Xuất khẩu gạo 8 tháng đạt 2 tỷ USD, giảm gần 15% về giá trị
Bộ NN&PTNT dự báo, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc và Philippines tiếp tục khó khăn thời gian tới. Thị trường EU dù có nhiều triển vọng mở cửa song lại quy định rất khắt khe về chất lượng nhập khẩu.
Theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), khối lượng gạo xuất khẩu tháng 8 năm 2019 ước đạt 591 nghìn tấn với giá trị đạt 265 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 8 tháng đầu năm 2019 ước đạt 4,54 triệu tấn và gần 2 tỷ USD, tăng 0,3% về khối lượng nhưng giảm 14,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Về thị trường, trong 7 tháng đầu năm, Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với 34,5% thị phần, tương ứng 589,4 triệu USD, gấp 3,2 lần về khối lượng và gấp 2,7 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh gồm Bờ Biển Ngà (tăng 64,5%), Úc (tăng 63,9%), Hồng Kông (tăng 43,5%), Ả rập xê út (tăng31,3) và Irắc (tăng 24,8%). Giá gạo xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2019 đạt 433 USD/tấn, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm 2018.
Thị trường lúa gạo trong ngắn hạn dự báo vẫn sẽ gặp khó khăn do việc xuất khẩu sang Trung Quốc và Phillipines gặp nhiều hạn chế. Sau thời gian dài giảm, nhu cầu gạo từ thị trường Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu tăng trưởng trở lại.
Trong khi đó, sau gần nửa năm thay đổi chế độ hạn ngạch sang thuế quan giúp thúc đẩy hoạt động nhập khẩu gạo, lượng tồn kho của Philipines đang ở mức tương đối cao. Cùng với đó, nông dân trồng lúa nước này đang yêu cầu Chính phủ hỗ trợ tiêu thụ lúa gạo do thiệt hại gây ra từ mở cửa nhập khẩu, nên trong thời gian tới, hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Philippines sẽ xuất hiện nhiều trở ngại và dự báo không tiếp tục tăng mạnh.
Xuất khẩu gạo sang EU dự báo sẽ tăng do tác động của Hiệp định EVFTA được ký kết vào ngày 30/6/2019, mặc dù Hiệp định này còn chờ Quốc hội các nước phê chuẩn để chính thức có hiệu lực.
Trước đây Việt Nam chỉ xuất khẩu được khoảng hơn 20 nghìn tấn gạo/năm sang EU với mức thuế dao động khoảng 65-211 EUR/tấn (ước tính khoảng 50% giá trị xuất khẩu), nhưng với mức hạn ngạch thuế suất 0% cho 80 nghìn tấn, cao gần 4 lần so với thực tế xuất khẩu hiện tại, dự kiến hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU sẽ tăng trưởng mạnh trong tương lai.
Tuy vậy, EU là một thị trường khó tính, để tận dụng cơ hội mới này một cách thành công, doanh nghiệp gạo xuất khẩu cần nâng cao chất lượng, kiểm soát các quy định SPS/TBT, quy định về truy xuất nguồn gốc, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, cũng như làm quen với các thủ tục giấy tờ liên quan (ví dụ, các loại gạo phải thuộc một trong 8 loại được phép hưởng miễn thuế và có đầy đủ giấy chứng nhận đúng chủng loại được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền...)…