Xúc động đêm tôn vinh người hiến mô, tạng nối dài sự sống cho người bệnh

Theo GS.TS Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia: 'Hiện cả nước có hơn 30.000 người đăng ký hiến tạng sau khi chết não, nhiều ca hiến - ghép tạng đã thành công ngoài mong đợi, nhiều bệnh nhân đã hồi sinh kỳ diệu nhờ có nguồn tạng hiến để thay…'.

Lãnh đạo Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia tặng hoa cho đại diện các gia đình có người thân hiến tặng giác mạc, tạng. Ảnh: PV

Lãnh đạo Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia tặng hoa cho đại diện các gia đình có người thân hiến tặng giác mạc, tạng. Ảnh: PV

Điều kỳ diệu của y học

Đến tham dự buổi lễ tri ân người hiến tặng mô tạng với chủ đề: "Trao tặng yêu thương - Nối dài sự sống" do Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia (Bộ Y tế) tổ chức, Hà Ngọc Chi (10 tuổi, sống tại Lạng Sơn) đã khỏe và tươi tỉnh hơn rất nhiều so với những ngày xuất viện.

Gia đình bé Chi có 2 anh em, anh trai của bé cũng mắc bệnh tim co cơ giãn, không may đã qua đời. Vài tháng trước, khi phát hiện sức khỏe Chi không tốt, gia đình đã đưa bé đến Bệnh viện Tim Hà Nội để khám, rồi bé được chuyển sang Bệnh viện Việt Đức và được đưa vào danh sách chờ ghép.

Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, chỉ vay mượn được 700 triệu đồng nên Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia đã kêu gọi những tấm lòng hảo tâm hỗ trợ để có thể thực hiện ca ghép tim cho cháu. Đặc biệt hơn, hiến tim cho bé là một người đàn ông 37 tuổi, qua đời do tai nạn giao thông.

"Con mong ước sau này lớn lên sẽ khỏe mạnh để chăm sóc cha mẹ thay anh trai của mình. Con xin gửi lời cảm ơn đến các y bác sỹ đã hết lòng cứu chữa cho con, cảm ơn gia đình người hiến đã mở lòng tặng trái tim cho con, cảm ơn các đơn vị, cá nhân đã tài trợ ca ghép để con được sống và cảm ơn tất cả những người đã đồng hành, động viên cho con", bé Ngọc Chi xúc động chia sẻ.

Hà Ngọc Chi (10 tuổi) gửi lời cảm ơn gia đình người hiến đã mở lòng tặng trái tim cho bé.

Hà Ngọc Chi (10 tuổi) gửi lời cảm ơn gia đình người hiến đã mở lòng tặng trái tim cho bé.

Ngồi cạnh PV Báo Gia đình & Xã hội là chị Nguyễn Phương Oanh ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Dù mới sinh em bé được 20 ngày nhưng chị đã không ngại ngần đến tham dự chương trình bởi chị cảm thấy được an ủi khi biết nhiều người đã được cứu sống từ tạng của chồng mình.

Anh Nguyễn Văn Chính (30 tuổi, một thanh niên chăm chỉ làm việc nuôi gia đình với nghề bán gà) không may bị tai nạn giao thông hồi tháng tháng 3/2019. Sau khi sơ cứu ở cơ sở y tế địa phương, anh Chính được chuyển đến Bệnh viện Việt Đức. Một ngày điều trị nhưng tiên lượng bệnh nhân khó cứu, gia đình đã đưa anh Chính về nhà để anh có thể nhắm mắt ở nhà mình, bên người thân.

Về nhà, anh Chính thở tốt hơn, gia đình lại đưa anh đến Bệnh viện Việt Đức. Nhưng khi quay lại Bệnh viện Việt Đức thì anh Chính rơi vào tình trạng chết não. Lúc đó, vô tình chị Oanh gặp một cán bộ của Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia. Người này đã vận động gia đình anh Chính hiến tạng để cứu sống những người khác.

Ban đầu chị Oanh không biết hiến tạng là gì và được cán bộ y tế cho đọc bài báo viết về anh Dương Hồng Quý - người đã qua đời tháng 12/2018 sau khi hiến tạng cứu 7 người. Đọc bài báo xong, chị Oanh gạt nước mắt, quyết định hiến tặng tạng của chồng cho người bệnh đang chờ.

Chị Nguyễn Phương Oanh cảm thấy được an ủi khi biết nhiều người đã được cứu sống từ tạng của chồng mình.

Chị Nguyễn Phương Oanh cảm thấy được an ủi khi biết nhiều người đã được cứu sống từ tạng của chồng mình.

Ngay trong ngày hôm ấy, bệnh viện thành lập nhiều êkíp lấy và ghép tạng, trong đó riêng lấy và ghép gan cần 3 ê kíp. Lần đầu tiên, lá gan được chia sẻ để cứu 2 bệnh nhân, gồm một người lớn và một bé 9 tuổi đã hôn mê gan, teo đường mật bẩm sinh. Với việc ghép được gan sẻ chia như thế này cũng mở ra cơ hội cho các em bé mắc teo đường mật bẩm sinh và cần được ghép gan. Trước đây, các bé chỉ được ghép nếu có người hiến còn sống tặng gan. Kỹ thuật ghép gan cũng đặc biệt tốt với bệnh nhân xơ gan.

Nhưng kỹ thuật có kỳ diệu đến mấy cũng không thể không nhớ đến những người lặng lẽ ra đi, sau khi để lại một phần thân thể của mình cho những người ở lại. Và anh Nguyễn Văn Chính - một thanh niên bán gà, một người bình thường như tất cả chúng ta đã cứu sống 5 người sau khi qua đời.

10.000 người đăng ký hiến tặng mô tạng trong 10 tháng

Các tác giả có bài viết xuất sắc lên nhận giải.

Các tác giả có bài viết xuất sắc lên nhận giải.

Tại chương trình này, GS.TS Trịnh Hồng Sơn cho biết, trong 6 năm thành lập, Trung tâm đã vận động, thu hút hơn 30.000 lượt người đăng ký hiến tặng mô tạng. Chỉ tính từ đầu năm 2019 đến nay, số người hiến tạng đã đạt 10.000 người. Con số này thể hiện hành động nhân văn đã được xã hội công nhận và ngày càng lan tỏa mạnh mẽ hơn.

Cũng theo GS.TS Trịnh Hồng Sơn, ngành ghép tạng của Việt Nam thời gian qua ngày càng tiến bộ. Có được kết quả đó, một phần rất lớn có sự đóng góp công sức của công tác điều phối tạng và vận động tuyên truyền người hiến tặng mô tạng. "Các bạn hãy đóng góp một phần nhỏ thúc đẩy phong trào hiến tặng mô tạng để cho sự sống được nối dài thêm với những người mắc bệnh nặng", GS.TS Sơn nói.

Trong đêm giao lưu đặc biệt, tất cả những người tham gia đã dành thời gian tri ân những người đã hiến tặng mô tạng khi chết não và cả khi còn sống. Những câu chuyện, sự sẻ chia, lòng biết ơn được chia sẻ, để thấy được giá trị nhân văn cao cả của sự cho đi thiêng liêng hiến tặng mô tạng.

Cũng tại chương trình, Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia đã công bố giải thưởng tại cuộc thi "Trao tặng yêu thương – Nối dài sự sống" và trao tặng cho 11 tác giả đã có bài viết xuất sắc về đề tài hiến tặng mô tạng cũng như kêu gọi sự ủng hộ cho trẻ em nghèo được có cơ hội ghép tạng. Theo Ban tổ chức, sau hơn 3 tháng phát động đã nhận được hơn 100 bài viết từ khắp mọi miền tổ quốc. Ban tổ chức đã chấm hai vòng và quyết định lựa chọn 11 tác phẩm để trao 1 giải Nhất; 2 giải Nhì; 3 giải Ba và 5 giải khuyến khích.

Chia sẻ thêm về các tác phẩm đạt giải, BS Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia bày tỏ: "Mỗi bài viết tham dự cuộc thi là một câu chuyện rất đời sống đầy xúc động. Đó là câu chuyện của chính người trong cuộc, đã có lúc họ nghĩ mình không còn cơ hội được sống nữa trước gánh nặng bệnh tật, nhưng nhờ nguồn tạng hiến của người thân hay của người chết não mà họ được trở lại cuộc sống hạnh phúc.

Đó còn là câu chuyện của người cha, người mẹ đau xót nhìn con mình chưa đầy 10 tháng tuổi đối mặt với ung thư gan mà con đường sống duy nhất là ghép gan… nhưng rồi sự sống lại vỡ òa trong hạnh phúc khi đứa trẻ được ghép gan thành công từ chính một phần gan của người thân. Hay những câu chuyện từ những chuyến bay dân dụng đi khắp các miền Bắc Trung Nam chuyên chở nguồn tạng hiến đem sự sống hồi sinh cho biết bao sinh mạng người mắc bạo bệnh… Mỗi câu chuyện như thêm lan tỏa thông điệp cho đi là còn mãi".

Tác phẩm “Đôi mắt truyền nhân” của tác giả Trần Mai đến từ Quảng Ngãi đã đạt giải Nhất. Đặc biệt là bài viết “Hành trình giành giật sự sống của bệnh nhi nhỏ tuổi nhất được ghép gan tại Việt Nam” của tác giả Cao Văn Tuân (phóng viên Báo Gia đình & Xã hội) đạt giải Nhì. Phóng viên Cao Văn Tuân cũng là một trong những cá nhân tiêu biểu được Bộ trưởng Bộ Y tế tặng bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong công tác truyền thông vận động hiến mô, tạng năm 2019.

Nhóm Phóng Viên

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/xuc-dong-dem-ton-vinh-nguoi-hien-mo-tang-noi-dai-su-song-cho-nguoi-benh-20191122200913627.htm