Xuất nhập khẩu ngày 28-30/11: Cá tra lo 'tắc đường' sang Trung Quốc, xuất siêu đạt kỷ lục 20,1 tỷ USD

Cá tra lo 'tắc đường' sang Trung Quốc, xuất siêu lại đạt kỷ lục... là những tin chính trong bản tin xuất nhập khẩu ngày 28-30/11.

Bản tin xuất nhập khẩu: Tình hình xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc gặp khó khăn. (Nguồn: Vinanet)

Bản tin xuất nhập khẩu: Tình hình xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc gặp khó khăn. (Nguồn: Vinanet)

Cá tra Việt Nam lo "tắc đường" sang Trung Quốc

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tình hình xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc gặp khó khăn.

Theo phản ánh từ các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vào thị trường này cho biết từ ngày 10/11 đến nay, Cơ quan thẩm quyền tại cửa khẩu Trung Quốc bắt đầu áp dụng chế độ kiểm soát, xông trùng và truy xuất nguồn gốc 100% lô hàng đông lạnh tại hầu hết các cảng lớn và quan trọng như: Thượng Hải, Vũ Hán, Thiên Tân, Thanh Đảo...

Nguyên do cơ quan thẩm quyền Trung Quốc đã tăng cường kiểm soát gắt gao hơn hàng thủy sản đông lạnh từ các nước trong đó có Việt Nam là nhằm ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 có thể lây nhiễm từ hàng đông lạnh nhập khẩu.

Theo quy định mới này, các lô hàng thủy sản đông lạnh bao gồm cá tra phile sẽ phải lấy mẫu kiểm tra Covid-19 trên bao bì và sản phẩm ngay tại cảng. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, thời gian để kiểm soát từ khi lấy mẫu đến khi trả kết quả để thông quan vẫn chưa có hướng dẫn và thông tin rõ ràng, cụ thể khiến lượng hàng hóa bị ách tắc ngay tại cảng rất lớn.

VASEP cho biết, tình trạng này khiến các nhà nhập khẩu tại Trung Quốc buộc phải yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam tạm ngưng xuất khẩu nhằm giảm gây thiệt hại cho cả hai phía.

Xuất khẩu cá ngừ tăng trưởng ấn tượng

Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, bước vào quý IV/2020, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang một số thị trường chính đã chuyển biến tích cực. Nhờ đó, xuất khẩu cá ngừ trong tháng 10/2020 đã khởi sắc so với cùng kỳ năm 2019.

Cụ thể, theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong tháng 10/2020 đạt gần 65,5 triệu USD.

10 tháng năm 2020, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu cá ngừ lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam với giá trị đạt 235,5 triệu USD, chiếm hơn 43% tổng giá trị xuất khẩu . Giá trị xuất khẩu sang thị trường này vẫn tiếp tục phục hồi và ổn định trở lại sau 5 tháng sụt giảm liên tục do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA) tiếp tục tác động tích cực tới xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam. Các ưu đãi thuế quan mà hiệp định này mang lại đã tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam, nhờ đó, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong tháng 10 tiếp tục tăng trưởng tốt, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2019.

Tính tổng 10 tháng đầu 2020, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU đạt hơn 115 triệu USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong đó, xuất khẩu sang các thị trường chính trong khối EU là Italy, Đức và Tây Ban Nha đều tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2019 lần lượt là 60%, 20% và 41%. Dự báo, kiến xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU trong 2 tháng cuối năm sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt vì các nhà nhập khẩu đang muốn đi trước đón đầu chuẩn bị cho các lô hàng nhập khẩu vào đầu năm 2021 để được hưởng hạn ngạch ưu đãi thuế quan theo EVFTA.

11 tháng, xuất siêu đạt kỷ lục 20,1 tỷ USD

Cơ quan thống kê quốc gia vừa cho biết, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam 11 tháng năm nay đạt mức xuất siêu kỷ lục 20,1 tỷ USD; bất chấp bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế thế giới.

Cụ thể, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng ước tính đạt 489,1 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu đạt 254,6 tỷ USD, tăng 5,3%; nhập khẩu đạt 234,5 tỷ USD, tăng 1,5%.

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 11 tháng, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước tính đạt 138 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp ước tính đạt 90,2 tỷ USD, tăng 1,5%. Nhóm hàng nông, lâm sản đạt 18,7 tỷ USD, giảm 0,1%. Nhóm hàng thủy sản đạt 7,7 tỷ USD, giảm 0,9%.

Về thị trường xuất khẩu hàng hóa, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 11 tháng với kim ngạch đạt 69,9 tỷ USD, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 43,1 tỷ USD, tăng 16%. Thị trường EU đạt 32,2 tỷ USD, giảm 2,4%. Thị trường ASEAN đạt 20,9 tỷ USD, giảm 10,6%. Hàn Quốc đạt 17,7 tỷ USD, giảm 2,7%. Nhật Bản đạt 17,3 tỷ USD, giảm 6,5%.

"Mạnh tay" xuất, nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô

Theo thông tin Tổng cục Hải quan vừa công bố, nửa đầu tháng 11, cả nước chi gần 195 triệu USD nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô, qua đó nâng tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này kể từ đầu năm lên con số hơn 3,25 tỷ USD. Các thị trường nhập khẩu nhóm hàng này chủ yếu đến từ châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc…

Đáng chú ý, dữ liệu của Tổng cục Hải quan cũng ghi nhận, nửa đầu tháng 11, cả nước xuất khẩu mặt hàng phụ tùng ô tô đạt kim ngạch 258,6 triệu USD, qua đó nâng tổng kim ngạch từ đầu năm lên 4,77 tỷ USD.

Nhìn vào hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô như đề cập ở trên có thể được sự toàn cầu hóa mạnh mẽ của ngành sản xuất này.

Cũng trong nửa đầu tháng 11, cả nước nhập khẩu 6.227 ô tô nguyên chiếc các loại với tổng kim ngạch gần 135,5 triệu USD. Lũy kế từ đầu năm đến 15/11, cả nước nhập khẩu 86.299 ô tô nguyên chiếc các loại với tổng kim ngạch gần 1,9 tỷ USD.

(tổng hợp)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/xuat-nhap-khau-ngay-28-3011-ca-tra-lo-tac-duong-sang-trung-quoc-xuat-sieu-dat-ky-luc-201-ty-usd-130295.html