3 hậu quả khôn lường khi dạy trẻ bằng bạo lực
Kiểu dạy dỗ bằng roi vọt đã làm cho hàng triệu đứa trẻ trở thành nạn nhân của bạo lực, không chỉ bị bạo lực bởi chính cha mẹ của mình mà còn bởi giáo viên hoặc những ai có tự cho mình có thẩm quyền.
Câu chuyện về hai thiếu niên bị nghi trèo tường vào trộm cắp tài sản ở một trường học tại quận 10, TP.HCM rồi bị đánh đập dã man bởi bảo vệ dân phố là một ví dụ.
Tại trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn có phòng trị liệu tâm lý miễn phí cho sinh viên. Có những em đã tìm đến để chữa lành những tổn thương dai dẳng từ những trận bạo hành trong quá khứ.
Sáng nay, trong phòng trị liệu của mình, tôi gặp Hoàng Oanh (tên nhân vật đã thay đổi), cô sinh viên năm thứ 2 ngành Hàn Quốc học tại một trường đại học ở TP.HCM đến tham vấn với ý nghĩ muốn tự sát và đã trải qua nhiều ngày đau khổ, bi quan. Suốt cả buổi trị liệu, em chỉ có thể nói được một vài câu xen trong sự xúc động và khóc liên tục.
Dưới hình ảnh của một cô gái ngang tàng, tóc và lông mày nhuộm đỏ một bên, gương mặt trang điểm đậm, Oanh kể cho tôi nghe những trải nghiệm khủng khiếp mà em gặp phải từ thời thơ ấu.
Xen trong tiếng khóc, Oanh kể rằng bố em mất sớm, mẹ một mình nuôi hai anh em ăn học. Sự khó khăn làm mẹ trở nên bẳn tính; thường xuyên đánh, mắng, xúc phạm làm cho em nhiều lần tổn thương muốn tự sát. Em mất phương hướng, chán chường và không tin vào tương lai, không tin vào hạnh phúc và những giá trị tích cực của cuộc sống.
Trường hợp của Hoàng Oanh hay hàng trăm thân chủ là trẻ em hay thanh thiếu thiên mà tôi gặp phải đều có những trải nghiệm với bạo lực từ gia đình và bên ngoài xã hội, trong đó có cả giáo viên và bạn bè. Việc bạo hành không chỉ bằng hành động mà còn bằng lời nói, bằng sự kỳ thị hay định kiến, và nhiều hình thức khác nhau.
Theo nghiên cứu của Unicef năm 2017 cho thấy, có khoảng 68,4% trẻ em trong độ tuổi từ 1- 14 tuổi cho biết đã từng bị bạo hành bởi cha mẹ, hoặc người chăm sóc trong gia đình. Việc bạo hành không chỉ là những sự việc nổi bật, mà còn là những trải nghiệm âm ỉ và thường ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống cũng như tinh thần của trẻ em bị bạo hành. Thậm chí nhiều trẻ em bị bạo hành có thể ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách, sức khỏe tâm thần và thường là những sang chấn lâu dài cho toàn bộ tiến trình của đời sống cá nhân.
Dù việc bạo hành diễn ra một cách phổ biến, và thậm chí công khai nhưng đa số vẫn được coi là một hình thức giáo dục theo văn hóa “thương cho roi cho vọt” được hiểu theo một cách sai lệch. Đây là một nhận thức cực kỳ sai lầm mà một số người lớn vẫn tâm niệm là đúng đắn nên ngày càng đẩy trẻ vào khủng hoảng. Việc trẻ em bị bạo hành cũng có thể là cách thức sai lầm mà người lớn muốn củng cố quyền lực của họ khi nghĩ rằng không còn cách nào khác hơn để dạy những đứa trẻ lộng hành khó bảo.
Vậy câu hỏi đặt ra là, giáo dục bằng bạo lực có thể làm cho đứa trẻ ngoan hơn không? Câu trả lời luôn là không, bởi ba lý do sau đây:
Thứ nhất, bạo lực chỉ tạo ra bạo lực. Sự phòng vệ của một đứa trẻ bị bạo lực là sự tức giận trút đau đớn đó lên đứa trẻ khác; là lì lợm và chống đối hoặc nói dối; là sự thu mình, lo âu hoặc trầm cảm…Tất cả các tình huống đều dẫn tới các ngõ ngách khó khăn, tiêu cực.
Thứ hai, chỉ là đứa trẻ ngoan giả tạo. Nếu có đứa trẻ nào sau khi bị dạy bằng đòn roi mà “ngoan” như chúng ta nghĩ thì đó chỉ là sự “ngoan” giả tạo, để đối phó.
Thứ ba, điều nguy hiểm nhất là đứa trẻ sẽ chán ghét bản thân, trở nên yếu đuối. Tôi đã từng gặp cháu bé kể về sự đau khổ bởi cha mẹ đánh chửi, cô giáo miệt thị và bạn bè xa lánh chỉ vì con không có khả năng học tốt môn văn vì năng lực ngôn ngữ của con kém từ nhỏ. Điều này làm con thu mình, chán ghét bản thân và thực sự khủng hoảng mỗi khi phải đối diện với những người thân yêu là cha mẹ hay giáo viên. Chúng không thực sự khỏe mạnh. Tinh thần chúng đầy những tổn thương, yếu đuối.
Để hình thành một nhân cách, ai cũng phải đi qua những giai đoạn khác nhau của cuộc đời, ai cũng phải đối diện với những khó khăn từ nội tại của mình, thách thức từ cuộc sống. Nếu được thấu hiểu và chia sẻ thì sẽ hướng tới một nhân cách tích cực. Còn nếu phải đối diện với những sang chấn, nhất là bạo lực thì trong tâm hồn sẽ nhiều tổn thương, tiêu cực hóa và cực kỳ khó đối mặt với cuộc sống.
Các nghiên cứu trong tâm lý học đều cho thấy, những người có xu hướng bạo lực hay phạm pháp đều có một quá khứ bị bạo lực hay bắt nạt theo một hình thức nào đó.
Chính vì thế, tôi cho rằng người lớn cũng cần uy quyền trong giáo dục trẻ. Nhưng uy quyền đó phải đặt trên nền tảng của thấu hiểu, bao dung, độ lượng và yêu thương, không bao giờ dung chứa sự bạo hành dưới bất kỳ hình thức nào.
Nếu có uy quyền đó, tôi tin mỗi đứa trẻ sẽ lớn lên với một nhân cách khỏe mạnh, tự do, hạnh phúc và thăng tiến.
Ngược lại nếu chúng ta sử dụng uy quyền là đòn roi, là bạo lực thì chỉ làm trẻ lớn lên là một nhân cách không lành mạnh, đầy thù hận, khổ đau và tổn thương.