Xuất khẩu nông lâm thủy sản: Hầu hết các mặt hàng chủ lực tăng trưởng cao
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), 5 tháng đầu năm 2024, hầu hết các mặt hàng nông lâm thủy sản chủ lực đều đạt con số xuất khẩu tăng cao hơn cùng kỳ năm 2023. Điển hình như gỗ và sản phẩm gỗ 6,14 tỷ USD (tăng 23,6%); Gạo 2,65 tỷ USD (tăng 38,2% với lượng 4,15 triệu tấn, tăng 14,7%)...
Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, trong tháng 5/2024, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 5,06 tỷ USD, tăng 11,2% so với tháng 5/2023.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, hầu hết các nhóm hàng đều tăng nên tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 24,14 tỷ USD (tăng thêm 4,2 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu 6,53 tỷ USD, tăng 64,5%.
Cụ thể, nông sản xuất khẩu 13,11 tỷ USD, tăng 27,7%; lâm sản 6,58 tỷ USD, tăng 22,7%; thủy sản 3,5 tỷ USD, tăng 3,6%; chăn nuôi 199 triệu USD, tăng 5,6%.
Về thị trường xuất khẩu, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản vào các thị trường đều tăng. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất. Giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Hoa Kỳ chiếm 20,6%, tăng 23,9%; Trung Quốc chiếm 19,2%, tăng 8,6% và Nhật Bản chiếm 6,7%, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, về giá trị xuất khẩu, hầu hết các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực đều cao hơn cùng kỳ năm 2023, cụ thể: gỗ và sản phẩm gỗ 6,14 tỷ USD (tăng 23,6%); Gạo 2,65 tỷ USD (tăng 38,2% với lượng 4,15 triệu tấn, tăng 14,7%); Điều 1,55 tỷ USD (tăng 19,3% với lượng 288 nghìn tấn, tăng 30,6%); Rau quả 2,59 tỷ USD (tăng 28,1%)...
Đối với thị trường lúa gạo trong nước, giá lúa, gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long tăng nhẹ so với tháng trước. Tại Tiền Giang, giá gạo nguyên liệu thành phẩm 25% tấm có giá trung bình 10.500 đồng/kg; loại 5% tấm có giá 11.200 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg so với tháng trước.
Đối với lĩnh vực thủy sản, tuy chưa đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ như với các mặt hàng nông sản và lâm sản, nhưng xuất khẩu thủy sản sản đã có dấu hiệu hồi phục trở lại. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm 2024 đạt 3,5 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2024. Nhìn chung, các thị trường vẫn đang bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tồn kho nên nhập khẩu vẫn có tính thận trọng.
Liên quan đến việc Ủy ban châu Âu (EC) dời lịch kiểm tra tình hình chống khai thác IUU tại Việt Nam sang tháng 9 – 10/2024 thay vì tháng 5/2024, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho hay, Nghị định số 37/2024/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2017/NQ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản và Nghị định số 38/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, tháng 5/2024 mới có hiệu lực. Vì thế, EC lùi thời gian sang kiểm tra, giám sát và thanh tra để xem xét quá trình triển khai 2 Nghị định này.
Theo Thứ trưởng, EC vẫn đưa ra khuyến nghị đối với Việt Nam về một số nội dung như quản lý đội tàu, giám sát đội tàu, truy xuất nguồn gốc và xử lý vi phạm hành chính. Đây là yêu cầu rất quyết liệt của EC để gỡ thẻ vàng.