Yêu cầu bộ, ngành tháo gỡ khó khăn cho hợp tác xã
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá, trong những năm gần đây, đặc biệt là trong giai đoạn khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra, nông nghiệp vẫn là trụ đỡ của nền kinh tế đất nước, vừa bảo đảm an ninh lương thực, vừa xuất khẩu nông sản. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu phải đề xuất các giải pháp để 'gia cố' cho trụ đỡ của nền kinh tế đất nước ngày càng mạnh và bền vững.
Phải có chính sách bảo hiểm cho người nông dân khi sản xuất nông nghiệp
Ngày 12/10, tại Hà Nội, Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VIII với chủ đề “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp”. Tham dự và chủ trì diễn đàn có Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn; Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị cùng gần 600 đại biểu.
Phát biểu khai mạc, ông Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh, sau hơn 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13, kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) đang trở thành một trong những thành phần kinh tế quan trọng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế đất nước.
Đến nay, thông qua hoạt động của các cấp, Hội Nông dân đã thu hút gần 570.000 lượt hộ nông dân gia các dự án nhóm hộ xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh, thành lập trên 23.000 mô hình kinh tế tập thể hoạt động có hiệu quả. Trong đó, có trên 3.800 HTX và trên 19.000 tổ hợp tác với doanh thu bình quân mỗi HTX đạt 4,7 tỉ đồng, lợi nhuận 350 triệu đồng/năm. Số HTX có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên ngày càng tăng với trên 700 HTX (chiếm gần 20%).
Với quan điểm cần thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho biết, qua chia sẻ, qua tìm hiểu thực tế cho thấy, chính vì làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu nhiều thứ nên khi đưa Nghị quyết về kinh tế tập thể vào triển khai đều bị khó khăn. Ông Đoàn nhấn mạnh cần quan tâm tới 3 vấn đề cốt lõi nhất trong phát triển kinh tế tập thể trong giai đoạn mới: “Một là dứt khoát phải xây dựng khẩn trương vùng nguyên liệu; hai là phải có chính sách bảo hiểm cho người nông dân khi sản xuất nông nghiệp; thứ ba là chú trọng đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ quản trị HTX.”
Theo Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, muốn có doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết thì phải có đủ nguyên liệu cho nhà máy, do đó phải có vùng nguyên liệu rộng lớn, bài bản thì mới hình thành được các tổ chức sản xuất có quy mô, chuyên nghiệp, từ đó kết nối với doanh nghiệp từ đầu vào đến đầu ra, đầu tư chế biến, tiêu thụ. Bên cạnh đó, giải quyết vấn đề về bảo hiểm sẽ giúp bà con yên tâm tham gia sản xuất, khai thác tốt lợi thế, tiềm năng của sản phẩm.
Thảo luận các vấn đề cụ thể tại diễn đàn, đại diện các HTX tiêu biểu, các nông dân xuất sắc, đại diện lãnh đạo Hội Nông dân các tỉnh, TP; đại diện các bộ, ngành, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp đã đóng góp nhiều ý kiến. Một trong những động lực quan trọng hỗ trợ HTX phát triển đó là chính sách về vốn, đề xuất về tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho HTX.
Ông Trần Khánh, Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp, Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á thông tin, từ thực tiễn triển khai, việc tiếp cận vốn của HTX, Liên hiệp HTX và các thành viên còn hạn chế so với quy mô. Do đó, đại diện Bắc Á Bank đề xuất, bản thân các HTX và các cơ quan quản lý HTX cần hỗ trợ và tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo cho cán bộ quản lý, thành viên làm công tác chuyên môn, kỹ thuật, tập trung vào các chuyên đề: Kỹ năng quản lý, điều hành HTX; nâng cao năng lực lãnh đạo của HTX; tập huấn hiểu về cách thức và quy trình vay vốn ngân hàng…
Ông Lê Hồng Phúc, Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết, trong 1.200 HTX vay tín dụng qua hệ thống của Agribank thì đã có 653 HTX, chiếm 1/3 dư nợ trong toàn hệ thống Ngân hàng. Agribank hiện đang rất nỗ lực để đẩy mạnh tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Hiện, gần 70% vốn của Agribank nằm trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và đây là thị trường nòng cốt..
Bà Ngô Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam giải đáp thêm về tín dụng với HTX, trong đó, khẳng định, về tiếp cận tín dụng, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, ngân hàng sẽ tiếp tục có nhiều giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp. “Từ giờ cuối năm đồng bộ các giải pháp để tăng khả năng hấp thụ tín dụng của nền kinh tế trong đó có HTX, có giải pháp tháo gỡ khó khăn vào cuộc đồng bộ của các HTX, khắc phục hạn chế như quy mô, cạnh tranh, quản trị, từ đó tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tăng cho vay”, bà Giang nói.
"Gia cố" cho trụ đỡ của nền kinh tế
Tại diễn đàn, cũng nhấn mạnh về việc mở rộng thị trường trong phát triển kinh tế tập thể, HTX, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị cho rằng tư duy sản xuất nông nghiệp của nhiều nông dân vẫn chỉ sản xuất dựa trên cái mình có chứ không hoặc ít theo tín hiệu của thị trường. Chính vì vậy cần chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.
“Chúng ta cần sản xuất ra những sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường và đạt được lợi nhuận cao nhất có thể đồng thời, tạo ra những sản phẩm "xanh" gắn với chế biến, đáp ứng nhu cầu của thị trường theo hướng "tiêu dùng xanh"; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang chuỗi giá trị ngành hàng”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nói.
Chỉ đạo tại diễn đàn, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, những năm qua, khu vực kinh tế tập thể đã phát triển cả về số lượng và chất lượng. Trong đó, Hội Nông dân và hội viên hội nông dân đóng vai trò quan trọng. “Nhiều HTX, tổ hợp tác sau khi được các Hội nông dân hỗ trợ thành lập đã làm ăn có lãi, tạo thêm nhiều công ăn việc làm và sản phẩm nông sản chất lượng, an toàn, xây dựng được các thương hiệu sản phẩm OCOP”, Phó Thủ tướng nhận xét.
Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phó Thủ tướng cũng cho rằng hoạt động của các HTX nông nghiệp hiện nay còn gặp không ít khó khăn. Đơn cử như các khó khăn về vốn, đất đai, tiêu thụ nông sản, năng lực quản trị, cơ chế, chính sách… Từ thực tế đó, để HTX phát triển hiệu quả, bền vững hơn, Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan khẩn trương trình Chính phủ kiện toàn Ban Chỉ đạo quốc gia về kinh tế tập thể theo chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Nghị quyết số 20-NQ/TW.
Đối với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Phó Thủ tướng giao chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp". Phó Thủ tướng yêu cầu đề án này phải đảm bảo tính khả thi, huy động được nguồn lực của xã hội, hộ gia đình, cá nhân cùng tham gia; phát huy và nâng cao hơn nữa vai trò của Hội Nông dân các cấp trong việc tham gia phát triển kinh tế tập thể, khuyến khích những cách làm mới, hình thành các chuỗi liên kết bền vững.
Phó Thủ tướng đánh giá, trong những năm gần đây, đặc biệt là trong giai đoạn khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra, nông nghiệp vẫn là trụ đỡ của nền kinh tế đất nước, vừa bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu nông sản. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu trong đề án phải đề xuất các giải pháp để "gia cố" cho trụ đỡ của nền kinh tế đất nước ngày càng mạnh và bền vững.
Đối với các bộ, ngành, địa phương khác, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu theo chức năng, nhiệm vụ được giao cần tập trung nghiên cứu, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà đại diện các HTX đã nêu lên tại diễn đàn, nhất là không đùn đẩy trách nhiệm với những vấn đề thuộc về cơ chế, chính sách về HTX.
Một yếu tố hết sức quan trọng nữa là vai trò của các HTX, Phó Thủ tướng yêu cầu các HTX phải chủ động, sáng tạo, đổi mới cách nghĩ, cách làm, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tích hợp đa giá trị.