Xuất bản và phát hành sách trong thời đại công nghệ số

Công nghệ giúp gia tăng doanh số bán hàng, đa dạng thị trường tiếp cận và cũng tạo động lực cho người viết sách đa dạng hóa tác phẩm của mình trong việc tiếp cận với công chúng.

Thay đổi cách phát hành sách

Hiện nay, các nhà xuất bản đều mở gian hàng trên các sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Lazada, Tiktok… Nhờ đó, các công ty phát hành, làm sách sẽ chủ động mở rộng kênh phân phối và đem lại doanh thu tốt hơn.

Một số đơn vị ghi nhận doanh số bán hàng từ các kênh thương mại điện tử tăng cao như Alpha Books đóng góp 40-45% doanh số bán sách trên các nền tảng điện tử, Bách Việt với khoảng 20%… Hay như Fahasa, nhờ mở kênh bán hàng điện tử mà đơn vị này nhận thấy được sự quan tâm lớn dành cho sách thiếu nhi, từ đó tạo cơ hội cho các nhà xuất bản trong việc đáp ứng nhu cầu sách thiếu nhi và giáo dục.

Ngoài ra, việc ứng dụng truyền thông số để bán hàng cũng giúp cho các đơn vị gia tăng doanh số. Ông Nguyễn Anh Dũng - Giám đốc Công ty CP SBooks cho biết, hiện nay trên nền tảng Tiktok của Sbooks, mỗi tháng đơn vị này có thể thu hàng triệu lượt xem giúp tiếp cận 200 triệu lượt xem sản phẩm, từ đó dẫn đến gia tăng doanh thu từ việc phát hành sách trên nền tảng này, có thời điểm lên đến 30.000 đơn hàng/tháng. Ông Dũng cho biết, doanh thu từ nền tảng số chiếm tới khoảng hơn 70% so với tổng doanh thu các hoạt động phát hành khác của công ty.

Độc giả trải nghiệm sách nói

Độc giả trải nghiệm sách nói

Tận dụng lợi thế về công nghệ, Sbooks cũng mới cho ra mắt ứng dụng sách nói Bookas của mình, gia nhập thị trường sách nói cùng Voiz FM, Fonos, Waka. Bên cạnh đó việc ứng dụng công nghệ AI cũng giúp giảm được thời giản sản xuất một tác phẩm sách nói chỉ trong 3 ngày. Ngoài ra, công nghệ AI của Bookas còn có thể tạo ra môi trường số kết nối tác giả và độc giả, trở thành đối tác của đơn vị.

"Dựa trên nền tảng đó, các tác giả, nhà văn, cây viết trẻ, bất kỳ ai, kể cả những độc giả sau khi đọc sách, sau khi tìm hiểu, chiêm nghiệm, cũng có thể vào đó để sáng tạo, xây dựng cho mình những kho tàng kiến thức trên nền tảng Bookas", ông Dũng nói.

Đa dạng hóa các loại hình sách

Không riêng các nhà xuất bản, phát hành sách mà hiện nay công nghệ còn tác động đến những người viết.

Theo nhà văn, nhà báo Nguyễn Quang Hưng thuộc báo Thời Nay, ấn phẩm của báo Nhân Dân, câu chuyện số hóa trong lĩnh vực thông tin - truyền thông ở lĩnh vực xuất bản sách là một sự bắt nhịp rất ngoạn mục. Trong đó việc áp dụng số hóa để tạo nên sách điện tử, sách nói, phần mềm công nghệ tạo điều kiện cho công chúng có thể tiếp cận trong nhiều hoàn cảnh, điều kiện khác nhau.

Bên cạnh đó việc tác động thói quen đọc, nghe truyền thống sang sách nói sách điện tử cũng là một thách thức. Tuy vậy với xu thế phát triển hiện nay, những yếu tố như thời gian, đặc thù cuộc sống của bạn đọc thế hệ mới sẽ tạo điều kiện để hình thức sách nói, sách điện tử tiếp cận được bạn đọc mới, bạn đọc trẻ.

Nhà văn này cũng cho rằng, việc tồn tại đa dạng, phong phú các loại hình sách khác nhau cũng là điều cần thiết để đáp ứng nhiều đối tượng bạn đọc. Và việc hợp tác giữa tác giả và những đơn vị tham gia sản xuất những loại hình sách này là sự cần thiết, đôi bên cùng có lợi.

“Tôi nghĩ rằng, muốn phát triển những hình thức sách mới, sách công nghệ, nếu không có tác giả thì hành trình này khó có thể thành công. Và các tác giả cần nhận thức rõ cũng như ý thức sâu sắc hơn về xu thế phát triển của loại hình sách này để có thể tham gia một cách tích cực hơn. Điều đó đồng nghĩa với việc tác phẩm của chúng ta được lan tỏa rộng rãi hơn qua nhiều hình thức khác nhau", nhà văn, nhà báo Quang Hưng nói.

Nhờ công nghệ, sách có thể dễ dàng tiếp cận với bạn đọc thông qua các trang web của đơn vị phát hành sách, sàn thương mại,...

Nhờ công nghệ, sách có thể dễ dàng tiếp cận với bạn đọc thông qua các trang web của đơn vị phát hành sách, sàn thương mại,...

Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, công tác chuyển đổi số xuất bản hiện nay đang tập trung vào 4 nội dung chính. Trước tiên là các đơn vị cần vượt qua "sự sợ hãi" bởi một số đơn vị hiện nay vẫn đang chờ người đi trước thực hiện để tránh rủi ro. Tiếp theo, đó chính là sự kết hợp của các đơn vị cùng việc chú trọng phát triển nhân lực trong ngành xuất bản đáp ứng chuyển đổi số, từ lãnh đạo đến nhân viên.

Ngoài ra, bảo vệ bản quyền cũng là câu chuyện nan giải, nhất là trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay. Muốn bảo vệ được bản quyền thì các đơn vị phải có sự kết hợp với nhau, cùng làm thì mới có kết quả.

Ông Nguyên lấy ví dụ ở Pháp, thị trường có ngành xuất bản tương đối phát triển, họ thực hiện văn bản có tính pháp lí, mọi AI tạo sinh đều làm rõ nguồn thông tin lấy từ đâu ra, từ đó sẽ có đơn vị truy thu bản quyền. Nếu như các công ty công nghệ hiểu được điều này thì đây là cơ sở để AI và ngành xuất bản tiếp tục là động lực cho sự phát triển lẫn nhau.

Ngoài ra, ông Nguyên nhận định đối với ngành xuất bản, điều bắt buộc là phải đa dạng hóa sản phẩm. Bên cạnh sách truyền thống thì các loại hình sách nói, ebook cũng cần phát triển đồng bộ. Thị trường sách nói hiện chỉ có khoảng 5 triệu tài khoản sử dụng thường xuyên, đây là dư địa rất lớn để các đơn vị tạo ra sản phẩm trên thị trường.

"Chúng tôi đã có những buổi làm việc với các cơ quan nước ngoài và một trong những điều quan trọng là phải đa dạng hóa lực lượng phát hành để đảm bảo sự sáng tạo cũng như sự phát triển đa dạng của thị trường", ông Nguyên nói thêm.

Vũ Hường- CTV Nhã Anh/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/xuat-ban-va-phat-hanh-sach-trong-thoi-dai-cong-nghe-so-post1132050.vov