Xử lý ra sao kẻ có tiền sử tâm thần sát hại nữ lao công?

Nếu công an xác định Toàn đã khỏi bệnh tâm thần hoặc vẫn làm chủ được hành vi, nghi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Giết người.

Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội, vừa bắt giữ khẩn cấp Lê Như Toàn (30 tuổi, ở TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) sau khi xác định người này dùng gạch đánh chết chị V.T.H. (43 tuổi, công nhân vệ sinh môi trường) đêm 4/4.

Theo Bộ luật hình sự 2015, mức án cao nhất cho tội Giết người là tử hình. Tuy nhiên, Toàn có tiền sử bệnh tâm thần. Việc xử lý nghi phạm sẽ diễn ra như thế nào?

Cần giám định tâm thần

Do Toàn từng có tiền sử bệnh tâm thần, luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa) nhận định cơ quan điều tra bắt buộc phải tiến hành trưng cầu giám định đối với nghi phạm để làm căn cứ tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.

Nếu kết quả giám định cho thấy thời điểm thực hiện hành vi, Toàn đang mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất nhận thức, khả năng điều khiển hành vi, nghi phạm sẽ thuộc nhóm đối tượng "không có năng lực trách nhiệm hình sự" theo Điều 21 Bộ luật hình sự 2015 và không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Những người thuộc nhóm này sẽ được đưa vào cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh, theo quy định tại Điều 49 Bộ luật hình sự 2015.

 Lê Như Toàn có tiền sử bệnh tâm thần trước khi gây án. Ảnh: Công an cung cấp.

Lê Như Toàn có tiền sử bệnh tâm thần trước khi gây án. Ảnh: Công an cung cấp.

Ngược lại, nếu Toàn được xác định đã khỏi bệnh và có thể làm chủ hành vi, người này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Giết người theo quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự 2015 với mức án cao nhất là tử hình.

Trường hợp Toàn bị bệnh nhưng không mất hẳn khả năng làm chủ hành vi, nghi phạm vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tuy nhiên, Toàn có thể được hưởng tình tiết giảm nhẹ "phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra" theo Khoản 1 Điều 51 bộ luật này.

Ngoài ra, nghi phạm còn phải bồi thường dân sự cho gia đình nạn nhân theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015.

Gia đình, người giám hộ có phải chịu trách nhiệm?

Một vấn đề khác được nhiều người quan tâm là nếu xác định Toàn mất khả năng làm chủ hành vi, gia đình hoặc người giám hộ có phải chịu trách nhiệm về việc để nghi phạm đi lang thang rồi gây án?

 Hiện trường vụ việc tối 4/4. Ảnh: T.M.

Hiện trường vụ việc tối 4/4. Ảnh: T.M.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh) cho biết theo Bộ luật hình sự 2015 và Nghị định 64/2011/NĐ-CP của Chính phủ, biện pháp bắt buộc chữa bệnh chỉ áp dụng khi xảy ra hành vi vi phạm pháp luật hình sự.

Do đó, khi không xuất hiện hành vi vi phạm, việc đưa người bệnh vào cơ sở khám chữa bệnh hoàn toàn phụ thuộc ý chí tự nguyện của gia đình hoặc người giám hộ của người đó.

Pháp luật không quy định bắt buộc phải đưa người bệnh vào cơ sở khám chữa bệnh. Bởi vậy, cơ quan chức năng không có căn cứ để xử lý hình sự người thân hoặc người giám hộ của Toàn vì buông lỏng giám sát, để nghi phạm gây án mạng.

Tuy nhiên, nếu không chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám sát Toàn, người giám hộ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người mắc bệnh gây ra theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015.

Tối 4/4, Toàn nhặt một viên gạch trên vỉa hè đường Cầu Giấy rồi đập vào đầu chị V.T.H. (43 tuổi, công nhân vệ sinh môi trường) khiến nạn nhân tử vong.

Gây án xong, nghi phạm trốn khỏi hiện trường. Sau gần một giờ, Toàn bị bắt khi lẩn trốn trong một khu đô thị ở phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy.

Theo công an, Toàn thất nghiệp, có tiền sử bệnh tâm thần. Thời điểm xảy ra sự việc, giữa Toàn và chị H. không có mâu thuẫn.

Hoàng Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/xu-ly-ra-sao-ke-co-tien-su-tam-than-sat-hai-nu-lao-cong-post1201028.html