Xuất khẩu sang Nhật Bản: Vì sao khó tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng?
Hệ thống phân phối của Nhật Bản khá phức tạp với nhiều tầng bậc. Nhiều siêu thị, nhà bán buôn không nhập khẩu trực tiếp mà mua hàng thông qua các nhà cung ứng. Điều này trả lời cho câu hỏi tại sao khó đưa hàng hóa trực tiếp đến người tiêu dùng.
Đó là thông tin được đưa ra tại Phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản do Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương tổ chức ngày 8/4.
Chất lượng là yếu tố tiên quyết
Nhật Bản hiện là đối tác xuất khẩu lớn thứ 4 và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam. Từ năm 2012 đến năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu 2 chiều tăng từ 24,7 tỷ USD lên 42,8 tỷ USD. Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản đa dạng các mặt hàng, trong đó có sản phẩm chế biến, chế tạo. Một số sản phẩm của Việt Nam đã thâm nhập thành công vào chuỗi phân phối tại Nhật Bản.
Riêng với nông thủy sản, ông Tạ Đức Minh - Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, thông tin: Một số mặt hàng đã chiếm thị phần tại Nhật Bản, trong đó chuối sấy khô chiếm 78,5%; vải, nhãn, chôm chôm 42,9%; sầu riêng 42,6%... Tuy nhiên hầu hết là sản phẩm đóng hộp, sấy khô, sản phẩm tươi do hạn chế về năng lực bảo quản, yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng cao, thị phần của hàng Việt còn nhỏ.
Hệ thống phân phối của Nhật Bản khá phức tạp với nhiều tầng bậc. Nhiều siêu thị, nhà bán buôn không nhập khẩu trực tiếp mà mua hàng thông qua các nhà cung ứng. “Điều này trả lời cho câu hỏi tại sao không đưa hàng hóa trực tiếp đến người tiêu dùng”, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản thông tin.
Gần đây, một số doanh nghiệp Nhật Bản như Tập đoàn AEON đã nhập khẩu trực tiếp hàng hóa từ Việt Nam. Để trở thành nhà cung ứng cho những đối tác này, ngoài đáp ứng các tiêu chuẩn chung về chất lượng sản phẩm còn phải đáp ứng tiêu chuẩn riêng của đối tác. Trong khi đó, yêu cầu về chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu của Nhật Bản rất cao, là thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp.
Ông Tạ Đức Minh cũng lưu ý: Muốn thâm nhập sâu hơn nữa thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp trong nước không thể xuất khẩu những sản phẩm sẵn có mà cần nghiên cứu sản xuất loại hàng hóa phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng Nhật Bản. Bao bì cũng cần bắt mắt, nhãn mác phải đầy đủ thông tin.
Chủ động xác minh thông tin đối tác
Dù kinh doanh tại Nhật Bản được nhận định có độ an toàn cao hơn so với các thị trường khác nhưng tại phiên tư vấn, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản vẫn nhấn mạnh việc xác minh thông tin đối tác là rất cần thiết.
Ông Tạ Đức Minh lý giải: Doanh nghiệp tại Nhật Bản không chỉ do người dân bản địa mà còn có người nước ngoài lấy pháp nhân Nhật Bản làm chủ. Về khía cạnh pháp lý, doanh nghiệp phải thực hiện theo quy định pháp luật của nước sở tại nhưng hành vi rất “muôn hình vạn trạng”.
Bên cạnh đó, xu hướng toàn cầu hóa, doanh nghiệp có thể hợp tác, cung cấp thông tin qua Internet mà không cần gặp gỡ trực tiếp, do vậy độ rủi ro cao. Qua phương thức này, đối tượng lừa đảo thường cung cấp thiếu thông tin hoặc thông tin không đúng. “Cảm thấy không an toàn, doanh nghiệp nên xác minh đối tác”, ông Tạ Đức Minh nhấn mạnh.
Từ kinh nghiệm thực tế, bà Quyền Thị Thúy Hà - Trưởng chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Osaka (Nhật Bản) cũng đồng tình: Tỷ lệ xảy ra phát sinh trong hợp tác với đối tác Nhật Bản không nhiều nhưng vẫn có thể xảy ra. Trường hợp doanh nghiệp trong nước chưa nắm rõ đối tác hoặc đơn hàng xuất khẩu lớn nên thông qua Thương vụ để xác minh thông tin, duy trì trao đổi để khi có sự cố được hỗ trợ kịp thời, giảm thiểu thiệt hại.
Bà Quyền Thị Thúy Hà cũng cho hay: Trong kết nối giao thương với đối tác Nhật Bản, ngôn ngữ là rào cản nhất định với doanh nghiệp Việt Nam, cần thiết phải khắc phục. Mặt khác, khi xây dựng hồ sơ giới thiệu sản phẩm, doanh nghiệp nên sử dụng cả tiếng Nhật Bản, tiếng Anh để đối tác thuận lợi nắm được thông tin. Doanh nghiệp cũng nên xây dựng website cung cấp thông tin về sản phẩm, quy mô doanh nghiệp, doanh thu, chứng chỉ tiêu chuẩn chất lượng, bởi đây là những yếu tố cơ bản nhất, đối tác Nhật Bản thường xuyên đề nghị cung cấp.
Ở góc độ nhà nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam, đại diện Công ty Senkyu chia sẻ: Doanh nghiệp hai bên rất dễ xảy ra tranh chấp nếu nhà cung ứng không kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa ngay từ đầu vào, nhất là với nông sản. Một yếu tố nữa, với các đơn hàng nhỏ, nhà cung ứng Việt Nam đáp ứng rất tốt nhưng khi có đơn hàng lớn, xuất hàng liên tục lại khó đảm bảo chất lượng nguồn hàng. Khi có vấn đề, chi phí thu hồi, xử lý hàng là rất lớn và dễ xảy ra tranh chấp.
“Khi xảy ra tranh chấp, sự việc đưa ra tòa án mất nhiều thời gian, khó giải quyết, chúng tôi mong muốn có nơi kết nối để hai bên giải quyết vướng mắc, giảm thiểu thiệt hại”, đại diện Công ty Senkyu bày tỏ.
Việt Nga