Xử phạt hành vi vi phạm hành chính trong chấp hành các biện pháp bình ổn giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền

* Bạn đọc Trần Viết Sơn ở phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, hỏi: Hành vi vi phạm hành chính trong chấp hành các biện pháp bình ổn giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bị xử phạt như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 6 Nghị định số 87/2024/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể như sau:

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi chấp hành không đúng một trong những biện pháp bình ổn giá do cơ quan có thẩm quyền quy định.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành một trong những biện pháp bình ổn giá do cơ quan có thẩm quyền quy định.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc chấp hành đúng biện pháp bình ổn giá do cơ quan có thẩm quyền quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 điều này trong thời gian thực hiện biện pháp bình ổn giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định;

b) Buộc chấp hành các biện pháp bình ổn giá đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 điều này trong thời gian thực hiện biện pháp bình ổn giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

* Bạn đọc Phạm Văn Long ở xã Tô Múa, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, nguyên tắc thực hiện việc khắc phục hậu quả thiên tai được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 14 Nghị định số 66/2021/NĐ-CP ngày 6-7-2021 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Cụ thể như sau:

1. Chủ động sử dụng nguồn lực tại chỗ để khắc phục hậu quả thiên tai, trường hợp vượt quá khả năng cân đối của bộ, ngành, địa phương, báo cáo, đề xuất gửi Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai để tổng hợp, xem xét trình Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ.

2. Bảo đảm kịp thời, hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng đối tượng.

3. Ưu tiên hỗ trợ dân sinh, phục hồi sản xuất và khắc phục khẩn cấp công trình phòng, chống thiên tai và công trình xây dựng thiết yếu.

4. Khôi phục, sửa chữa, xây dựng lại đảm bảo bền vững hơn.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/xu-phat-hanh-vi-vi-pham-hanh-chinh-trong-chap-hanh-cac-bien-phap-binh-on-gia-cua-co-quan-nha-nuoc-co-tham-quyen-799983