Xuất khẩu sang Trung Quốc: Thời cơ và thách thức mới

Bộ Công thương vừa ban hành Thông tư số 12/2019/TT-BCT quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc (ACFTA).

Nông sản là mặt hàng được kỳ vọng sẽ xuất khẩu mạnh hơn sang Trung Quốc

Nông sản là mặt hàng được kỳ vọng sẽ xuất khẩu mạnh hơn sang Trung Quốc

Cụ thể, hàng hóa được coi là có xuất xứ nếu được sản xuất chỉ từ nguyên liệu có xuất xứ. Ngoài tiêu chí “hàm lượng giá trị khu vực” (RVC), quy tắc chung áp dụng thêm tiêu chí xuất xứ chuyển đổi mã số hàng hóa ở cấp độ 4 số (CTH); quy định về De Minimis (tỷ lệ nguyên liệu không đáp ứng tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa); nguyên liệu giống nhau và có thể thay thế được cho nhau. Với quy định mới về quy tắc xuất xứ hàng hóa giao thương ASEAN - Trung Quốc, hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc được kỳ vọng sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn so với hiện nay.

Thực tế cho thấy, đã có nhiều thỏa thuận, cam kết giữa Việt Nam – Trung Quốc để tạo khuôn khổ và điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại, đầu tư giữa hai bên. Tuy nhiên việc tận dụng lợi ích từ các thỏa thuận này còn hạn chế. Theo số liệu từ Bộ Công thương và Tổng cục Hải quan, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan ACFTA (bằng tổng giá trị kim ngạch hàng hóa xuất khẩu được hưởng ưu đãi trên tổng giá trị hàng xuất đi) lên xuống rất thất thường và ở mức thấp, chỉ cao hơn tỷ lệ tận dụng của FTA với khu vực ASEAN.

Cụ thể, tỷ lệ này chỉ đạt mức 32,2% vào năm 2015 và giảm xuống 31% vào năm 2016; tức là chỉ có khoảng 1/3 kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc được hưởng mức thuế ưu đãi nhờ tận dụng được quy định xuất xứ.

Những năm gần đây, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan từ các Hiệp định ASEAN+ (Hiệp định giữa ASEAN với đối tác ngoài ASEAN) hầu như không tăng, một phần do các đối tác đã thực hiện xong việc cắt giảm, xóa bỏ thuế quan trong các hiệp định từ những năm trước. Các hiệp định mới của Việt Nam như Hiệp định giữa ASEAN - Ấn Độ, Việt Nam - Chile, Việt Nam – Hàn Quốc đều có tỷ lệ tăng trưởng tốt vì các đối tác đang tiếp tục thực hiện việc cắt giảm, xóa bỏ thuế quan theo cam kết của hiệp định.

Hiện nay trong số các FTA mà Việt Nam đã ký kết và thực thi thì Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) được coi là có quy định dễ thở nhất về quy tắc xuất xứ nhờ quy định về hàm lượng giá trị gia tăng, hay hàm lượng giá trị khu vực (RVC). Theo đó quy định này cho phép cộng gộp xuất xứ của các nước thành viên. Ví dụ, với RVC 40% trong ASEAN thì một sản phẩm có 20% giá trị của Việt Nam, 20% giá trị đến từ các quốc gia ASEAN khác như Philippines, Lào… sẽ được coi là đạt tiêu chí xuất xứ ASEAN và được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ Mẫu D.

Trong Hiệp định ACFTA thì PVC cũng tương tự như ATIGA, tức là chỉ cần giá trị nguyên liệu có xuất xứ từ các quốc gia ASEAN đạt không dưới 40% sẽ được chứng nhận xuất xứ ASEAN, cho thấy ACFTA quy định khá lỏng, kể cả sản phẩm chỉ trải qua công đoạn lắp ráp thô sơ. Với các quy định về xuất xứ như vậy, doanh nghiệp xuất khẩu cũng hoàn toàn có quyền tự chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa do chính họ sản xuất ra.

Bà Bùi Kim Thùy - thành viên Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN đánh giá, trong bối cảnh các chuỗi sản xuất đã toàn cầu hóa, Việt Nam đã ký 13 FTA, đồng thời quy tắc xuất xứ trong các FTA cũng rất linh hoạt, gần như cho phép nguyên liệu nhập khẩu từ bên ngoài, từ bất kỳ quốc gia nào chứ không chỉ riêng phạm vi FTA đó. Vì vậy, DN xuất khẩu cần coi đây là thế mạnh để tận dụng. “Có những mặt hàng mà DN có thể tận dụng nguồn linh kiện để làm sao sản xuất “nhanh nhiều tốt rẻ” và chứng nhận xuất xứ Made in Vietnam, miễn là đáp ứng tỷ lệ RVC tương ứng trong FTA đó”, bà Thùy nhấn mạnh.

Thương vụ Đại sứ Quán Việt Nam tại Trung Quốc cho biết, hiện xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc có nhiều thuận lợi như nhóm hàng nông, lâm, thủy sản được hưởng ưu đãi thuế quan nhập khẩu trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc với mức thuế cơ bản là 0% và Trung Quốc đang tăng cường, khuyến khích nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài, đặc biệt có nhu cầu lớn đối với các sản phẩm xuất khẩu mà Việt Nam có thế mạnh. Như vậy các quy định về quy tắc xuất xứ đang tạo thuận lợi tối đa cho DN xuất khẩu của Việt Nam.

Song cần lưu ý là vấn đề gây trở ngại lại không đến từ các quy định về quy tắc xuất xứ. Theo các chuyên gia, để tận dụng tốt lợi thế thương mại của Việt Nam với Trung Quốc, chúng ta phải giảm thương mại tiểu ngạch, đây cũng là nội dung đàm phán trọng tâm mà các cơ quan quản lý đang đặt ra trong các cuộc làm việc với phía Trung Quốc thời gian tới.

Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng cũng đã khuyến cáo doanh nghiệp nên tìm hiểu các quy định xuất nhập khẩu của chính phủ Trung Quốc đối với các hàng hóa có kế hoạch hợp tác, giao dịch, nhất là thực phẩm, nông sản... bởi đây là các mặt hàng thường được kiểm soát chặt chẽ, đồng thời phía Trung Quốc cũng đang siết chặt chính sách quản lý đối với các mặt hàng này.

Bên cạnh đó, để có thể cạnh tranh với hàng hóa từ Trung Quốc, cần phải tìm được lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm Việt. Trên thực tế, có nhiều vấn đề nằm ngoài hiệp định nhưng lại có ảnh hướng rất nhiều đến hiệu quả tiếp cận thị trưởng như thị hiếu thị trường, thông tin về cơ chế quản lý hàng hóa ở biên giới, cơ sở hạ tầng, hệ thống logistics… đây cũng là những yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến việc tận dụng lợi ích.

Lan Hương

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/xuat-khau-sang-trung-quoc-thoi-co-va-thach-thuc-moi-91270.html