Xúc tiến thương mại, đầu tư cho các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc
Một hội nghị xúc tiến thương mại lớn cho các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc sẽ được tổ chức vào cuối tuần này với mong muốn tìm kiếm cơ hội phát triển vùng phên dậu của Tổ quốc.
Ngày 12-4 tới, Bộ Công Thương và UBND tỉnh Lào Cai sẽ đồng chủ trì tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại và mở rộng xuất nhập khẩu vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Theo Cục Xúc tiến thương mại, hội nghị dự kiến sẽ thu hút sự tham gia của khoảng 300 đại biểu đến từ chính quyền các địa phương vùng trung du và miền núi phía Bắc, Bộ Công Thương, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các hiệp hội ngành hàng, đại diện các cơ quan, tổ chức hỗ trợ kinh doanh nước ngoài, các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ logistic…
Chương trình hội nghị sẽ bàn thảo về những vấn đề kinh tế trọng yếu của vùng. Đơn cử như việc hình thành chuỗi liên kết sản xuất hàng xuất khẩu; việc xây dựng khu kinh tế cửa khẩu, thúc đẩy giao thương biên giới qua các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn.
Bên cạnh đó, hội nghị cũng bàn về việc đưa Sơn La trở thành trung tâm canh tác và chế biến nông sản xuất khẩu của vùng Tây Bắc; phát huy vai trò điểm sáng trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, phát triển xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao của Thái Nguyên; đẩy mạnh xuất khẩu nông lâm sản chủ lực của tỉnh Yên Bái và các tỉnh lân cận.
Ngoài ra, hội nghị cũng trao đổi về kết quả hợp tác với Bộ Công Thương xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm vùng Trung du, miền núi phía Bắc trên nền tảng Tiktok; Alibaba.com...
Trong khuôn khổ hội nghị, Cục Xúc tiến thương mại sẽ tổ chức một số phiên tư vấn, kết nối giao thương cho các doanh nghiệp trong vùng với nhà nhập khẩu ở các thị trường nước ngoài.
Khu vực trung du và miền núi phía Bắc có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội. Đây là địa bàn giàu tiềm năng, lợi thế về kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp, khoáng sản, thủy điện, du lịch, kinh tế biên mậu… Tuy nhiên, các địa phương chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của vùng, tiềm năng chưa biến thành động năng, tiềm lực, nguồn lực.
Để phát triển kinh tế của vùng, các chương trình xúc tiến thương mại cần được quan tâm, đẩy mạnh tổ chức nhiều hơn nữa, với quy mô lớn, có tính liên kết vùng cao để mang lại những ích lợi, cơ hội và các nguồn thông tin đáng tin cậy cho các tổ chức, doanh nghiệp.
AN HIỀN