Xuất khẩu thép Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ tăng đột biến trong quý 1/2023
Trong quý I/2023, lượng thép Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ nhập khẩu từ Việt Nam tăng đột biến so với cùng kỳ năm trước khi các nước này đẩy mạnh hoạt động xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng.
Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết sản xuất thép thành phẩm toàn quốc trong quý I/2023 đạt 6,692 triệu tấn, giảm 20,9% so với cùng kỳ năm 2022. Bán hàng thép thành phẩm đạt 6,068 triệu tấn, giảm 25,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Đối với hoạt động xuất khẩu thép, dữ liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong quý I/2023, Việt nam đã xuất khẩu 2,3 triệu tấn sắt thép các loại với tổng trị giá 1,72 tỷ USD, tăng 1,4% về lượng nhưng giảm 25% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái; và xuất khẩu sản phẩm từ sắt thép đạt 1,02 tỷ USD, giảm 12% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022.
Các thị trường xuất khẩu thép trọng điểm trong quý I/2023 là ASEAN (chiếm 33% tổng kim ngạch), Liên minh châu Âu (chiếm 19%), Ấn Độ (chiếm 15%) và Thổ Nhĩ Kỳ (chiếm 10%).
Đáng chú ý, Thổ Nhĩ Kỳ nổi lên là thị trường trọng điểm của các doanh nghiệp xuất khẩu thép Việt Nam trong bối cảnh nước này tăng cường nhập khẩu vật liệu xây dựng để tái thiết sau trận động đất lịch sử hồi đầu tháng 2/2023. Động đất cũng gây thiệt hại đáng kể, buộc nhiều nhà máy sản xuất thép tại nước này phải ngưng hoạt động trong nhiều tuần.
Xuất khẩu thép của Việt Nam sang thị trường này trong quý I/2023 đạt 104,3 nghìn tấn với tổng trị giá 57 triệu USD, tăng đột biến 386 lần về lượng và 84 lần về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022. Thổ Nhĩ Kỳ được xem là thị trường tiềm năng cho ngành thép Việt Nam trong thời gian tới khi nước này ước tính sẽ cần sử dụng khoảng 5 triệu tấn thép, bao gồm 3 triệu tấn thép thanh, 750.000 tấn thép cuộn và 1,25 triệu tấn thép tấm cho việc tái thiết.
Hoạt động xuất khẩu thép sang thị trường Ấn Độ cũng gia tăng mạnh trong quý I/2023 với kim ngạch đạt 156,6 triệu USD, tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2022. Dữ liệu của Ủy ban Hỗn hợp (JPC) của ngành công nghiệp thép Ấn Độ cho thấy Việt Nam nổi lên là nhà cung ứng thép lớn thứ 5 vào thị trường Ấn Độ trong năm tài chính 2022 vừa qua (tháng 4/2021 – tháng 3/2023). Ấn Độ cũng chuyển từ nước xuất khẩu sang nhập khẩu ròng thép, chủ yếu do giá thép nội địa nước này kém cạnh tranh hơn so với các sản phẩm nhập khẩu.
Sản phẩm thép Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ chủ yếu là thép cuộn/dải cán nóng, đây là những mặt hàng mới mà Ấn Độ chưa nhập khẩu từ Việt Nam trong năm tài chính 2021. Ngoài ra, phần lớn lượng tôn/tấm lợp mạ kẽm được Ấn Độ nhập khẩu thời gian qua là đến từ Việt Nam.
Dự báo nhu cầu sử dụng thép của Ấn Độ sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới khi nước này đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Từ đó, mở ra nhiều cơ hội mới đối với doanh nghiệp xuất khẩu thép Việt Nam.
Đối với hoạt động nhập khẩu, trong quý I/2023, Việt nam đã nhập khẩu 2,7 triệu tấn sắt thép các loại với tổng trị giá 2,27 tỷ USD, giảm 9,2% về lượng và giảm 28% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái; nhập khẩu sản phẩm từ sắt thép đạt 1,17 tỷ USD, tương đương với cùng kỳ năm trước; và nhập khẩu 1,23 triệu tấn phế liệu sắt thép với tổng trị giá 484,6 triệu USD, tăng mạnh 40% về lượng và 21% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022.
Hiệp hội Thép Việt Nam nhận định nhu cầu thép trên thị trường trong nước hiện vẫn ảm đạm và dự báo sản lượng tiêu thụ toàn ngành vẫn duy trì mức thấp trong quý 2/2023, có chăng tăng trưởng tiêu thụ sẽ nằm ở phân khúc xây dựng nhà ở, những công trình nhỏ.
Ông Đoàn Danh Tuấn – Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam kỳ vọng tiêu thụ thép trong quý III và quý IV/2023 sẽ tăng trưởng mạnh nhờ loạt yếu tố về giải ngân vốn đầu tư công và chính sách thúc đẩy nhà ở xã hội.