2024 có thể là năm thành công trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Các chuyên gia cho rằng 2024 sẽ là năm thành công nhất của trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), có thể đạt được mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 50-NQ/TW là vốn thực hiện đạt 25 tỷ USD.

Tại Hội thảo khoa học “Tư duy tiếp cận và định hướng phát triển mới đối với khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam” do Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp cùng Ban Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 31/10, PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW và Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị, dòng vốn FDI vào Việt Nam đã liên tục tăng, tạo ra nhiều giá trị tích cực cho nền kinh tế, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại.

"Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước", ông Sơn khẳng định.

Đặc biệt, mặc dù năm 2023 là một năm đầy thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam, nhưng vốn FDI đăng ký tại Việt Nam tăng mạnh, đạt 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022, trong khi vốn FDI toàn cầu chỉ tăng 3%; vốn FDI trong năm giải ngân đạt trên 23 tỷ USD, chiếm 16,1% tổng vốn đầu tư của toàn xã hội.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2023 khu vực FDI nộp ngân sách nhà nước 18,3 tỷ USD, chiếm khoảng 25,4% tổng thu ngân sách và xuất khẩu khoảng 259,1 tỷ USD, tương đương 73,1% kim ngạch xuất khẩu cả nước, bình quân mỗi năm thu hút thêm hơn 360.000 lao động.

Bước sang năm 2024, xu hướng tích cực của vốn FDI tiếp tục được ghi nhận. Số liệu 9 tháng năm 2024 cho thấy, tổng vốn FDI đạt hơn 24,78 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2023; vốn giải ngân khoảng 17,3 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2023.

“Dự kiến, Việt Nam có thể kỳ vọng thu hút vốn FDI khoảng 39-40 tỷ USD cho cả năm 2024. Dòng vốn FDI vào nước ta cao kỷ lục trong bối cảnh nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ bên ngoài cho thấy khả năng phục hồi và sức hấp dẫn của Việt Nam với tư cách là điểm đến đầu tư và đối tác thương mại,” Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá.

GS.TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) đánh giá, năm 2024 có thể là một năm thành công trong thu hút vốn FDI vào Việt Nam. Bên cạnh mục tiêu thu hút khoảng 39-40 tỷ USD vốn FDI, Việt Nam có thể đạt mức giải ngân vốn FDI kỷ lục với 25 tỷ USD, đạt được mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị.

“Việt Nam đang được xem là hình mẫu thành công trong thu hút FDI nhờ thể chế và môi trường đầu tư ngày càng được hoàn thiện, nền tảng chính trị ổn định và tiềm năng tăng trưởng kinh tế khá cao,” ông Nguyễn Mại đánh giá.

Ghi nhận những đóng góp tích cực của khu vực FDI đối với nền kinh tế Việt Nam thời gian qua, tuy nhiên một số chuyên gia kinh tế tỏ ra lo lắng về tình trạng tiêu cực, cảnh báo về “lợi bất cập hại” trong thu hút FDI, thậm chí có ý kiến cho rằng, xét về lợi ích - một tiêu chí quan trọng trong hoạt động đầu tư - thì nước ta bị thua thiệt vì nhà đầu tư nước ngoài chuyển về nước “những khoản lợi nhuận khổng lồ”.

“Về công nghệ và quản trị, Việt Nam gần như không thu được nhiều kỹ năng quản trị và gần như chưa nhận được tác động chuyển giao công nghệ từ các dự án FDI”, Chủ tịch VAFIE nói và cho biết một số doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam chỉ để tận dụng nguồn lao động giá rẻ và các chính sách ưu đãi đầu tư.

Bà Hương Vũ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn EY Việt Nam cho biết: “Tình trạng chuyển giá trong các doanh nghiệp FDI thời gian qua vẫn là vấn đề “nhức nhối” nhất.”

EY chỉ ra một số trường hợp điển hình vi phạm quy định về giá chuyển nhượng như: lỗ nhưng vẫn mở rộng kinh doanh, lỗ khi hết ưu đãi thuế, công ty liên kết bán tài sản cho công ty con với giá cao hơn thị trường để tăng lợi nhuận tại nước ngoài và tăng chi phí khấu hao ở Việt Nam; thanh toán phí dịch vụ; công ty FDI hoạt động lâu năm, duy trì mức lợi nhuận thấp, nộp thuế ở mức tối thiểu để tránh sự chú ý của cơ quan thuế.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, dòng vốn FDI vào Việt Nam bên cạnh nhiều dự án tốt, thực sự mang lại sức sống mới cho nền kinh tế thì cũng có những dự án của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà doanh nghiệp trong nước có thể làm được.

Theo đó, để nâng cao dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam, bà Lan cho rằng: “Đã đến lúc Việt Nam được quyền lựa chọn, được quyền nói không với những dự án FDI không mong muốn, không đạt được tiêu chí mà Việt Nam đưa ra. Việt Nam cũng cần có các tiêu chí về môi trường và yêu cầu các doanh nghiệp FDI phải đáp ứng khi đầu tư tại Việt Nam.”

Để tăng sức đóng góp của khu vực FDI, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam cần tập trung vào những chính sách mang tính đột phá nhằm thu hút FDI, nhằm thu hút được FDI vào những lĩnh vực Việt Nam đang mong muốn, lĩnh vực công nghệ cao.

Lam Phong

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/2024-co-the-la-nam-thanh-cong-trong-thu-hut-von-dau-tu-nuoc-ngoai-post357087.html