ABeam Consulting giúp doanh nghiệp giải 'bài toán sống còn' trong kỷ nguyên AI
'Nhiều doanh nghiệp, không chỉ ở Việt Nam mà cả trong khu vực, rất mong muốn chuyển đổi số sau nhiều năm phát triển. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng chuyển đổi thành công. Lý do là bởi cách tiếp cận giữa doanh nghiệp và bên cung cấp giải pháp chưa đồng điệu', chị Sandy Ngân - Quản lý Cấp cao tại ABeam Consulting Vietnam - nhìn nhận...
Chuyển đổi số không còn là đề tài xa lạ, tuy nhiên sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI) trong vài năm trở lại đây đã tạo ra những làn sóng mới thúc đẩy doanh nghiệp bứt phá. Những ứng dụng mới của AI đã và đang tác động tích cực đến lộ trình số hóa của doanh nghiệp, từ quản lý nguồn lao động đến cách thức doanh nghiệp vận hành nói chung.
“Vấn đề bây giờ không phải là doanh nghiệp có đủ năng lực chuyển đổi số hay không. Chuyển đổi số không phải lựa chọn nữa, mà là điều bắt buộc phải làm để cạnh tranh. Doanh nghiệp phải tự xây dựng năng lực, tự đào tạo đội ngũ, xây dựng lại quy trình… để chuyển đổi số thành công”, ông Triết Trần – Giám đốc Giải pháp SAP Việt Nam chia sẻ bên lề sự kiện “Áp dụng GenAI và công nghệ cao trong thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh”, diễn ra tại TP.HCM hôm 3/10.
SAP là một đơn vị cung cấp giải pháp phần mềm cho doanh nghiệp, tận dụng các phát triển về công nghệ tích hợp nhiều tính năng giúp quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh một cách hiệu quả. Giải pháp mới nhất được đánh giá là toàn diện dành cho các doanh nghiệp có tên SAP S/4HANA trên nền tảng điện toán đám mây (cloud). Một trong số những hạ tầng cloud được khách hàng tin tưởng nhất là Amazon Web Services (AWS). Ông Triết Trần ví SAP và AWS “như hai mặt của đồng xu” khi nhắc đến giải pháp chuyển đổi số, tức là luôn phải gắn liền với nhau.
Mặc dù nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, nhưng việc thực thi, áp dụng các công cụ sao cho hiệu quả lại là bài toán khó đối với các doanh nghiệp.
“Nhiều doanh nghiệp, không chỉ ở Việt Nam mà cả trong khu vực, rất mong muốn chuyển đổi số sau hàng chục năm phát triển. Họ vẫn sử dụng những phần mềm đã cũ trên nền tảng cũ, trong khi muốn tạo điều kiện thuận lợi để bắt kịp xu thế phát triển”, chị Sandy Ngân – Quản lý Cấp cao tại ABeam Consulting Vietnam chia sẻ tại sự kiện.
“Không phải doanh nghiệp nào cũng chuyển đổi thành công. Lý do là bởi cách tiếp cận giữa doanh nghiệp và bên cung cấp giải pháp chưa đồng điệu. Mong muốn của khách hàng chưa sát với thực tế, hoặc mong đợi quá mức so với khả năng của giải pháp/phần mềm. Đứng từ phía nhà cung cấp giải pháp, họ có thể chưa đủ hiểu về bản chất doanh nghiệp, tiếp cận với những thuật ngữ khá chuyên môn, không tìm được tiếng nói chung”, chị lý giải.
CÁ NHÂN HÓA HÀNH TRÌNH CHUYỂN ĐỔI SỐ
Dựa trên kinh nghiệm và những thực hành tối ưu (best practices) tích lũy được qua hơn 1100 dự án triển khai giải pháp SAP với khách hàng trên toàn khu vực, ABeam đã đúc kết ra một phương pháp luận triển khai (ABeam Method) giúp các doanh nghiệp tiếp cận, lựa chọn giải pháp phù hợp cho lộ trình chuyển đổi số của riêng mình.
Phương pháp luận của ABeam sẽ giúp doanh nghiệp đánh giá và có nhận định đúng đắn về hiện trạng và theo đó thiết lập phương án phù hợp với mô hình kinh doanh cũng như nhu cầu phát triển.
Dựa trên những bài học kinh nghiệm quý báu thông qua ABeam Method, doanh nghiệp có thể rút ngắn được thời gian khảo sát, có những hướng dẫn cụ thể về cách thức và lộ trình triển khai giải pháp theo từng bước rõ ràng, bao gồm cả các mốc chuẩn bị lẫn thực thi.
Ngoài ra, ABeam đã xây dựng những “industry framework” (khuôn mẫu chuẩn cho ngành). Dựa trên mạng lưới khách hàng chia theo ngành nghề của SAP, các mô hình doanh nghiệp được ABeam gắn liền với những khuôn mẫu gần gũi hơn với các doanh nghiệp châu Á, cũng như phiên bản “nội địa hóa” cho riêng doanh nghiệp Việt Nam.
“Ở ABeam, chúng tôi tin vào câu chuyện “cá nhân hóa hành trình chuyển đổi số”, bởi chặng đường chuyển đổi của các doanh nghiệp không thể nào giống nhau. Tùy thuộc vào mô hình của doanh nghiệp, mức độ phát triển cũng như mức độ tập trung, ABeam sẽ chia sẻ những “know-how” để trao đổi, tư vấn, chia ra các giai đoạn và tìm giải pháp phù hợp tương ứng”, chị Sandy cho biết.
Quản lý Cấp cao của ABeam chia sẻ thêm rằng trong 5 năm trở lại đây, công ty nhận được rất nhiều yêu cầu không chỉ về chuyển đổi số, mà còn cần tối ưu hóa quy trình sau khi doanh nghiệp đã mở rộng hơn, có nhiều chi nhánh ở các khu vực khác nhau. Do đó, họ có nhu cầu tinh gọn bộ máy, làm sao cho từng nhân viên làm việc hiệu quả hơn, từ đó đẩy mạnh tốc độ phát triển và tăng hiệu quả hoạt động.
ĐỒNG HÀNH CÙNG DOANH NGHIỆP ĐỂ TÌM RA CẦN LÀM GÌ TIẾP THEO
Hầu hết doanh nghiệp hiện nay đều có một phần mềm ERP để quản lý hoạt động. Tuy nhiên, chị Sandy cho biết đây chỉ là bước đầu tiên. Sẽ có những bước tiếp theo, chẳng hạn như làm sao để tiếp cận khách hàng một cách thân thiện hơn, tránh mất đi các cơ hội kinh doanh, tiếp đó là giải quyết vấn đề về chuỗi cung ứng. Mức độ quan trọng của điều này đã được chứng minh qua thời kỳ Covid-19, khi chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy.
Ví dụ trực quan được chị Sandy đưa ra là về một khách hàng của ABeam đang điều hành chuỗi cửa hàng F&B gồm 300 – 400 cơ sở tại Việt Nam. Khi Covid-19 xảy ra, người dân không thể rời khỏi nhà để tới cửa hàng dùng bữa. Do chuỗi F&B này đã sử dụng SAP S4/HANA, việc thiết kế một hệ thống cho phép đặt và giao đồ online rất tiện lợi, dễ dàng, không cần chuyển qua nền tảng nào khác vì bản thân SAP đã đủ khả năng hỗ trợ doanh nghiệp làm điều này.
Ngoài ra, những năm gần đây, tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị) trở nên vô cùng quan trọng, đặc biệt đối với các doanh nghiệp lớn hướng tới phát triển bền vững. ABeam có những giải pháp giúp doanh nghiệp kiểm soát được lượng phát thải CO2, hoặc cung cấp những báo cáo hữu ích.
“Tầm nhìn của ABeam trong chặng đường chuyển đổi số cho doanh nghiệp không chỉ là triển khai giải pháp, mà là đồng hành để doanh nghiệp tìm ra cần phải làm gì tiếp theo”, chị Sandy nhấn mạnh.
Chia sẻ bên lề sự kiện, chị Sandy cho biết không phải doanh nghiệp nào cũng thực sự định hình được nên chuyển đổi cái gì, dù luôn biết rằng phải chuyển đổi. Những câu hỏi thường được đặt ra xoay quanh các khó khăn khi mở rộng sang thị trường mới, hoặc mảng kinh doanh mới.
“Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, các doanh nghiệp dường như đều thấy cơ hội. Có thể bình thường chưa chắc họ đã chịu chi số tiền như vậy cho công nghệ thông tin. Tuy nhiên, tiềm năng tăng trưởng quá lớn, cộng thêm việc nếu không trang bị đầy đủ về công nghệ để quản lý doanh nghiệp thì họ sẽ lỡ đà phát triển, mất lợi thế cạnh tranh. Do đó, gần đây ABeam nhận được rất nhiều câu hỏi từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ về mặt con người, công nghệ, đâu là những bước cần chuẩn bị, thực hiện, cũng như vấn đề kinh phí”, chị Sandy phân tích.
Tính tới cuối tháng 6/2024, hơn 197 dự án mà ABeam Consulting đồng hành với khách hàng đã bắt đầu đi vào hoạt động, bao gồm những khách chưa từng sử dụng hệ thống SAP và những đơn vị muốn chuyển sang phiên bản mới. Với đội ngũ hiện tại, ABeam đang đứng thứ 6 trên thế giới về số lượng tư vấn viên chuyên về SAP đã được chứng nhận.
ABeam Consulting là công ty tư vấn đến từ Nhật Bản, đã có hơn 43 năm kinh nghiệm trong việc tư vấn chuyển đổi số cho doanh nghiệp, hoạt động ở 28 vùng lãnh thổ trên thế giới. Không chỉ giúp chuyển đổi về hệ thống cốt lõi/ “digital core”, thông qua các giải pháp của SAP, ABeam còn có thể hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các phương thức quản lý, tương tác với khách hàng một cách hiệu quả hơn, và hơn thế nữa, xây dựng chuỗi giá trị, dấu ấn riêng cho doanh nghiệp trên con đường phát triển xanh, mạnh và bền vững.