6 nội dung cần tiếp cận để nâng cao chất lượng dạy - học Ngoại ngữ vùng khó
Đứng ở góc độ quản lý trong thực tế hiện nay, cô Phạm Ngọc Phụng - Hiệu trưởngTtrường THPT Hoàng Diệu (Sóc Trăng) - cho rằng, tác động của công tác quản lý đối với hiệu quả của việc dạy học ngoại ngữ vẫn còn là một vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu.
Do đó, để nâng cao chất lượng dạy - học Ngoại ngữ, nên chăng tiếp cận vào một số vấn đề sau:
6 nội dung cần tiếp cận trong dạy - học Ngoại ngữ
Song việc học ngoại ngữ ngày càng được sự quan tâm ủng hộ và có sự đầu tư đáng kể của gia đình và xã hội. Chất lượng học tập ngoại ngữ ngày càng được nâng lên cả chiều sâu lẫn chiều rộng.
là về phía người dạy, giáo viên tuy có nhiều cố gắng trong việc vận dụng phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực hóa các hoạt động của học sinh, nhưng giáo viên chỉ có thể áp dụng được đối với một số bài, một số tiết và một số bộ phận học sinh.
Qua thanh, kiểm tra cho thấy có rất nhiều tiết học học sinh còn thụ động, giờ học ít sinh động mặc dù giáo viên có quan tâm đến việc tổ chức các hoạt động học tập để phát huy sự hoạt động tích cực, sáng tạo của học sinh.
Nhiều hoạt động dạy học tích cực chỉ mới được sử dụng có tính hình thức, chưa được đầu tư, chuẩn bị đúng mức và triển khai đúng qui trình nên chưa đạt hiệu quả cao.
Các đối tượng học sinh yếu kém chưa được quan tâm đúng mức để tạo điều kiện cho các em vươn lên. Một bộ phận giáo viên phát âm tiếng Anh còn chưa chuẩn xác, sai sót kiến thức cơ bản.
Đây là một vấn đề đòi hỏi sự tự bồi dưỡng không ngừng của bản thân mỗi thầy cô giáo vì không thể có một khóa bồi dưỡng chuyên đề ngắn hạn nào có thể giúp giáo viên giải quyết nhược điểm này.
Thứ hai, là về phía học sinh, bên cạnh những học sinh có hứng thú học ngoại ngữ vẫn còn không ít học sinh cảm thấy không thích học hoặc cảm thấy khó khăn trong việc học bộ môn này.
Tiếng Anh là môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, mặc dù là môn thi quan trọng, nhưng rất nhiều học sinh vẫn học lệch, học đối phó hoặc chủ quan dẫn đến mất căn bản, học kém và do đó đạt kết quả chưa cao trong các kỳ thi.
Trong khi đó chương trình học thì có phần nặng và khô khan nên phần nào đã gây ra sự chán nản và bỏ mặc đối với một số em. Ngoài ra sự quan tâm hướng dẫn, động viên của gia đình còn bị phó mặc, nhiều hạn chế. Do đó, chất lượng học đại trà của học sinh toàn trường nhìn chung là chưa đạt cao như mong muốn và sự kỳ vọng.
Thứ ba, là về chương trình, sách giáo khoa hiện nay là quá tải, nhất là đối với các khối từ khối 10, do các em còn bỡ ngỡ vừa mới qua cấp THCS bước lên. Do vậy, để truyền tải hết nội dung sách giáo khoa theo phân phối chương trình, giáo viên không thể đi sâu giảng kỹ.
Sách giáo khoa mới chú trọng vào việc rèn luyện các kỹ năng, nhưng thực tế thi cử lại chú trọng vào ngữ pháp và kỹ năng đọc hiểu nên phần kỹ năng nói, nghe của học sinhcòn rất yếu.
Khác với các nước trong khu vực và thế giới, ở Việt Nam, môi trường vận dụng ngoại ngữ còn rất hạn chế, do đó học sinh không có điều kiện để rèn luyện kỹ năng.
Thứ tư, là trang thiết bị, đồ dùng dạy học, thiết bị dạy học cần thiết như máy chiếu trường đều có trang bị. Tuy nhiên, còn phần thiết bị hỗ trợ phần dạy kỹ năng nghe thiếu mốt số lớp có lại chất lượng sử dụng không tốt dẫn đến việc giáo viên phải đọc cho học sinh nghe, nhưng vẫn còn giáo viên phát âm chưa chuẩn, ngại nói tiếng Anh khi dạy dẫn đến chất lượng nghe không tốt trong giờ luyện nghe. Sách tham khảo, các loại từ điển và các sách công cụ khác trong thư viện chưa phong phú.
Thứ năm, việc tổ chức mời giáo viên là người nước ngoài đến trường tham gia trực tiếp giảng dạy, vừa qua nhà trường đã tổ chức mời mỗi năm học 2 lượt giáo viên là người nước ngoài đến giảng dạy bình quân khoảng 6 tiết/học kỳ/ các lớp nâng cao môn tiếng Anh.
Qua hoạt động giảng dạy này, kết quả đánh giá bước đầu có cải thiện được phần nói: học sinh nói tự tin hơn, nghe tốt hơn, một số cảm thấy yêu thích môn tiếng Anh hơn.
Thứ sáu, là hoạt động kiên kết với các trung tâm ngoại ngữ có uy tín ở các thành phố lân cận như Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh trong hoạt động giảng dạy ngoại ngữ cho học sinh nhầ trường.
Qua thực hiện hoạt động liên kết, kết quả đạt được: phong trào học tiếng Anh được học sinh quan tâm hơn, ngày càng có nhiều học sinh chọn môn tiếng Anh là môn để xét tuyển vào các trường đại học; song song đó học sinh rèn được kỹ năng nói, nghe bằng tiếng Anh qua các kỳ giao lưu với sinh viên là tình nguyện viên Hàn Quốc, giáo viên người Philippin, Úc, Hà Lan, Anh.
6 giải pháp nâng cao chất lượng dạy - học Ngoại ngữ
Trên cơ sở những vấn đề được tiếp cận nêu trên, cô Phụng đề xuất một số giải pháp chủ yếu nhằm tác động, nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ. Cụ thể:
Một là, tăng cường chỉ đạo hoạt động dạy- học: Chỉ đạo tổ chức tốt nội dung sinh hoạt chuyên môn và các hoạt động chuyên môn (hội thảo, thao giảng rút kinh nghiệm dạy học, hội giảng giáo viên giỏi) giữa các trường THPT trong tỉnh.
Tổ chức một cách chặt chẽ, khoa học việc thi học sinh giỏi ngoại ngữ làm cơ sở cho tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh giỏi dự thi cấp tỉnh và cấp quốc gia.
Quan tâm tổ chức các hình thức hoạt động ngoại khóa (CLB ngoại ngữ, đố vui, kể chuyện bằng tiếng Anh, làm báo tường bằng tiếng Anh…) vừa tạo điều kiện cho học sinh có cơ hội giao tiếp vừa gây hứng thú học ngoại ngữ cho học sinh. Tăng cường củng cố ngữ pháp cho học sinh qua các tiết tự chọn hay giờ phụ đạo.
Hai là, dựa vào hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức kỹ năng tiếng Anh, Tổ bộ môn ngoại ngữ rà soát lại sách giáo khoa, làm tinh gọn các nội dung để giảm quá tải bài, soạn lại nội dung giảng dạy thống nhất trong tổ trước khi đưa vào giảng dạy.
Việc Bộ GDĐT đưa ra chuẩn kiến thức đã tạo thuận lợi rất nhiều cho giáo viên trong việc soạn giảng. Nhưng giáo viên vẫn có xu hướng bám sát sách giáo khoa bởi vì như thế giáo viên không phải đầu tư nhiều. Cần phải yêu cầu giáo viên năng động, tích cực hơn để thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ dạy học của mình.
Ba là, tăng cường công tác thanh tra toàn diện giáo viên. Chú trọng công tác kiểm tra, dự giờ thăm lớp của Ban giám hiệu, Tổ trưởng chuyên môn đối với giáo viên bộ môn để kịp thời chấn chỉnh các sai sót, bổ sung những chỗ còn thiếu trong dạy học.
Bốn là, tăng cường việc tự bồi dưỡng của giáo viên để nâng cao trình độ chuyên môn nhằm đáp ứng yêu cầu giảng dạy theo Đề án dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn đến năm 2020 cũng như chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiếng Anh trường THPT theo khung tham chiếu năng lực ngoại ngữ chung Châu Âu.
Chú trọng tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo lại, đào tạo mới, đáp ứng được yêu cầu mới về chuẩn năng lực Ngoại ngữ. Quá trình tuyển dụng giáo viên mới cần phải đạt những chứng chỉ cần thiết.
Năm là, các trường THPT phải được tiếp tục trang bị thiết bị dạy học môn ngoại ngữ theo hướng hiện đại. Đầu tư xây dựng phòng học bộ môn ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu giảng dạy trong tình hình mới.
Sáu là, đề xuất Bộ GDĐT cần kết hợp với một tổ chức quốc tế có uy tín hoặc một trường đại học để khảo sát năng lực của toàn bộ giáo viên ngoại ngữ trong thời gian tới để có giải pháp điều chỉnh kịp thời đối với các giáo viên chưa theo học bồi dưỡng và dự thi theo khung tham chiếu trình độ ngoại ngữ chung Châu Âu.
Bài viết được biên tập, lược ghi từ tham luận “Tác động của các cấp quản lý tạo động lực đối với giáo viên dạy học ngoại ngữ bậc trung học phổ thông” của Phạm Ngọc Phụng - Hiệu trưởng trường THPT Hoàng Diệu (Sóc Trăng) tại Hội thảo nâng cao chất lượng dạy học Ngoại ngữ dạy - học Ngoại ngữ.