1,3 triệu tỷ đồng của bảo hiểm xã hội và ngót 1 triệu tỷ đồng tồn dư ngân quỹ: Khai thác thiếu hiệu quả?

Ngân sách đang eo hẹp trong khi tồn dư quỹ của Bảo hiểm Xã hội hiện khoảng 1,3 triệu tỷ đồng và tồn dư ngân quỹ quốc gia ngót 1 triệu tỷ đồng được cho là chưa đầu tư, khai thác hiệu quả.

1,3 triệu tỷ đồng tồn dư tại Bảo hiểm Xã hội: Sử dụng ra sao để sinh lời tốt?

Phát biểu tại Hội trường về về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước sáng nay (5/11), đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) băn khoăn vì ngân sách eo hẹp, phải đi vay lớn trong khi có những vấn đề về chính sách tài khóa, tiền tệ chưa được quan tâm thấu đáo, giải quyết rốt ráo, trong đó có nguồn vốn khổng lồ đang được quản lý bởi Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH).

Ước tính đến cuối năm nay, số dư nguồn các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do Trung ương quản lý khoảng 1,42 triệu tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là số dư của 3 quỹ, gồm Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp và Quỹ Bảo hiểm (khoảng 1,3 triệu tỷ đồng).

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị).

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị).

Đại biểu Hà Sỹ Đồng đặt câu hỏi về cơ cấu và chất lượng sử dụng vốn của khối nguồn vốn gần 1,3 triệu tỷ đồng trên, đặc biệt là khả năng bảo toàn và sinh lời, kéo theo là sứ mệnh bảo đảm an sinh xã hội của Cơ quan Bảo hiểm Xã hội có được hoàn thành?

Hiện nay, khoản mục đầu tư trái phiếu chính phủ đang chiếm phần lớn cơ cấu sử dụng vốn của Bảo hiểm xã hội (ước tới cuối năm nay khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, tức chiếm khoảng 92% tổng nguồn vốn của Bảo hiểm Xã hội). Cách thức sử dụng vốn này, theo đại biểu này, có vẻ giúp BHXH “tròn vai” trong khía cạnh thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Tuy vậy, cách đầu tư này lại đang ảnh hưởng không tích cực tới thị trường vốn. “Một trong những hệ lụy của cung cách đầu tư vốn của Bảo hiểm Xã hội xưa nay là làm méo mó thị trường trái phiếu chính phủ Việt Nam, làm giá cả trên thị trường này không phản ánh đúng tương quan cung - cầu thực về trái phiếu. Nói theo giới chuyên môn, đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ chưa từng bao giờ được coi là “chuẩn” để các thị trường vốn và tiền tệ tham chiếu, như thông lệ quốc tế tốt mà chính Việt Nam đang mưu cầu hướng tới”, đại biểu Hà Sỹ Đồng phân tích.

Liên quan tới vấn đề này, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, tồn dư gần 1,3 triệu tỷ quỹ BHXH chỉ là số dư trên sổ sách, là số tiền để trả lương hàng tháng cho người hưu trí. Đa phần khoản tồn dư này (80%) đã được đầu tư vào trái phiếu chính phủ, 20% còn lại được gửi ở các ngân hàng thương mại nhà nước để đảm bảo an toàn.

Theo Phó thủ tướng, việc tồn dư quỹ BHXH đầu tư vào trái phiếu chính phủ giúp Chính phủ huy động được nguồn trái phiếu lớn để bù đắp bội chi ngân sách. Nói cách khác, bản chất là nguồn tồn dư BHXH đã được đầu tư vào các công trình xây dựng cơ bản, các dự án lớn thông qua trái phiếu chính phủ mà vẫn đảm bảo an toàn cho BHXH. Nếu sử dụng trực tiếp nguồn này để đầu tư cho các dự án thì sẽ rất rủi ro. Đây cũng là cách làm của nhiều nước trên thế giới.

Tồn dư ngân quỹ phình to, Ngân hàng Nhà nước gặp khó trong đấu thầu tiền gửi

Đại biểu Hà Sỹ Đồng cũng lưu ý, số dư tiền gửi Kho bạc Nhà nước bình quân tại hệ thống ngân hàng đang phình to. Nếu giai đoạn 2017-2019, số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước chỉ khoảng 300.000 - 500.000 tỷ đồng thì sang giai đoạn hậu Covid-19 đã tăng lên nhanh, có lúc tới cỡ nhấp nhỉnh trên dưới triệu tỷ đồng.

Sự tồn dư ngân quỹ lớn chủ yếu do công tác giải ngân vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách nhà nước bị trì trệ những năm qua, trong khi công tác cân đối giữa huy động vốn và sử dụng vốn chưa thực sự tối ưu, còn bị động lớn do phụ thuộc vào nhiều cấp ngành khác.

Từ năm 2017, Bộ Tài chính đã chấp nhận chuyển dần theo lộ trình lượng tiền tồn dư của Kho bạc Nhà nước gửi tại hệ thống ngân hàng thương mại về Ngân hàng Nhà nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Ngân hàng Nhà nước trong công tác điều hành chính sách tiền tệ quốc gia.

Tuy nhiên, trên thực tiễn, quá trình triển khai diễn ra chưa thực sự được suôn sẻ, thể hiện ở việc Kho bạc Nhà nước tiến hành đấu thầu tiền gửi trở lại các ngân hàng thương mại mà có những lúc không phù hợp về thời điểm, liều lượng, kỳ hạn hay mức lãi suất chào. Điều này khiến cho Ngân hàng Nhà nước bị động và gặp khó khăn trong công tác điều tiết cung tiền cho hệ thống ngân hàng và nền kinh tế nhằm tới mục tiêu ổn định tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

“Lý do chính, theo tôi, nằm ở sự xung đột giữa mục tiêu phối hợp tốt chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ nhằm điều hành kinh tế vĩ mô với mục tiêu bảo toàn và tối đa hóa lợi ích - chi phí nguồn ngân quỹ nhà nước. Sự xung đột mục tiêu hay xung đột lợi ích này sẽ càng lớn, càng phức tạp và càng gây ra nhiều hệ lụy khi lượng tồn dư ngân quỹ quốc gia đang có xu hướng ngày càng phình to”, đại biểu cảnh báo.

Về nguồn tồn dư ngân quỹ này, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc khẳng định, đây chỉ là khoản tiền gửi tạm thời, đều đã được dự chi nhưng chưa chi được hoặc các khoản đầu tư công chưa giải ngân được. Khoản tồn dư này cũng chỉ được gửi ở các ngân hàng thương mại nhà nước. Cách làm này được các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán… đồng tình.

T.L

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/13-trieu-ty-dong-cua-bao-hiem-xa-hoi-va-ngot-1-trieu-ty-dong-ton-du-ngan-quy-khai-thac-thieu-hieu-qua-d229184.html