Xuất hiện nhiều thủ đoạn buôn lậu mới
Vào những tháng cuối năm thì tình hình buôn lậu lại có xu hướng gia tăng, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng phục vụ tiêu dùng. Qua các vụ việc bị các lực lượng chức năng bắt giữ gần đây cho thấy, nhiều thủ đoạn buôn lậu mới đang xuất hiện, đặc biệt là trên nền tảng thương mại điện tử.
Nhiều thủ đoạn tinh vi
Hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ chủ yếu sản xuất ở nước ngoài, sau đó nhập lậu vào nước ta dưới dạng thành phẩm hoặc nguyên liệu đóng gói trong nước, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, thiệt hại đến uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Đơn cử như một số công ty có vốn đầu tư nước ngoài, trụ sở tại Việt Nam nhưng không sản xuất tại Việt Nam mà chỉ nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc, sau đó thay bằng nhãn mác ghi xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu đi Mỹ.
Bên cạnh đó, còn có hiện tượng nhập khẩu hàng hóa gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam thể hiện ở việc được sản xuất tại Trung Quốc nhưng khi kiểm tra thực tế thì trên hộp đựng sản phẩm và trên hàng hóa thể hiện chữ đúc chìm “Made in Vietnam”.
Phó Chánh văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) Nguyễn Kỳ Minh cho biết, đối với việc kiểm tra hàng hóa trên khâu lưu thông, khi lực lượng QLTT tiến hành kiểm tra, bắt giữ các phương tiện chở hàng hóa với số lượng lớn thì lái xe xuất trình một số hóa đơn chứng từ, nhưng đa số không trùng khớp với số hàng hóa tại hiện trường. Thậm chí, một số hóa đơn bán hàng có giá rẻ hơn giá của sản phẩm cùng loại trên thị trường từ 20 - 30 lần.
Đáng chú ý, thương mại điện tử đã phát triển với tốc độ nhanh, nhiều đối tượng đã lợi dụng loại hình này để buôn bán, kinh doanh trái với quy định của pháp luật, lần theo những địa chỉ bán hàng trên mạng xã hội, các lực lượng chức năng đã phát hiện và thu giữ nhiều sản phẩm hàng hóa vi phạm, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Đơn cử như vào ngày 17/12/2020, Đội QLTT số 1- Cục QLTT Hà Nội đã phát hiện và bắt quả tang tại cơ sở kinh doanh tại địa chỉ ngõ 259 phố Vọng, Hai Bà Trưng, Hà Nội tàng trữ 4.670 điếu thuốc lá điện tử các loại; 10.125 quả bóng cười… tất cả hàng hóa này đều được cơ sở rao bán trên mạng xã hội.
Buôn lậu diễn biến phức tạp trên các tuyến
Trên thực tế, trong thời gian qua, hoạt động buôn lậu gia tăng mạnh trên các tuyến đường bộ, đường biển, hàng không và bưu điện. Trên tuyến đường bộ, lợi dụng đời sống khó khăn của cư dân biên giới, các chủ đầu nậu đã thuê người dân và “cửu vạn” vận chuyển hàng lậu về Việt Nam và đưa các hàng cấm xuất khẩu từ Việt Nam qua biên giới tiêu thụ.
Ở tuyến này, thủ đoạn thường gặp của các đối tượng vi phạm là lợi dụng đêm tối, dùng thuyền nan hoặc thuê “cửu vạn” đi bằng các đường mòn, lối tắt để vận chuyển hàng, sau đó gom lại. Những hoạt động diễn ra với các phương thức thủ đoạn tinh vi, phức tạp, gắn trách nhiệm vật chất đối với người khuân vác vận chuyển hàng lậu, nếu bị bắt thì họ phải tự đền tiền.
Ngoài ra, lợi dụng việc đưa hàng miễn thuế vào các khu kinh tế cửa khẩu, khu bảo thuế để chuyển hàng nhập lậu, các đối tượng kinh doanh bao gồm thương nhân trong nước và thương nhân nước ngoài đã mang hàng với thuế suất bằng 0% qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu quốc gia đưa vào bán tại các khu kinh tế cửa khẩu, chợ biên giới... Từ đây, các đối tượng buôn lậu tổ chức thu mua lại và dùng hóa đơn bán hàng (để hợp thức hóa hàng lậu) rồi dùng các phương tiện khác nhau hoặc lợi dụng người đi du lịch để vận chuyển hàng lậu vào các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Bên cạnh đó, trên tuyến đường biển, việc vận chuyển hàng tiêu dùng khối lượng lớn về Việt Nam ở vùng biển miền Bắc và miền Trung có dấu hiệu phức tạp và khá nghiêm trọng.
Thủ đoạn phổ biến là hoạt động về ban đêm, dùng tàu biển công suất lớn, sử dụng các phương tiện thông tin hiện đại để liên lạc và theo dõi chặt chẽ các lực lượng chức năng chống buôn lậu. Khi bị kiểm tra phát hiện, bắt giữ, các đối tượng này sẵn sàng vứt hàng xuống biển để phi tang và chống trả quyết liệt.
Còn trên tuyến hàng không và bưu điện, hàng lậu chủ yếu là hàng gọn nhẹ, giá trị kinh tế cao, dễ cất giấu, như máy ảnh, camera, điện thoại di động, đồng hồ đeo tay, mỹ phẩm, đồ trang sức, kim loại quý, đá quý, ngoại tệ, ma túy và ma túy tổng hợp, thuốc chữa bệnh, vũ khí, công cụ hỗ trợ...
Do vậy, Ban chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu các lực lượng chuyên ngành (Công an, QLTT, Hải quan…) cần tăng cường trao đổi thông tin nghiệp vụ, phối hợp cùng nhau để nhận diện phương thức, thủ đoạn mới của các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/thi-truong/xuat-hien-nhieu-thu-doan-buon-lau-moi-627681/