Xuất khẩu Dệt may năm 2024 sẽ tiếp tục đa dạng hóa thị trường và mặt hàng
Trên cơ sở phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, VITAS xây dựng mục tiêu toàn ngành năm 2024 đạt kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD.
Tại họp buổi báo tổ chức ngày 23/11/2023, ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết năm 2023 trong bối cảnh các đơn hàng xuất khẩu Dệt may từ các thị trường truyền thống chủ lực đang gặp khó khăn, các doanh nghiệp Dệt may đã nỗ lực mở rộng, đa dạng hóa thị trường mặt hàng nhằm tạo việc làm giữ ổn định lực lượng lao động nhằm chuẩn bị cho sự phục hồi trong gian đoạn tiếp theo.
Đa dạng hóa thị trường, ngành hàng, xuất khẩu Dệt may đến 104 thị trường và vùng lãnh thổ
Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cho biết trong năm 2023 toàn Ngành đã bứt phá trong việc đa dạng hóa sản phẩm và thị trường, xuất khẩu Dệt may đến 104 thị trường và vùng lãnh thổ, đây là nỗ lực của toàn Ngành trong bối cảnh nhu cầu các sản phẩm Dệt may nhất là tại các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam sụt giảm mạnh. Nhiều thị trường trước đây được xem là vùng trắng của xuất khẩu Dệt may trong năm 2023 cũng ghi nhận những con số doanh thu ấn tượng như thị trường Châu Phi, các sản phẩm may mặc cho đạo hồi hay thị trường Nga…
Cụ thể VITAS cho biết KN xuất khẩu Dệt may năm 2023 dự kiến ước đạt 40,3 tỷ USD, giảm 9,2% so với năm 2022. Trong đó XK hàng may mặc ước giảm 3,1 tỷ USD (tương đương 8,9%), XK vải ước giảm 186 triệu USD (tương đương 6,9%), XK xơ sợi ước giảm 485 triệu USD (tương đương 10,3%), XK nguyên phụ liệu ước giảm 218 triệu USD (tương đương 16%).
Theo VITAS, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu Dệt may năm 2023 có sự thay đổi rõ rệt. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm mạnh như: đồ nỉ, quần short, quần áo trẻ em,v.v… Ở chiều ngược lại, các mặt hàng như: đồ BHLĐ, bộ comple, quần áo y tế, quần jeans lại tăng nhanh.
Trong đó Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Dệt may Việt Nam. Số liệu đến hết 9 tháng năm 2023 xuất khẩu Dệt may sang thị trường Mỹ đạt 11 tỷ USD thứ 2 là Nhật Bản khoảng đạt khoảng 3 tỷ USD tiếp đến là Hàn Quốc 2,4 tỷ USD. Tuy nhiên các thị trường trọng điểm của xuất khẩu Dệt may được kỳ vọng gia tăng nhờ hưởng lợi từ hiệp định thương mại tư do như EU lại không đạt được như mục tiêu đặt ra giảm khoảng 13% trong 9 tháng đầu năm.
Lý giải cho sự gia tăng thị trường và ngành hàng xuất khẩu phần nào bù đắp sụt giảm mạnh tại các thị trường lớn truyền thống tại Họp báo ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch VITAS cho biết, Việt Nam có nhiều lợi thế về các mặt hàng sợi polyester, sợi tổng hợp, sợi tái chế… với giá cả cạnh tranh cao, đây cũng là những mặt hàng mà trước đây Việt Nam chưa quan tâm xuất khẩu. Ngoài ra theo ông Giang việc chủ động trong giải pháp thiết kế, phát triển ứng dụng công nghệ 3D trong thiết kế mẫu là một trong những yếu tố quan trọng cùng sự cạnh tranh về giá và kỹ năng lao động, góp phần làm dày thêm số liệu xuất khẩu của Dệt may Việt Nam trong năm 2023 đầy thách thức.
Trong bối cảnh khó khăn về đơn hàng để tạo công việc cho người lao động nhiều doanh nghiệp Dệt may đã chủ động điều chỉnh sản xuất, đa dạng hóa mặt hàng, chấp nhận các đơn hàng khó, nhỏ, thời gian giao hàng nhanh…bên cạnh sự chủ động đáp ứng các tiêu chuẩn của các đối tác khách hàng thị trường nhập khẩu như các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường xanh hóa sản xuất, quy định về lao động…
Theo VITAS điểm nổi bật năm 2023 hầu hết các doanh nghiêp Dệt may giữ chân được nguồn lực, người lao động, hiện tại trong Quý 4/2023 thị trường cũng đã cho thấy các tín hiệu tốt hơn với sự quay trở lại của các đơn hàng đây sẽ là tiền đề tốt cho năm 2024.
Năm 2024 xuất khẩu Dệt may có mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD
Năm 2024, dự báo kinh tế thế giới còn nhiều biến động, thách thức với doanh nghiệp Dệt may sẽ chưa dừng lại, nhiều thị trường nhập khẩu Dệt may lớn đưa ra những quy định mới mang tính bắt buộc liên quan tới thẩm định quyền Con người và Môi trường trong Chuỗi cung ứng, quy định thiết kế sinh thái, sản phẩm tái chế, xử lý chất thải dệt may…
Tuy nhiên, với những lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do, xuất khẩu Dệt may Việt Nam vẫn được nhận định có những ưu thế so với các quốc gia cạnh tranh. Trên cơ sở phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, VITAS xây dựng mục tiêu toàn ngành năm 2024 đạt kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD.
Để đạt được mục tiêu VITAS cho biết sẽ tiếp tục sát cánh cùng doanh nghiệp, tiếp tục thực hiện tốt vai trò kết nối các doanh nghiệp trong nước với nhau và với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hình thành chuỗi cung ứng, mở rộng thị trường xuất khẩu; phối hợp với các tổ chức quốc tế uy tín triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về quản trị, chuyển đổi xanh, công nghệ mới, thiết kế, xây dựng thương hiệu…; Đồng thời là cầu nối hiệu quả giữa cơ quan quản lý Nhà nước với khối doanh nghiệp dệt may, phản ánh những vướng mắc về cơ chế chính sách, làm tốt vai trò là thành viên Hôi đồng tiền lương quốc gia, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính...
Với mục tiêu gia tăng lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu Dệt may Việt Nam, phát triển ngành Công nghiệp thời trang Việt Nam vươn tầm khu vực và thế giới VITAS kiến nghị sớm có những đầu tư cụ thể, hiện thực hóa chiến lược của Ngành; Hiệp hội đề xuất cần khẩn trương quy hoạch các KCN Dệt may đạt các chuẩn mực về môi trường thu hút đầu tư vào vải, nguyên liệu đầu vào; kiến nghị quan tâm có các chiến lược đầu tư về nguồn nhân lực chất lượng cao nhất là trong khâu thiết kế mẫu, thiết kế thời trang cũng như tạo lập các trung tâm thời trang lớn, sàn trình diễn…
Tại sự kiện VITAS cho biết sẽ tổ chức Hội nghị Tổng kết năm 2023 vào 16/12/2023 tại Hà Nội với chủ đề chính “Phát huy nội lực - liên kết toàn diện - phát triển bền vững” - đây là sự kiện quan trọng của Hiệp hội để nhìn nhận đánh giá tình hình dệt may trong nước và thế giới; chia sẻ giải pháp giúp Ngành Dệt May vượt qua những thách thức, hướng tới phát triển bền vững và theo hướng tuần hoàn.
Trong khuôn khổ sự kiện này sẽ diễn ra hội thảo chuyên đề với sự tham dự của các diễn giả là chuyên gia trong nước và các tổ chức quốc tế uy tín, thảo luận các giải pháp liên kết quản lý chuỗi cung ứng dệt may, hướng tới xây dựng mô hình phát triển bền vững ngành Dệt may từ nay đến năm 2030.