Xuất khẩu ngày 30/1-1/2: Gạo Việt sắp 'vượt mặt' Thái Lan, Bộ Công Thương can thiệp vụ cá da trơn 'tắc đường' sang Campuchia

Tháng 1/2020 xuất khẩu gần 28 tỷ USD, giá gạo Việt Nam tăng thêm 5 USD/tấn, Bộ Công Thương gỡ khó cho thủy sản xuất khẩu sang Campuchia... là những tin chính trong bản tin xuất khẩu ngày 30/1-1/2.

Xuất khẩu cá ngừ đại dương đang khởi sắc/ (Nguồn: Monspet)

Xuất khẩu cá ngừ đại dương đang khởi sắc/ (Nguồn: Monspet)

Tháng 1/2020 xuất khẩu gần 28 tỷ USD

Ước tính tháng 1/2021 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 27,7 tỷ USD, tăng 0,2% so với tháng trước và tăng 50,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 1, có 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 67,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước tính đạt 15,6 tỷ USD, tăng mạnh 71,6% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp ước tính đạt 9,7 tỷ USD, tăng 32,3%. Nhóm hàng nông, lâm sản đạt 1,8 tỷ USD, tăng 21,4%. Nhóm hàng thủy sản đạt 600 triệu USD, tăng 19,6%.

Về thị trường xuất khẩu hàng hóa, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 7,5 tỷ USD, tăng 57,4% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc đạt 5,8 tỷ USD, tăng 111,6%; thị trường EU đạt 2,8 tỷ USD, tăng 14,8%; thị trường ASEAN đạt 2,3 tỷ USD, tăng 31,9%; Nhật Bản đạt 1,9 tỷ USD, tăng 22,7%; Hàn Quốc đạt 1,7 tỷ USD, tăng 24,2%.

Về cơ cấu nhập khẩu hàng hóa, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 24,7 tỷ USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 93,7% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa. Nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 1,7 tỷ USD, tăng 41,5% và chiếm 6,3%.

Ước tính tháng 1/2021 xuất siêu 1,3 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 1,8 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 3,1 tỷ USD.

Giá gạo Việt Nam tăng thêm 5 USD/tấn, sắp 'vượt mặt' gạo Thái Lan

Theo Reuters, tuần này, giá gạo 5% tấm của Việt Nam tăng từ mức 500 - 505 USD/tấn trong tuần trước lên 505 - 510 USD/tấn do nguồn cung khan hiếm.

Theo một thương nhân có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh, dù vụ đông xuân đã bắt đầu nhưng nguồn cung vẫn ở mức thấp. Chỉ 5 - 6% mùa vụ đã được thu hoạch và thời kỳ cao điểm của vụ thu hoạch sẽ là cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3.

Các thương nhân khác cho biết, hoạt động thương mại đã chậm lại vì người mua chờ đợi vụ mùa vào thời kỳ thu hoạch cao điểm. Trong khi đó, Việt Nam tiếp tục mua gạo chất lượng thấp từ Ấn Độ để sản xuất bia và thức ăn chăn nuôi.

Mức tăng nhẹ trong tuần này thu hẹp khoảng cách giữa giá gạo Việt Nam và giá gạo Thái Lan.

Giá gạo Thái Lan dao động gần mức cao nhất trong 9 tháng, nhưng các thương nhân hy vọng giá sẽ giảm nhẹ khi có nhiều dấu hiệu cho thấy đồng Baht giảm giá so với USD.

Cụ thể, giá gạo 5% tấm của Thái Lan tăng nhẹ lên 520 - 530 USD/tấn, từ mức 520 - 526 USD/tấn của tuần trước.

Một thương nhân tại Bangkok cho hay, thị trường vẫn trầm lắng nhưng nhiều khả năng sẽ tăng lên bởi đồng Baht đã bắt đầu suy yếu.

Xuất khẩu cá ngừ đại dương "ấm" dần

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Ban quản lý cảng Hòn Rớ - Khánh Hòa cho biết, những ngày qua số tàu thuyền đánh bắt cá ngừ đại dương hoạt động mạnh trở lại do giá thu mua từ các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ đại dương tăng mạnh.

"Hiện giá cá ngừ mua tại cảng giao động từ 110.000 - 120.000 đồng/kg, giá này cao hơn 20.000 - 30.000 đồng/kg vào giai đoạn ảnh hưởng dịch Covid-19 trong năm 2020. Hiện các tàu câu cá ngừ đại dượng đã đánh bắt mạnh trở lại khi giá cá tăng cao", ông Hiếu cho biết.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ đại dương tại Khánh Hòa, từ giữa tháng 12/2020, thị trường xuất khẩu cá ngừ đã "ấm" dần. Giá cá ngừ đại dương thu mua tại cảng cũng tăng dần từ 5.000 - 10.000 đồng/kg, sau đó tăng đến gần 30.000 đồng/kg.

Đến đầu tháng 1/2021, nhu cầu xuất khẩu đi thị trường Mỹ, châu Âu và Trung Đông tăng 4-5 lần so với tháng trước khiến giá cá tăng mạnh. Nhiều doanh nghiệp thu mua cá ngừ đại dương tại Khánh Hòa phải di chuyển ra các tỉnh lân cận như Phú Yên, Bình Định để mua hàng do các tàu cá chưa đồng loạt ra khơi.

Bộ Công Thương can thiệp vụ cá da trơn "tắc đường" sang Campuchia

Theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Thương mại Campuchia Pan Sorasak đã liên hệ với Bộ trưởng Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Campuchia Veng Sakhon và chủ trì cuộc họp thảo luận ngày 29/1 để xem xét lại quyết định tạm dừng nhập khẩu 4 loại cá da trơn từ các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam.

Trước đó, ngày 8/1, Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Campuchia ra thông báo dừng nhập khẩu 4 loại thủy sản cá da trơn như: cá Tra, cá Bớp, cá Trê và cá Lóc từ các nước láng giềng chung biên giới với Campuchia (trong đó có Việt Nam) nhằm bảo vệ thị trường cho các hộ nuôi cá của Campuchia.

Ngay sau khi nhận được thông tin trên, Bộ Công Thương đã làm việc với các tỉnh biên giới Việt Nam giáp Campuchia và các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Campuchia để nắm tình hình vụ việc. Bước đầu, Bộ Công Thương xác định nhiều lô hàng cá da trơn xuất khẩu sang Campuchia qua cửa khẩu Khánh Bình (tỉnh An Giang) không được thông quan, phải quay trở lại Việt Nam.

Trong những năm gần đây, Việt Nam xuất khẩu khoảng 60 triệu USD/năm giá trị thủy sản sang Campuchia. Tuy Campuchia không phải là thị trường lớn đối với thủy sản của Việt Nam nhưng nhu cầu nhập khẩu của thị trường tương đối ổn định, đóng góp tốt cho việc phát triển thương mại ở khu vực biên giới, tạo công ăn việc làm và thu nhập nhất định cho người dân.

Ngay sau đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã gửi công thư tới Bộ trưởng Bộ Thương mại Campuchia Pan Sorasak về biện pháp hạn chế nhập khẩu cá của Campuchia. Trong thư, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh lệnh cấm nhập khẩu cá của Campuchia sẽ gây tác động tiêu cực tới doanh nghiệp của hai nước cũng như người tiêu dùng Campuchia.

Đặc biệt, lệnh cấm nhập khẩu nói trên đi ngược lại tinh thần tự do hóa thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Cộng đồng Kinh tế ASEAN mà cả Việt Nam và Campuchia là thành viên.

Xuất khẩu hơn 3,5 triệu tấn sắt thép sang Trung Quốc

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sắt thép của Việt Nam trong năm 2020 đạt 9,86 triệu tấn, trị giá gần 5,26 tỷ USD, giá trung bình 533,4 USD/tấn, tăng mạnh gần 48% về lượng, tăng 25% về kim ngạch nhưng giảm 15,5% về giá so với năm 2019.

Riêng tháng 12/2020 xuất khẩu 942.256 tấn sắt thép, tương đương 553,4 triệu USD, giá trung bình 587,3 USD/tấn, giảm nhẹ 4,3% về lượng nhưng tăng gần 2% về kim ngạch và tăng 6,5% về giá so với tháng 11/2020.

Cũng theo Tổng cục Hải quan, sắt thép của Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Trung Quốc, chiếm gần 36% trong tổng lượng và chiếm 28,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sắt thép của cả nước năm 2020, đạt 3,54 triệu tấn, tương đương 1,48 tỷ USD, giá trung bình 419 USD/tấn.

Campuchia đứng thứ 2 thị trường, chiếm gần 16% trong tổng lượng và tổng kim ngạch, đạt 1,56 triệu tấn, trị giá 839,69 triệu USD, giá trung bình 537 USD/tấn, giảm 8% về lượng, giảm gần 15% kim ngạch và giảm 7,5% về giá so với năm trước.

Tiếp sau đó là thị trường Thái Lan đạt 675.482 tấn, trị giá 390,51 triệu USD, giá trung bình 578 USD/tấn, chiếm 7% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu sắt thép của cả nước.

(tổng hợp)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/xuat-khau-ngay-301-12-gao-viet-sap-vuot-mat-thai-lan-bo-cong-thuong-can-thiep-vu-ca-da-tron-tac-duong-sang-campuchia-135473.html