Yên Bái quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh thuốc tân dược

Thuốc tân dược là loại hàng hóa đặc biệt, có vai trò quan trọng trong bảo vệ sức khỏe nhân dân. Kiểm soát tốt hoạt động mua, bán thuốc, nhất là việc quản lý bán thuốc phải kê đơn là vấn đề quan tâm của người dân. Ngành y tế Yên Bái đang nỗ lực thực hiện các giải pháp để đưa việc này đi vào khuôn khổ.

Cán bộ Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc - Mỹ phẩm - Thực phẩm thực hiện kiểm nghiệm mẫu.

Cán bộ Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc - Mỹ phẩm - Thực phẩm thực hiện kiểm nghiệm mẫu.

Hiện nay, mạng lưới nhà thuốc phát triển rộng khắp từ thành thị đến nông thôn. Toàn tỉnh có 137 nhà thuốc (123 nhà thuốc tư nhân, 14 nhà thuốc bệnh viện) và 339 quầy thuốc. Quan sát thực tế, các quầy thuốc, nhà thuốc đều được quan tâm đầu tư nâng cấp cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị nhà thuốc, quầy thuốc theo quy định, đáp ứng nhu cầu thuốc phòng, chữa bệnh, nhất là bảo đảm đủ thuốc thiết yếu theo danh mục thuốc của Bộ Y tế, góp phần nâng cao chất lượng công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Ông Vũ Trọng Thưởng - Phó Giám đốc Sở Y tế đưa ra các giải pháp: "Để các nhà thuốc, quầy thuốc duy trì tốt nguyên tắc "Thực hành tốt bán lẻ thuốc (GPP)” trong quá trình hoạt động, tuân thủ các quy chế chuyên môn nhằm bảo đảm việc cung ứng thuốc đạt chất lượng, an toàn và hiệu quả cho người dân, Sở Y tế đã chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực dược.

Hàng năm, Sở xây dựng kế hoạch và kết hợp với các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tập huấn, hướng dẫn và quán triệt các cơ sở thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về hành nghề dược. Cùng với đó, tổ chức triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối liên thông đối với các cơ sở cung ứng thuốc, đặc biệt là tuyên truyền những điểm mới của Nghị định số 117 ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Đặc biệt, người dân cũng cần nâng cao ý thức trong việc mua, sử dụng thuốc, uống thuốc theo kê đơn của bác sĩ để bảo vệ sức khỏe của chính mình cũng như thực hiện đúng quy định về mua, sử dụng thuốc”.

Với kết quả đạt được, một trong những giải pháp quan trọng được quan tâm là đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra các quầy thuốc, nhà thuốc. Qua đó kịp thời xử lý, nhắc nhở, chấn chỉnh việc chấp hành các quy định trong hoạt động kinh doanh dược. Sở Y tế đã thành lập 3 đoàn kiểm tra (2 đoàn theo kế hoạch, 1 đoàn đột xuất) và 1 đoàn thẩm định, đánh giá việc duy trì "Thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc” (GPP) tại các cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn tỉnh.

Năm 2023 và 8 tháng năm 2024, ngành đã kiểm tra tại 72 cơ sở (3 tổ chức và 69 cá nhân); phát hiện và xử lý vi phạm đối với 13 cơ sở với số tiền gần 60 triệu đồng về các hành vi: hoạt động mua bán thuốc khi không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược; niêm yết không đầy đủ giá bán lẻ thuốc tại nơi bán thuốc của cơ sở; không ghi rõ tên thuốc, hàm lượng, hạn dùng cho người sử dụng trong trường hợp bán lẻ thuốc không đựng trong bao bì ngoài của thuốc; lưu trữ thuốc không thuộc phạm vi kinh doanh được ghi trong giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; không mở sổ hoặc sử dụng máy tính để theo dõi hoạt động kinh doanh thuốc; để lẫn các sản phẩm không phải là thuốc cùng với thuốc; kinh doanh mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Trong quá trình thẩm định đánh giá duy trì tại 201 cơ sở đã phát hiện 4 cơ sở vi phạm, đoàn thẩm định đã lập biên bản chuyển Thanh tra Sở xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi: cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết luận cơ sở chưa đáp ứng thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc; không mở sổ hoặc không sử dụng máy tính để quản lý nhập, xuất, tồn trữ, theo dõi số lô, hạn dùng, nguồn gốc của thuốc theo quy định của pháp luật; không có biển hiệu tại khu vực riêng ghi rõ "sản phẩm này không phải là thuốc” đối với trường hợp có kinh doanh.

Đình chỉ hoạt động có thời hạn 6 tháng đối với 3 cơ sở kinh doanh dược vì chưa đáp ứng thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc. Cùng với công tác kiểm tra, giám sát, hàng năm, Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc - Mỹ phẩm - Thực phẩm đều thanh tra, kiểm tra hầu hết các cơ sở kinh doanh thuốc tân dược.

Bà Trần Lệ Hoa - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc - Mỹ phẩm - Thực phẩm cho biết: "Qua thanh tra, kiểm tra, nếu phát hiện cơ sở có thuốc quá hạn hoặc thuốc bảo quản không bảo đảm điều kiện dẫn đến thuốc bị hỏng thì phải đề nghị cơ sở hủy luôn. Mỗi năm, qua các đợt thanh tra, kiểm tra, Trung tâm lấy hàng trăm mẫu thuốc tân dược thực hiện kiểm nghiệm chất lượng. Qua kiểm nghiệm cho thấy, các mẫu thuốc tân dược hầu hết chất lượng bảo đảm yêu cầu. Các mẫu không đạt chủ yếu là thực phẩm chức năng và dược liệu. Nhờ việc kiểm tra thường xuyên mà các nhà thuốc đều có ý thức hơn trong việc chấp hành các quy định”.

Giải pháp hiệu quả nữa là tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực dược, thực hiện thanh tra, kiểm tra thường xuyên, công tác tuyên truyền trong cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức và bảo đảm an toàn cho người dân về việc mua, sử dụng thuốc kê đơn theo quy định cũng sẽ được tăng cường.

Cùng với đó, tiếp tục hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ và giao đơn vị chuyên môn các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên kiểm tra, giám sát các cơ sở bán lẻ thuốc thuộc thẩm quyền quản lý nhằm kịp thời chấn chỉnh các vi phạm, đôn đốc các cơ sở nộp hồ sơ đánh giá duy trì nguyên tắc "Thực hành tốt bán lẻ thuốc” (GPP) theo đúng thời hạn. Ngoài ra, cần hơn nữa siết chặt quản lý giá thuốc, quản lý thông tin, quảng cáo thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc (DI &ADR)…

Thuốc là một loại hàng hóa đặc biệt, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh nếu sử dụng không đúng chỉ dẫn của thầy thuốc. Do đó, cùng với việc nâng cao hiệu quả quản lý của ngành chức năng, cần sự tham gia tích cực của người dân và người bán thuốc.

Trần Minh

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/265/329208/yen-bai-quan-ly-chat-che-hoat-dong-kinh-doanh-thuoc-tan-duoc.aspx