Xuân ấm no trên vùng quế Yên Bái

Nhờ có cây quế, thu nhập của đồng bào ngày càng ổn định, đời sống vật chất tinh thần cũng không ngừng phát triển.

Cây quế được người dân Yên Bái đưa vào trồng bắt đầu từ những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, tập trung tại các địa phương có đông đồng bào Dao sinh sống như Văn Yên, Văn Chấn, Lục Yên… Đến nay, cây Quế đã phát triển rộng khắp, trở thành cây chủ lực trong phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương trong tỉnh.

Nhờ có cây quế, thu nhập của đồng bào ngày càng ổn định, đời sống vật chất tinh thần cũng không ngừng phát triển. Cũng từ cây quế, năm nay, có thêm hàng nghìn hộ dân ở Yên Bái thoát nghèo, bà con đón Tết vui Xuân trong không khí tươi vui và hạnh phúc.

Ông Thảo (bên phải) khai thác đồi quế lâu năm trước thềm năm mới.

Ông Thảo (bên phải) khai thác đồi quế lâu năm trước thềm năm mới.

Đeo bao dao lủng lẳng bên hông, chân đi ủng, đầu đội nón lá, ông Hoàng Văn Thảo, ở xã Đại Sơn, huyện Văn Yên hướng lên đồi quế mới trồng thay thế cho những cây vừa khai thác xong. Vừa quăng dao phát cỏ, ông Thảo vừa kể trước đây gia đình ông khó khăn lắm. Nhà có 4 người con, nên hai vợ chồng cố gắng lắm cũng chỉ đủ ăn. Mỗi dịp Tết đến, Xuân về là lại đối mặt với nỗi lo không biết lấy đâu ra tiền để mua quần áo, giầy dép mới cho con vui Tết.

Sau hơn 15 năm chuyển đổi toàn bộ gần chục héc ta diện tích đất đồi sang trồng quế, cuộc sống gia đình đã thay đổi. Ông Thảo cho biết, quế là cây lâu năm, nhưng ở đất Đại Sơn này cây lớn rất nhanh, sau 5 năm trồng là đã có thu nhập từ tỉa lá, cành, nhánh, rồi đến tỉa thưa lấy không gian cho những cây to phát triển lớn hơn…

Gần chục năm nay, quế đã mang lại thu nhập cho gia đình bình quân khoảng 200 triệu đồng mỗi năm. Có tiền, ông đã làm được nhà đẹp, mua được ô tô và cung cấp vốn cho các con làm ăn. Riêng năm 2019, ông khai thác đồi quế 15 năm tuổi của mình được trên 300 triệu đồng.

"Trước đây chưa có cây quế nên cố gắng làm thì cũng chỉ đủ ăn thôi. Nhờ trồng quế mấy năm nay, cuộc sống của gia đình đã đổi thay hoàn toàn, bây giờ có nhà cửa, xe đẹp, ăn thì được là ăn ngon, mặc đẹp", ông Thảo cho biết.

Cây quế bán được từ vỏ, gỗ đến lá cành. Năm vừa qua, giá quế trên thị trường tiếp tục ổn định. Bà con trồng quế ở Văn Yên rất phấn khởi.

Năm 2019, cây quế đã mang về thu nhập cho người dân Văn Yên trên 600 tỷ đồng.

Năm 2019, cây quế đã mang về thu nhập cho người dân Văn Yên trên 600 tỷ đồng.

Tại xã Viễn Sơn - một trong những xã trồng quế đầu tiên và có nhiều diện tích quế ở Văn Yên, với hơn 2.600ha. Năm 2019, bình quân mỗi hộ trồng quế đều có thu từ 60 đến 200 triệu đồng. Có những hộ thu nhập đến gần 1 tỷ đồng. Nhờ quế, năm nay xã có 156 hộ thoát nghèo, đưa tỉ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn hơn 16%; nhiều hộ gia đình thuộc diện trung bình của năm trước, nay vươn lên thành khá giả, có nhà đẹp, xe ô tô mới đón tết.

Xuân đến cũng là thời điểm chính vụ trồng quế mới, vì vậy bà con các dân tộc Văn Yên thường tổ chức các buổi gặp mặt, trao đổi những kinh nghiệm quý để trồng, chăm sóc, khai thác và sơ chế cây quế; cùng nhau canh tác theo mô hình sản xuất mới, nhằm thu được giá trị cao nhất từ cây quế.

Ông Bàn Phúc Hín, Chủ tịch UBND xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên, cho biết: "Chúng tôi đã tuyên truyền, vận động bà con nhân dân đặc biệt đảm bảo vệ môi trường trồng. Thứ 2 là làm cỏ theo hình thức lao động trực tiếp là phát, cào, xới; không dùng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu phun lên cây quế làm ảnh hưởng đến chất lượng các sản phẩm của quế".

Hiện, cây Quế được trồng ở tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Văn Yên, với tổng diện tích trên 40.000ha. Sản lượng cho khai thác mỗi năm ước đạt 7.000 tấn vỏ khô, 66.000 tấn lá, trên 60.000 mét khối gỗ. Cây Quế mang về cho người dân trong huyện hơn 600 tỷ đồng mỗi năm. Quế không những góp phần làm thay đổi cuộc sống người dân nghèo ở những xã đặc biệt khó khăn, mà còn góp phần đưa tỉ lệ hộ nghèo chung của huyện bình quân mỗi năm giảm trên 7%. Hết năm 2019, số hộ nghèo của huyện chỉ còn hơn 10,6%.

Một số loại sản phẩm quế Văn Yên được trưng bày tại Hội chợ quế.

Một số loại sản phẩm quế Văn Yên được trưng bày tại Hội chợ quế.

Trên địa bàn huyện Văn Yên hiện có 200 cơ sở sản xuất, kinh doanh quế giống, mỗi năm cung cấp khoảng 50 triệu cây giống cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Song song với đó, huyện cũng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người trồng quế; đầu tư và kêu gọi đầu tư 60 nhà máy thu mua chế biến tinh dầu quế, bột quế, đồ thủ công mỹ nghệ và thường xuyên xúc tiến thương mại qua các hội trợ, triển lãm, quảng bá sản phẩm quế...

Ông Vũ Quang Hải, Chủ tịch UBND huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái cho biết: "Chúng tôi tiếp tục giữ vững ổn định diện tích quế này và thu hẹp diện tích cây trồng kém hiệu quả khác để đưa cây quế vào làm giàu cho bà con nhân dân. Tiếp tục thu hút các nhà đầu tư vào chế biến sâu các sản phẩm quế, sản xuất theo dây truyền hiện đại chưng cất tinh dầu quế. Đặc biệt chúng tôi yêu cầu bà con nhân dân sử dụng giống quế thuần, giống quế lá nhỏ của của huyện. Không sử dụng các giống quế từ nơi khác về làm thoái hóa giống quế của huyện Văn Yên".

Giống quế Văn Yên.

Giống quế Văn Yên.

Với sự quan tâm của chính quyền các cấp, sự chủ động của bà con, cây quế đã và đang trở thành cây trồng mũi nhọn của huyện Văn Yên nói riêng, tỉnh Yên Bái nói chung. Những đồi quế xanh tốt, ngút ngàn trên vùng cao đã và đang đem đến cuộc sống ấm no, những mùa xuân ấm áp cho người dân vùng quế Yên Bái./.

Thừa Xuân/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/xuan-am-no-tren-vung-que-yen-bai-1002197.vov