Ấm no nhờ sản xuất lúa chất lượng trên cánh đồng mẫu

Mô hình cánh đồng mẫu sản xuất lúa chất lượng tại xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa). Ảnh: NGỌC HÂN

Cánh đồng lúa chín vàng rộng 17ha, sử dụng giống chất lượng, gieo sạ 100kg/ha, năng suất 79,2 tạ/ha. Lần đầu tiên, mô hình thí điểm lồng ghép việc ứng dụng thiết bị máy bay không người lái trong quá trình sản xuất với diện tích 4ha.

Vụ hè thu 2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng với quy mô 34ha trên địa bàn huyện Phú Hòa, riêng HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Quang Bắc sản xuất 17ha với 77 hộ dân tham gia (được hỗ trợ 35% giá trị giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và 100% kinh phí tập huấn chuyển giao quy trình kỹ thuật về trồng thâm canh cây lúa).

Mô hình tối ưu, hiệu quả tối đa

Toàn bộ cánh đồng được sử dụng cùng một giống lúa, mật độ gieo sạ 100kg/ha và áp dụng các biện pháp thâm canh như nhau. Mô hình còn định hướng đưa bà con nông dân thoát khỏi lối canh tác cũ để tiếp cận với công nghệ hiện đại khi sử dụng thiết bị drone làm công cụ gieo sạ, rải phân, phun thuốc bảo vệ thực vật.

Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Trương Văn Tuấn, mô hình sử dụng giống lúa An Sinh 1399 (ANS1) có thời gian sinh trưởng từ 90-95 ngày, chiều cao cây 95-105cm; khả năng đẻ nhánh mạnh, chống chịu sâu bệnh, số hạt chắc đóng trên bông nhiều hơn các loại giống đối chứng.

“Sau hơn 3 tháng triển khai, mô hình mang lại hiệu quả kinh tế khá cao với năng suất đạt bình quân 79,2 tạ/ha, giá bán 6.200 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí, bà con lãi khoảng 22 triệu đồng/ha. Nếu so với mô hình trồng lúa đối chứng là giống ĐV108, lợi nhuận đạt bình quân khoảng 16 triệu đồng/ha thì ruộng mô hình cho lợi nhuận cao hơn 6 triệu đồng/ha. Như vậy trên cùng diện tích, trồng lúa chất lượng ANS1 theo quy trình kỹ thuật, thâm canh tốt thì mang lại lợi nhuận cao hơn so với mô hình đối chứng”, ông Tuấn cho biết.

Bà Nguyễn Thị Yến ở thôn Đồng Lãnh (xã Hòa Quang Bắc), vui mừng nói khi được một mùa vụ ấm no: Trước đây, khi chưa tham gia mô hình sản xuất này, tôi chỉ canh tác và bón phân theo kinh nghiệm của bản thân. Lúc đó thấy lúa phát triển không đồng đều, chỗ vàng chỗ xanh; vụ trúng, vụ mất mùa nên tôi cũng rất lo. Nhờ tham gia mô hình, tôi thấy hiệu quả kinh tế rất rõ rệt, nhất là được hỗ trợ giống, phân bón; được hướng dẫn kỹ thuật bón phân cụ thể theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa, bón phân vừa đủ giúp tiết kiệm chi phí mà lại hạn chế sâu bệnh. Vụ này, gia đình tôi thu hoạch được 80 tạ/ha, cao hơn ruộng đối chứng gần 10 tạ/ha, trong khi tổng chi phí chỉ hơn 27 triệu đồng/ha, thấp hơn ruộng đối chứng 1 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Quang Bắc, cho hay: Mô hình sản xuất lúa chất lượng sử dụng giống lúa ANS1 và thiết bị drone để gieo sạ, rải phân, phun thuốc bảo vệ thực vật tại địa phương là hướng đi phù hợp, nhằm giảm chi phí lao động, tăng hiệu quả kinh tế. Mô hình phù hợp với chủ trương bổ sung cơ cấu giống, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp và có khả năng nhân rộng tại địa phương.

Định hướng phát triển nông nghiệp bền vững

Cùng với sự chung tay góp sức của cơ quan, ban ngành, địa phương, mô hình sản xuất lúa chất lượng cao ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất và liên kết bao tiêu sản phẩm ngày càng được nhân rộng, được đông đảo bà con nông dân nhiệt tình hưởng ứng vì vừa giúp giải quyết được khó khăn trước mắt, vừa là hướng đi ổn định lâu dài cho nhà nông.

“Gia đình tôi có 4 đám lúa. Trồng các giống lúa khác, mỗi sào tôi thu 7 bao lúa tươi (mỗi bao 50kg) nhưng đám ruộng canh tác giống ANS1 thu được đến gần 9 bao. Gạo giống lúa này chất lượng cao, hạt gạo trong, cơm mềm và không dẻo. Lúa sau khi thu hoạch được HTX liên kết với cơ sở xay xát Tú Loan đóng trên địa bàn xã thu mua toàn bộ sản phẩm. Vì vậy, tôi định tiếp tục sử dụng giống lúa chất lượng này cho vụ lúa đông xuân sắp tới”, ông Lê Mười ở thôn Thạnh Lâm (xã Hòa Quang Bắc) phấn khởi cho hay.

Theo ông Trần Minh Hải, Phó Giám đốc Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ, giống lúa ANS1 đã được Bộ NN-PTNT công nhận. Mô hình sản xuất lúa chất lượng được triển khai nhằm giới thiệu cho bà con nông dân cơ hội tiếp cận với giống lúa mới, năng suất cao và chất lượng tốt. Qua đó, bà con chuyển đổi từ giống lúa truyền thống năng suất thấp sang trồng lúa mới năng suất, chất lượng cao hơn, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Ông Trương Văn Tuấn cho biết: “Trong tình hình giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao như hiện nay thì mô hình sản xuất lúa chất lượng này rất thiết thực với bà con nông dân. Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới hiện nay”.

Định hướng của ngành Nông nghiệp là tiến tới sản xuất lúa phẩm chất tốt, gạo chất lượng cao. Vì vậy, việc triển khai mô hình cánh đồng mẫu sản xuất lúa chất lượng gắn với cơ giới hóa đồng bộ sản xuất nông nghiệp là hướng đi phù hợp. Thời gian tới, Sở NN-PTNT sẽ tiếp tục khảo nghiệm, triển khai các mô hình sản xuất lúa chất lượng ở các địa phương trong tỉnh để đánh giá khả năng thích ứng. Trong quá trình khảo nghiệm, sở sẽ theo dõi các chỉ tiêu nông học, năng suất và phẩm chất hạt gạo, tạo xu hướng sản xuất lúa hàng hóa, đồng thời chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, quy trình sản xuất cho nông dân.

Ông Đào Lý Nhĩ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT

NGỌC HÂN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/286249/am-no-nho-san-xuat-lua-chat-luong-tren-canh-dong-mau.html