Xuất khẩu thủy sản - đích 10 tỷ USD trong tầm tay?

Với tốc độ tăng trưởng cao trong nửa đầu năm 2024, dự báo tình hình xuất khẩu thủy sản năm nay sẽ ổn định đúng chu kỳ thông thường, tăng tốc vào quý III và quý IV/2024.

Xuất khẩu sang thị trường châu Âu tăng trưởng đột biến

Theo số liệu từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (Vasep), tháng 6/2024, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ước đạt 875 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất từ đầu năm tới nay. Xuất khẩu hầu hết các mặt hàng thủy sản chủ lực đều có tăng trưởng cao trong tháng 6 như cá tra tăng 22%, cá ngừ tăng 40%, cua ghẹ tăng 59%, riêng mặt hàng tôm tăng nhẹ 7%...

Điểm nổi bật nhất trong tháng 6 là mức tăng trưởng đột biến 40% của thị trường châu Âu (EU). Hai thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn ghi nhận tăng trưởng cao trong tháng 6, lần lượt ghi nhận mức tăng trưởng là 14% và 18%.

Xuất khẩu thủy sản sẽ tăng tốc vào quý III và quý IV. Ảnh: TL

Xuất khẩu thủy sản sẽ tăng tốc vào quý III và quý IV. Ảnh: TL

Phân tích nguyên nhân xuất khẩu thủy sản sang EU tăng trưởng 40% trong tháng 6, các chuyên gia cho rằng, thị trường này đang có xu hướng ổn định dần dần. Giá cả thị trường và tiêu dùng đang ổn định, đồng thời lạm phát thủy sản tiếp tục giảm xuống mức 2,1% trong tháng 5. Dự báo nhu cầu và nhập khẩu thủy sản của EU sẽ càng tăng sau kỳ nghỉ hè ở EU.

Theo nhận định của Vasep, kinh tế Hoa Kỳ năm nay có những tín hiệu lạc quan. Lạm phát tại Hoa Kỳ đã giảm nhanh từ 9% xuống còn 3% trong năm nay, Hoa Kỳ sẽ sớm có động thái cắt giảm lãi suất trong năm nay để kích cầu tiêu dùng, do đó sẽ có cơ hội tốt cho tăng tiêu dùng thủy sản.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản đem về trên 4,4 tỷ USD, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm 2023.

Điều đáng mừng là xuất khẩu thủy sản đang ghi nhận nhiều tín hiệu vui khi bước sang đầu quý III/2024, nhiều đơn hàng xuất khẩu thủy sản được ký kết, và đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường khó tính…

Ông Trần Bé Sáu - Giám đốc Điều hành Nhà máy Chế biến thủy sản Việt Úc (Bạc Liêu) cho biết, Công ty đang đẩy mạnh xuất khẩu tôm nguyên con tươi vào thị trường Hàn Quốc và sẽ xuất hàng tươi sang Úc.

Sẽ tăng tốc vào 2 quý cuối năm

Theo Vasep, hiện tại xuất khẩu thủy sản vẫn chưa hết khó khăn. Sự phục hồi chậm và dè dặt của các thị trường, áp lực cạnh tranh về giá xuất khẩu và nguồn cung cùng với những khó khăn trong sản xuất chế biến trong nước như chi phí đầu vào tăng, nguyên liệu thiếu hụt… đang và sẽ tiếp tục tác động đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong năm 2024. Trong khi đó, việc giải phóng hàng tồn kho cũng gây thêm áp lực cạnh tranh về giá đối với hàng mới nhập.

Bên cạnh những khó khăn, Vasep cũng nhìn nhận xuất khẩu thủy sản từ nay đến cuối năm vẫn có nhiều tín hiệu tích cực. Đặc biệt cơ hội này thể hiện khá rõ ở ngành tôm. Trước hết, tôm Ecuador phải đối mặt với những thách thức đáng kể, bao gồm việc hải quan Trung Quốc tăng cường kiểm tra và từ chối dán nhãn sulfite, thuế chống trợ cấp mới ở Mỹ... Trong khi đó, tôm Ấn Độ đang đối mặt nguy cơ bị cấm nhập khẩu vào Mỹ sau khi một nhà máy sản xuất và xuất khẩu tôm lớn của nước này trở thành tâm điểm của một loạt cáo buộc liên quan đến các tài liệu giả mạo, cố tình vận chuyển tôm dương tính với kháng sinh sang Mỹ và ngược đãi công nhân...

Xuất khẩu thủy sản từ nay đến cuối năm vẫn có nhiều tín hiệu tích cực. Ảnh: TL

Xuất khẩu thủy sản từ nay đến cuối năm vẫn có nhiều tín hiệu tích cực. Ảnh: TL

Một lợi thế lớn khác của thủy sản Việt Nam là nhu cầu sử dụng sản phẩm giá trị gia tăng ngày càng cao. Tại các triển lãm thủy sản quốc tế ở Mỹ và EU năm nay, các sản phẩm giá trị gia tăng được khách hàng đặc biệt quan tâm. Việt Nam lại có lợi thế về trình độ chế biến thủy sản giá trị gia tăng, tay nghề của người lao động cao...

Ngoài ra, theo nhận định của các các doanh nghiệp thủy sản, cuối năm là thời điểm có nhiều sự kiện, lễ hội nên mức tiêu thụ mặt hàng này sẽ tăng mạnh. Việc đảm bảo chất lượng, sản lượng và khai thác tốt dư địa từ các thị trường sẽ giúp xuất khẩu thủy sản nước ta sớm đạt 10 tỷ USD trong năm nay.

Với những lợi thế đó, Vasep hy vọng năm nay tình hình xuất khẩu thủy sản sẽ ổn định đúng chu kỳ thông thường, tăng tốc vào quý III và quý IV. Dự báo kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng cuối năm sẽ cao hơn khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2023, đạt trên 5,5 tỷ USD, đưa kết quả xuất khẩu cả năm 2024 tới gần 10 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2023./.

Theo các chuyên gia, để đạt mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD trong năm nay, các doanh nghiệp thủy sản cần thích nghi và điều chỉnh kế hoạch hoạt động phù hợp với bối cảnh của thị trường. Cụ thể, các doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để tránh sự phụ thuộc vào một thị trường, đồng thời tăng cường xuất khẩu vào các thị trường mới, hướng đến mở rộng và đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đẩy mạnh công tác quảng bá hình ảnh sản phẩm đến người tiêu dùng, xây dựng hình ảnh và độ nhận diện cho thủy sản Việt Nam, đồng thời cập nhật thông tin từ các thị trường, đánh giá đúng diễn biến tình hình, qua đó có được phản ứng thích hợp và kịp thời nhất.

Diệu Hoa

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/xuat-khau-thuy-san-dich-10-ty-usd-trong-tam-tay-154620.html