Xung đột vì thiếu chỗ đỗ ôtô, bị bảo vệ khóa bánh ở khu đô thị
Việc thiếu nơi đỗ xe tại các khu chung cư dẫn tới xung đột gay gắt giữa cư dân và bảo vệ. Luật sư cho rằng chức năng của bảo vệ được quyết định tùy theo tính chất của con đường.
Trở về nhà sau ca làm việc tối, khá mệt mỏi nhưng Hải Sơn (sinh năm 1995) vẫn phải căng mắt lái xe lòng vòng quanh khu chung cư ở quận Nam Từ Liêm để tìm nơi đỗ xe. Tòa nhà anh sống có 34 tầng nhưng chỉ có một tầng hầm, trong khi nhà để xe nổi do chủ đầu tư xây dựng cách đó gần 800 m cũng đã hết “slot”. Bất lực, S. đỗ xe ngay dưới lòng đường nội khu, nơi có hàng chục phương tiện khác cũng nằm gọn từ trước.
“Mai xuống bảo vệ lại khóa bánh nhưng mình hết cách rồi, không lẽ lại đi ngủ nhờ”, Sơn nói rồi đi thẳng vào thang máy tòa nhà, không mảy may quan tâm đến chiếc xế hộp tiền tỷ không có người trông giữ.
“Chấp nhận sống xa trung tâm nhưng vẫn không có nơi đỗ xe”
22h45, toàn bộ trục đường nội khu quanh một khu đô thị lớn ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, chật kín ôtô. Nhiều chiếc đỗ lên vỉa hè, đè lên cả thảm cỏ cảnh quan. Hơn 20 tòa chung cư cao 34-39 tầng tại khu đô thị này đã đón cư dân về ở, tất cả chỉ có một tầng hầm.
Nhận căn hộ đã gần một năm, Sơn dùng từ “thảm họa” để nói về hành trình tìm nơi đỗ xe tại khu chung cư mình ở vào mỗi tối.
“Nhà mình đi đâu cũng tranh thủ về thật sớm vì sợ hết chỗ đỗ xe”, nam thanh niên nói và cho biết thời gian trước khi nhà để xe nổi thứ 2 vào hoạt động, anh từng phải đi ngủ nhờ nhà bạn vì khu chung cư mình ở hết chỗ đỗ phương tiện.
Với những người có “slot” đỗ xe ở nhà để xe nổi ở khu đô thị này, họ cho rằng tình trạng cũng “không khá hơn là bao”. Khu đỗ xe nổi thường cách tòa chung cư 500 m đến gần 1 km, sau khi gửi xe họ sẽ phải đi bộ về nhà và sau đó là hành trình ngược lại để đi lấy ôtô.
“Chấp nhận sống cách trung tâm gần 10 km nhưng mỗi sáng, mình mất 40 phút để đi bộ ra khu để xe để lấy ôtô, sau đó quay lại nhà để đón con đi học. Buổi chiều cũng là chừng ấy thời gian để đưa con về, sau đó gửi xe và trở lại căn hộ”, chị Hồng Minh nói và đặt câu hỏi liệu có nên lãng phí gần 1,5 giờ mỗi ngày chỉ dành cho việc gửi xe.
Bên cạnh những bất tiện trong sinh hoạt thường ngày, chị Hồng Minh còn cho biết mình “rất ngại” mỗi khi khách tới nhà cũng vì nỗi lo không có nơi gửi xe. “Nếu đỗ sai bị bảo vệ khóa bánh thì sau đó xử lý rất mất thời gian và thật sự ngại”, chị bày tỏ.
Đề ra giải pháp, chủ đầu tư khu đô thị này đã đưa vào hoạt động 2 nhà đỗ xe nổi cao 7-10 tầng và tiếp tục xây dựng một nhà để xe với quy mô tương tự. Tuy nhiên, hàng chục tòa nhà khác cao 35-39 tầng tiếp tục được xây dựng tại đây, đè nặng lên hạ tầng thiết yếu.
“Có lần mình đỗ xe ở vị trí được phép nhưng có người về muộn chặn ngay lối ra, hôm sau mình mất nguyên buổi làm sáng để chờ họ đánh xe đi nơi khác”, cư dân Thanh Hoa chia sẻ.
Thời gian qua, nhiều cư dân tại các khu đô thị mới ở Hà Nội chung "kêu khổ" khi họ bỏ tiền tỷ ra mua căn hộ cao cấp nhưng những trải nghiệm trong cuộc sống “không được như kỳ vọng” vì thiếu chỗ đỗ xe. Điển hình tại các khu chung cư Vinhomes Ocean Park, Smart City, Imperia Sky Garden, Goldmark City...
Tình trạng này kéo dài dẫn đến những xung đột giữa nhóm cư dân với nhau và giữa cư dân với bảo vệ. Mỗi khi bị khóa bánh, họ mất khá nhiều thời gian để liên hệ bảo vệ, viết giấy cam kết, photo giấy tờ xe và mới đây nhất là phải nộp phí theo quy định.
Đồng thời, trên nhiều nhóm cư dân tại các khu đô thị mới, không ít người bày tỏ bức xúc khi bị lực lượng bảo vệ khóa bánh xe. Một số người còn chỉ nhau cách sắm riêng một bộ cắt khóa để chống đối bảo vệ. Họ cùng đưa ra lý do “anh không có quyền khóa bánh xe tôi”.
Bảo vệ có được quyền khóa bánh xe đỗ trái phép?
Trước những mâu thuẫn giữa lực lượng bảo vệ và cư dân chung cư thời gian qua, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết có 2 nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trên. Thứ nhất là sự hiểu biết về vấn đề quản lý khu chung cư trong một bộ phận cư dân còn hạn chế. Ngoài ra, sự cứng nhắc và phong thái ứng xử thiếu chuẩn mực của một số bảo vệ cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên.
Để xác định rõ bảo vệ có quyền khóa bánh xe người đỗ không đúng nơi quy định hay không, ông Cường cho rằng cần xác định rõ đoạn đường đó là hạng mục sử dụng chung của khu chung cư hay là hạng mục phải bàn giao cho Nhà nước.
Trường hợp thứ nhất, khoản 2 Điều 100 Luật Nhà ở 2014 quy định: Đường nội bộ thuộc về phần sở hữu chung của nhà chung cư.
Trường hợp này, nếu đường nội bộ thuộc về phần sở hữu chung của nhà chung cư, ban quản lý tòa chung cư có quyền thay mặt các chủ sở hữu thực hiện việc quản lý theo quy chế quản lý nhà chung cư mà Bộ Xây dựng đã hướng dẫn trong Thông tư 02/2016.
“Họ hoàn toàn có quyền đặt ra các yêu cầu nội bộ, các vị trí cấm dừng/đỗ xe và hình thức chế tài với các phương tiện vi phạm. Bảo vệ được phép khóa bánh xe đỗ sai vị trí”, ông Cường nói.
Trường hợp thứ hai, nếu đoạn đường thuộc hệ thống hạ tầng kỹ thuật được sử dụng vào mục đích công cộng hoặc thuộc diện phải bàn giao cho Nhà nước thì không được coi là phần sở hữu chung của nhà chung cư.
Trường hợp này, lực lượng bảo vệ không được phép áp dụng biện pháp tại đây mà việc dừng, đỗ xe phải thực hiện theo quy định của Luật Giao thông đường bộ và chế tài xử lý thuộc điều chỉnh của Nghị định 100. Lực lượng thực thi xử phạt cũng phải là cơ quan quản lý Nhà nước.
“Nếu bảo vệ có hành động khóa bánh xe ở hạng mục này là trái pháp luật, xâm phạm quyền sở hữu đối với chủ phương tiện”, luật sư khẳng định.
Đồng thời, ông Cường cũng cho rằng việc xử lý của bảo vệ ở khu chung cư không phải mang quyền lực Nhà nước mà có tính chất tự quản, do đó phải tuân thủ quy định của pháp luật liên quan đến tổ chức tự quản, quy chế của khu chung cư hoặc khu đô thị.
Liên quan tới vấn đề này, đại diện Cục CSGT cũng cho biết đối với các tuyến đường trong khu chung cư, để được coi là một tuyến đường giao thông do Nhà nước quản lý thì phải có quyết định bằng văn bản của bộ trưởng GTVT nếu đấu nối với quốc lộ, cao tốc; chủ tịch UBND cấp tỉnh đối với đường địa phương.
Nếu chưa có văn bản quyết định đấu nối, đây là khu vực công cộng hoặc khu vực nội bộ của cá nhân, tổ chức.
Vị này nêu thực tế chủ đầu tư thường muốn giữ đường nội khu và hầm nội bộ mà không đấu nối để có những chính sách quản lý riêng. Bởi khi chính thức được coi là tuyến đường giao thông, họ phải đảm bảo tuân thủ các quy định về quản lý, duy tu bảo dưỡng, an ninh trật tự hoặc thay đổi kết cấu hiện trạng theo yêu cầu của pháp luật về giao thông đường bộ.