Xung đột Armenia-Azerbaijan: Nga 'xông xáo' ở Nagorno-Karabakh, Ngoại trưởng Lavrov liên tục điện đàm
Ngày 15/11, Trung tâm Chỉ huy Quốc phòng Nga thông báo, nước này đã bắt đầu thiết lập một trung tâm ứng phó nhân đạo liên ngành ở Stepanakert, thủ phủ của khu vực xung đột Nagorno-Karabakh.
Thông báo nêu rõ: “Việc thành lập trung tâm ứng phó nhân đạo liên ngành sẽ được hoàn tất vào ngày 20/11/2020. Kể từ thời điểm này, trung tâm sẽ bắt đầu thực hiện toàn bộ các nhiệm vụ ứng phó nhân đạo được giao”.
Trung tâm ứng phó nhân đạo liên ngành sẽ được tăng cường bằng lực lượng đặc nhiệm của Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga, cũng như các lực lượng, trang thiết bị của Cơ quan Biên phòng thuộc Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) và đại diện của các cơ quan hành pháp liên bang khác.
Bên cạnh đó, lực lượng gìn giữ hòa bình Nga đã bắt đầu hộ tống các xe buýt chở người tị nạn đi theo hành lang Lachin trở về Nagorno-Karabakh.
Liên quan tình hình ở Nagorno-Karabakh, cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã điện đàm với 2 người đồng cấp Azerbaijan Jeyhun Bayramov và Armenia Zohrab Mnatsakanayan để thảo luận về công tác triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga tới Nagorno-Karabakh.
Thông báo của Bộ Ngoại giao Nga cho biết: “Tiếp sau những cuộc tiếp xúc giữa Tổng thống (Nga) Vladimir Putin và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev, các bộ trưởng đã xem xét một cách chi tiết về công tác thực hiện tuyên bố chung ngày 9/11 giữa các nhà lãnh đạo Azerbaijan, Armenia và Nga về lệnh ngừng bắn và chấm dứt mọi hành động quân sự trong khu vực xung đột Nagorno-Karabakh”.
Ngoại trưởng Lavrov cũng thông báo cho hai người đồng cấp Azerbaijan và Armenia về các khía cạnh chính trong nỗ lực thiết lập trung tâm ứng phó nhân đạo liên ngành ở Nagorny-Karabakh.
Các Ngoại trưởng cũng khẳng định sự cần thiết phải có sự tham gia tích cực của các tổ chức quốc tế, gồm Cao ủy Liên hợp quốc (LHQ) về người tị nạn (UNHCR), Chương trình Phát triển LHQ (UNDP), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) và Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế “nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình khôi phục sau xung đột, giải quyết các nhiệm vụ nhân đạo và bảo tồn các di sản văn hóa và tôn giáo trong khu vực”.
(theo Anadolu, Sputnik)