doanh, thôn Mường, xã Phù Lưu phát hiện vườn cam xuất hiện bệnh thán thư hại lá từ đầu tháng 12 - 2019. Vì vậy, gia đình anh Doanh đã thu hoạch 1 ha cam sớm hơn dự kiến 1 tháng và bán cam xanh đáp ứng thị trường miền Nam. Sau khi thu hoạch, anh đã tập trung phun thuốc hữu cơ vi sinh cho vườn cam. Hiện những cây bị bệnh đã có biểu hiện phục hồi.

Đối với các vườn cam được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất chuyển đổi theo hướng hữu cơ ít bị nhiễm bệnh thán thư hơn. Nguyên nhân là do, người dân chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, đồng thời phát quang cỏ dại cho cam… Ngoài ra, việc chăm sóc cây cam bằng phân hữu cơ ủ oai mục góp phần giúp cây cam khỏe mạnh, phát triển tốt hơn nên ít bị nhiễm bệnh hơn. Theo đánh giá của các hộ trồng cam, quá trình chăm sóc theo hướng hữu cơ, VietGAP cũng hạn chế rất nhiều sâu bệnh hại nên không mất nhiều tiền đầu tư thuốc bảo vệ thực vật. So với trồng cam thông thường thì giảm được 50% chi phí phòng trừ sâu bệnh.

Hiện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện tăng cường cử cán bộ đi cơ sở nắm tình hình sản xuất, thu hoạch cam của người dân. Từ đó, kịp thời nắm bắt tình hình sâu bệnh hại để có giải pháp, hướng dẫn người dân xử lý kịp thời, góp phần đảm bảo năng suất, chất lượng cam niên vụ 2019 - 2020.

Bài, ảnh: Mai Hương

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/xu-ly-benh-than-thu-tren-cay-cam-127414.html