Yên Bái lan tỏa phong trào trồng cây, gây rừng

Hôm nay, mồng 6 tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các địa phương toàn tỉnh sẽ đồng loạt phát động 'Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ'. Đây là hoạt động mang nhiều ý nghĩa nhằm phát đi thông điệp về trồng cây, gây rừng của Bác Hồ và là dịp để tạo sức lan tỏa về phong trào cũng như vai trò, trách nhiệm của cán bộ, người dân trong việc bảo vệ, phát triển rừng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh tham gia “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”.

Đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh tham gia “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”.

>> Tết trồng cây - xây ước mơ xanh

"Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân". Từ lời kêu gọi năm xưa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đến nay, Tết trồng cây đã trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam khởi đầu cho công tác trồng cây, gây rừng hằng năm của các cấp, ngành, địa phương. Thực hiện lời dạy của Bác, phong trào trồng cây, trồng rừng đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh tích cực hưởng ứng.

Năm 2023, trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, biến động phức tạp của thị trường thế giới tác động đến sản xuất nông lâm nghiệp và thị trường lâm sản, song với sự chỉ đạo kịp thời của các cấp, ngành sự nỗ lực của nông dân, các thành phần kinh tế, phong trào thực hiện Tết trồng cây, trồng rừng vẫn phát triển mạnh mẽ.

Trong năm, toàn tỉnh trồng mới được trên 16.065,4 ha rừng, đạt 103,6% kế hoạch giao; tỷ lệ che phủ rừng giữ ổn định 63%, đứng thứ 6 toàn quốc. Bên cạnh những giá trị to lớn về môi trường, kinh tế lâm nghiệp bước đầu phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung có hiệu quả kinh tế cao như: vùng quế; vùng tre măng Bát độ; vùng trồng cây sơn tra. Sản lượng gỗ khai thác mỗi năm đạt gần 1 triệu mét khối, đưa Yên Bái trở thành tỉnh trọng điểm về phát triển rừng trồng sản xuất và cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến lâm sản của vùng và cả nước.

Để nâng cao giá trị cho sản phẩm gỗ rừng trồng, tỉnh đã khuyến khích người dân, các thành phần kinh tế tham gia trồng, kinh doanh rừng gỗ lớn; quản lý rừng bền vững và cấp Chứng chỉ rừng FSC, chứng nhận hữu cơ.

Đến nay, toàn tỉnh đã cấp Chứng chỉ rừng, chứng nhận quế hữu cơ cho 23.096,2 ha rừng; trong đó, diện tích quế hữu cơ đạt 10.044,6 ha, diện tích rừng trồng được cấp Chứng chỉ rừng 13.051,6 ha; qua đó, góp phần gia tăng giá trị thu nhập của người trồng rừng. Bên cạnh đó, dịch vụ môi trường rừng thực sự trở thành nguồn tài chính quan trọng, bền vững của ngành lâm nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng, tăng thu nhập cho người dân làm nghề rừng, chủ rừng; tạo nguồn tài chính bền vững, giảm áp lực chi ngân sách Nhà nước.

Năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu trồng mới trên 15.000 ha rừng; duy trì độ che phủ rừng đạt 63%. Để hoàn thành mục tiêu này và tạo sự lan tỏa sâu rộng đến các cấp, ngành và đồng bào các dân tộc trong tỉnh, tỉnh đã tổ chức phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” gắn với triển khai thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng và trồng cây, trồng rừng.

Ông Kiều Tư Giang - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: "Tết trồng cây xuân Giáp Thìn sẽ diễn ra đồng loạt trong toàn tỉnh vào ngày 15/2/2024 (tức mồng 6 tháng Giêng Giáp Thìn); trong đó, lễ phát động trồng cây lâm nghiệp của tỉnh được tổ chức tại thôn Tân Việt, xã Quy Mông, huyện Trấn Yên. Ngay sau lễ phát động, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và nhân dân các xã: Quy Mông, Y Can, Kiên Thành sẽ tham gia trồng 2,5 ha tre măng Bát độ. Việc phát động lễ trồng cây không nằm ngoài mục đích phát đi thông điệp về trồng cây gây rừng của Bác Hồ và là dịp để tạo sức lan tỏa về phong trào cũng như vai trò trách nhiệm của cán bộ, người dân trong việc bảo vệ, phát triển rừng”.

Cùng thời gian này, các huyện, thị xã, thành phố cũng đồng loạt phát động Tết trồng cây "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Ông Nguyễn Tiến Dĩnh - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Yên Bình cho biết: năm nay, huyện Yên Bình có kế hoạch trồng mới 3.100 ha rừng. Để hoàn thành mục tiêu này, huyện đã xây dựng kế hoạch trồng rừng tới từng địa phương; tăng cường cán bộ kỹ thuật xuống địa bàn chỉ đạo các địa phương tập trung hoàn thành công tác thiết kế, chuẩn bị tốt cây giống để phục vụ nhu cầu trồng rừng của nhân dân.

Cùng đó, huyện phát động Tết trồng cây tại Trung tâm Văn hóa huyện và sau lễ phát động, các đại biểu sẽ trồng cây phân tán (300 cây bàng Đài Loan) tại 3 địa điểm gồm: tuyến đường nối 2 nhà máy xi măng, thị trấn Yên Bình; trồng bổ sung dọc các tuyến đường nội thị thị trấn Yên Bình và tỉnh lộ 170 thuộc tổ dân phố 2, thị trấn Thác Bà. Các xã còn lại, trồng cây phân tán ven các tuyến đường khu trung tâm xã.

Với khí thế sôi động tham gia trồng cây, gây rừng của các địa phương là tiền đề để Yên Bái hiện thực hóa và hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2024 về bảo vệ và phát triển rừng, trồng cây phân tán, phát triển lâm sản ngoài gỗ… theo Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững; kế hoạch thực hiện Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 của Thủ tướng Chính phủ và các chương trình, đề án trọng điểm khác của lĩnh vực lâm nghiệp.

Văn Thông

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/318387/yen-bai-lan-toa-ph111ng-trao-trong-cay-gay-rung.aspx