Yếu tố tích cực phía sau sự sụt giảm của FDI quý I/2022
Nếu phân tích chi tiết thì mức giảm 12% của tổng vốn đăng ký FDI không làm mất đi yếu tố tích cực trong xu hướng thu hút đầu tư của Việt Nam quý I năm nay.
Tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong quý I năm 2022 đạt 8,9 tỷ USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước, theo Bộ Kế hoạch và đầu tư tính đến ngày 20/3/2022.
Trong đó, 322 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT), tăng 37,6% so với năm trước. Tổng vốn đăng ký dự án mới đạt trên 3,21 tỷ USD, giảm 55,5%.
Đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư có 228 lượt dự án, tăng 41,6% so với năm trước. Trong đó, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 4,06 tỷ USD, tăng 93,3%.
Góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 734 lượt, bằng cùng kỳ năm trước. Tổng giá trị vốn góp đạt trên 1,63 tỷ USD, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước.
Lý giải nguyên nhân của sự sụt giảm tổng vốn FDI đổ vào Việt Nam trong quý I, bà Phí Thị Phương Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê, công nghiệp và xây dựng cho biết, nếu phân tích chi tiết thì mức giảm trên vẫn thể hiện được yếu tố tích cực trong xu hướng thu hút đầu tư.
Thứ nhất, mức tăng về số dự án cấp mới, lượt điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần trong quý I/2022 chứng tỏ các nhà đầu tư nước ngoài đã coi Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn, thể hiện niềm tin về môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam, khi Việt Nam kiểm soát tốt dịch Covid-19, nền kinh tế đang phục hồi và tăng trưởng trở lại trong trạng thái bình thường mới.
Thứ hai, vốn đăng ký FDI giảm 12,3% là do vốn đăng ký cấp mới giảm sâu 55,5%. Việc giảm 55,5% này được so sánh trên nền tăng cao vì yếu tố đột biến của cùng kỳ năm ngoái với 2 dự án tỷ đô đăng ký mới với tổng số vốn đăng ký đạt 4,41 tỷ USD gồm dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore) và dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản).
"Vì vậy, nếu loại trừ yếu tố đột biến trong quý I/2021 thì vốn đăng ký cấp mới quý 1/2022 vẫn tăng 14,2% so cùng kỳ, và tính chung vốn đăng ký FDI quý 1/2022 tăng 55,7% so cùng kỳ", bà Phương Nga cho hay.
Theo lĩnh vực đầu tư, trong quý đầu năm nay, các nhà đầu tư ngoại đã đầu tư vào 18/21 ngành lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu. Kinh doanh bất động sản đứng thứ hai. Tiếp theo lần lượt là hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ, sản xuất phân phối điện.
Nếu xét về số lượng dự án mới thì bán buôn bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo và hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ là các ngành thu hút được nhiều dự án nhất, chiếm lần lượt 27,6%, 26,1% và 15,8% tổng số dự án.
Theo đối tác đầu tư, 65 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư tại Việt Nam, với Singapore dẫn đầu. Theo sau lần lượt là Hàn Quốc, Đan Mạch.
Về số lượng dự án, Hàn Quốc vẫn là đối tác có nhiều nhà đầu tư quan tâm và đưa ra các quyết định đầu tư mới cũng như mở rộng dự án đầu tư và góp vốn mua cổ phần nhất trong quý I năm 2022 (chiếm 18,1% số dự án mới, 34,6% số lượt điều chỉnh và 37,7% số lượt góp vốn, mua cổ phần).
Theo địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã rót vốn vào 44 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó tỉnh Bình Dương giữ vị trí dẫn đầu. Bắc Ninh đứng thứ 2. Thái Nguyên mặc dù không thu hút được dự án mới, xong với 2 dự án điều chỉnh vốn quy mô lớn nên xếp thứ 3.
Nếu xét về số dự án, các nhà đầu tư vẫn tập trung đầu tư nhiều tại các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như TP.HCM, Hà Nội.
Trong tổng số vốn FDI đã đăng ký, vốn thực hiện ước đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2021, đây là mức cao nhất của quý I trong 5 năm qua.
Tính lũy kế đến ngày 20/3/2022, cả nước có 34.815 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 422,84 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt trên 256 tỷ USD, bằng 60,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Một số dự án FDI lớn trong quý I năm 2022 gồm dự án Công ty TNHH Lego manufaturing Việt Nam (Đan Mạch), tổng vốn đầu tư gần 1,32 tỷ USD với mục tiêu sản xuất đồ chơi và thực hiện quyền xuất nhập khẩu, bán buôn bán lẻ hàng hóa tại Bình Dương (GCNĐKĐT cấp ngày 18/3/2022).
Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng khu đô thị và dịch vụ Vsip Bắc Ninh (Singapore) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm gần 941 triệu USD (cấp GCNĐKĐT điều chỉnh ngày 18/01/2022).
Dự án Công ty TNHH Samsung Electro-mechanics Việt Nam (Hàn Quốc), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 920 triệu USD tại Thái Nguyên (cấp GCNĐKĐT điều chỉnh ngành 15/02/2022).
Dự án Nhà máy chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện (Hồng Kông), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm gần 306 triệu USD tại Bắc Ninh (cấp GCNĐKĐT điều chỉnh ngành 21/01/2022).