3 doanh nghiệp niêm yết trên HNX bị phát hiện từ lãi thành lỗ sau kiểm toán
Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa cập nhật kết quả kinh doanh năm 2019 sau kiểm toán của các doanh nghiệp niêm yết trên HNX. Trong đó, điểm đáng chú ý là 3 doanh nghiệp ghi nhận có lãi năm 2019 tại báo cáo tài chính tự lập, nhưng tại báo cáo tài chính kiểm toán lại ghi nhận lỗ.
Con số thống kê của HNX cho thấy, đến hết tháng 4/2020, đã có 346/359 công ty công ty niêm yết trên HNX công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019 (không bao gồm 9 công ty thay đổi niên độ kế toán là VTL, VDL, KTS, MHL, SLS, TA9, IDV, GLT, CAP).
Các trường hợp chậm công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm quá 5 ngày làm việc, HNX đã đưa vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ và sẽ đưa vào diện bị cảnh báo đối với những doanh nghiệp chậm công bố quá 15 ngày.
Kết quả báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019 của các doanh nghiệp niêm yết trên HNX cho thấy, tổng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp niêm yết HNX đạt 21.438,4 tỷ đồng, tăng 993,6 tỷ đồng, tương đương tăng 4,8% so với năm 2018.
Có 5/11 ngành có tổng lợi nhuận sau thuế năm 2019 tăng so với năm 2018. Trong đó, ngành có tỷ trọng tăng lợi nhuận mạnh nhất là khai khoáng và dầu khí, khi tăng 45,2%, từ 808 tỷ đồng lên 1.173 tỷ đồng.
Ngành tài chính dù chỉ có 22 doanh nghiệp niêm yết trên HNX, nhưng có tổng lợi nhuận sau thuế là 10.443 tỷ đồng, chiếm 48,7% tổng lợi nhuận toàn thị trường và là ngành có mức tăng trưởng lợi nhuận cao thứ hai trong số 11 ngành trên HNX, khi tăng 17,3%. Nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp mở rộng quy mô hoạt động, đa dạng hóa các loại hình sản phẩm dịch vụ, đẩy mạnh phát triển khách hàng.
Trong số này nhóm các doanh nghiệp ngân hàng, bảo hiểm cho thấy sự tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ nhất.
Bên cạnh đó, có 4 doanh nghiệp có kết quả kinh doanh lỗ (tăng 4 doanh nghiệp so với năm 2018), tập trung vào nhóm các công ty chứng khoán, nguyên nhân chủ yếu là do việc trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi, đánh giá lại giá trị các khoản đầu tư vào cuối kỳ, cũng như khó khăn trong việc mở rộng mạng lưới khách hàng.
Ở chiều ngược lại, số doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ là 36 công ty, tăng 12,5% so với năm trước, với tổng lỗ năm 2019 là -2.244,6 tỷ đồng, tăng tới 109% so với năm 2018. Có 6/11 ngành có tổng kết quả kinh doanh lỗ tăng so với năm 2018. Trong đó, ngành công nghiệp có mức tăng lỗ mạnh nhất từ -427 tỷ đồng năm 2018 lên -1.270 tỷ đồng năm 2019.
So sánh số liệu tại báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trước và sau khi được kiểm toán, có 64 doanh nghiệp (chiếm 18% tổng số lượng doanh nghiệp niêm yết đã công bố báo cáo) có lợi nhuận sau thuế tại báo cáo tài chính năm 2019 do doanh nghiệp tự lập chênh lệch trên 10% so với lợi nhuận sau thuế tại báo cáo tài chính 2019 có kiểm toán, 27 doanh nghiệp niêm yết có tỷ lệ chênh lệch trên 50%.
Đặc biệt, 3 doanh nghiệp ghi nhận có lãi năm 2019 tại báo cáo tài chính tự lập nhưng tại báo cáo tài chính kiểm toán lại ghi nhận lỗ, 1 doanh nghiệp có kết quả kinh doanh chuyển từ lỗ sang lãi sau kiểm toán.
Theo giải trình của các doanh nghiệp, nguyên nhân chênh lệch là do ghi nhận doanh thu sang năm 2020, trích lập dự phòng làm tăng chi phí, xác định lại chỉ tiêu thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại...