Ăn dưa chuột cần lưu ý gì?
Dưa chuột chứa nhiều dinh dưỡng có lợi như các hợp chất thực vật chứa chất chống oxy hóa, ít calo, giàu chất xơ. Tuy nhiên ăn dưa chuột cần lưu ý gì?
1. Dinh dưỡng từ dưa chuột
NỘI DUNG
1. Dinh dưỡng từ dưa chuột
2. Ai không nên ăn nhiều dưa chuột?
3. Ăn dưa chuột cần lưu ý gì?
Dưa chuột có lượng calo thấp, chứa nhiều vitamin, khoáng chất tốt cho sức khỏe. Một quả dưa chuột chưa gọt vỏ 300 g chứa khoảng:
Lượng calo: 45
Tổng chất béo: 0,3 g
Carb: 11 g
Chất đạm: 2 g
Chất xơ: 1,5 g
Vitamin C: 8 g
Vitamin K: 49 microgam
Magie: 39 microgam
Kali: 442 miligam
Mangan: 0,2 miligam
Dưa chuột có hàm lượng nước cao, chiếm khoảng 96% là nước. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị để tối đa hóa hàm lượng chất dinh dưỡng, nên ăn dưa chuột chưa gọt vỏ. Gọt vỏ làm giảm lượng chất xơ cũng như một số vitamin, khoáng chất.
Dưa chuột chứa chất chống oxy hóa: Trái cây, rau quả, bao gồm cả dưa chuột, đặc biệt giàu chất chống oxy hóa có lợi có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh do sự tích tụ của các gốc tự do có hại trong cơ thể.
Một nghiên cứu năm 2015 đo khả năng chống oxy hóa của dưa chuột bằng cách bổ sung bột dưa chuột cho 30 người lớn tuổi. Vào cuối cuộc nghiên cứu kéo dài 30 ngày, bột dưa chuột đã làm tăng đáng kể một số dấu hiệu hoạt động chống oxy hóa và cải thiện tình trạng chống oxy hóa.
Dưa chuột thúc đẩy quá trình hydrat hóa: Vì dưa chuột chứa khoảng 96% là nước nên chúng đặc biệt hiệu quả trong việc thúc đẩy quá trình hydrat hóa bổ sung nước cho các cơ quan trong cơ thể, giúp bạn đáp ứng nhu cầu chất lỏng hàng ngày.
Dưa chuột hỗ trợ giảm cân: Dưa chuột có lượng calo thấp. Điều này có nghĩa là nếu bạn ăn nhiều dưa chuột cũng không nạp thêm calo dẫn đến tăng cân. Hàm lượng nước cao của dưa chuột cũng có thể hỗ trợ giảm cân.
Một phân tích năm 2016 xem xét 13 nghiên cứu với tổng thể 3.628 người đã nhận thấy rằng ăn thực phẩm có nhiều nước và hàm lượng calo thấp có liên quan đến việc giảm trọng lượng cơ thể đáng kể.
Giúp giảm lượng đường trong máu:Một số nghiên cứu trên động vật và ống nghiệm đã phát hiện ra rằng dưa chuột có thể giúp giảm lượng đường trong máu.
Dưa chuột hỗ trợ nhu động ruột: Mất nước là một yếu tố nguy cơ chính gây táo bón, vì nó có thể làm thay đổi cân bằng nước của cơ thể, khiến việc đi đại tiện trở nên khó khăn.Dưa chuột có nhiều nước thúc đẩy quá trình hydrat hóa. Giữ nước ngăn ngừa táo bón, giúp duy trì sự đều đặn.Dưa chuột còn chứa chất xơ, giúp điều hòa nhu động ruột, đặc biệt là pectin, chất xơ hòa tan có trong dưa chuột giúp tăng tần suất đi tiêu.
2. Ai không nên ăn nhiều dưa chuột?
Mặc dù dưa chuột có nhiều lợi ích nhưng một số người nên thận trọng hoặc tránh ăn dưa chuột. Những người có vấn đề về tiêu hóa nên ăn ít một để cảm nhận có phản ứng gì không, nhất là những người bị hội chứng ruột kích thích, một số người bị đầy hơi, khó tiêu sau khi ăn dưa chuột.
Những người bị rối loạn đông máu hoặc đang dùng thuốc làm loãng máu như Jantoven (warfarin) không nên ăn quá nhiều dưa chuột. Đó là vì thực phẩm giàu vitamin K như dưa chuột có thể cản trở quá trình làm loãng máu.
Ngoài ra, một số người bị hội chứng dị ứng miệng khi ăn trái cây hoặc rau quả tươi có protein tương tự như phấn hoa. Điều này làm rối loạn hệ thống miễn dịch, gây ra phản ứng dị ứng được gọi là phản ứng chéo.
3. Ăn dưa chuột cần lưu ý gì?
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho biết, mới đây hơn 150 người trên 25 tiểu bang và DC đã bị bệnh nghi nhiễm khuẩn Salmonella nghi liên quan đến dưa chuột bị ô nhiễm. Các nhà điều tra xác định một mẫu dưa chuột do công ty Fresh Start Produce Sales, Inc. trụ sở tại Florida cung cấp có sự hiện diện của vi khuẩn Salmonella.
FDA không cho biết nguyên nhân dưa chuột bị nhiễm vi khuẩn Salmonella trong vụ việc trên. Tuy nhiên, thực tế vi khuẩn có thể xâm nhập vào rau qua nước tưới, cùng với nhiều điểm khác trong chuỗi trồng và chế biến thực phẩm. Theo PGS.TS Darin Detwiler giảng dạy về chính sách lương thực tại Đại học Đông Bắc, nghiên cứu cho thấy nước tưới bị ô nhiễm là một trong những nguyên nhân chính khiến vi khuẩn Salmonella xâm nhập vào sản phẩm tươi sống như dưa chuột và nhiều loại rau củ.
Tuy nhiễm trùng Salmonella tương đối nhẹ đối với hầu hết mọi người nhưng ở một số nhóm nhất định, nhiễm vi khuẩn này có thể dẫn đến bệnh nặng.
Để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn Salmonella, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ khuyến nghị nên tuân thủ các thói quen tốt về an toàn thực phẩm bao gồm rửa tay và dụng cụ, tách thịt sống khỏi các thực phẩm khác, nấu thực phẩm ở nhiệt độ an toàn, bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ lạnh. Trong trường hợp sản phẩm tươi sống nên mua sản phẩm từ các nhà cung cấp đáng tin cậy, rửa kỹ sản phẩm dưới vòi nước trước khi ăn.
Salmonella có thể được tìm thấy trong các thực phẩm như thịt gia cầm sống, thịt, trứng, đó là lý do tại sao việc nấu những thực phẩm này đúng cách và tiêu diệt mọi vi khuẩn tiềm ẩn trước khi ăn là rất quan trọng.
Mặc dù, gọt vỏ dưa chuột là một cách hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn nhưng ăn dưa chuột cả vỏ lại nhận được nhiều dinh dưỡng hơn. Do đó, trước khi ăn dưa chuột nên thực hiện các thao tác sau:
Rửa tay sạch trước và sau khi chuẩn bị sản phẩm tươi.
Nếu quả bị giập ít hãy cắt bỏ hoặc tốt nhất là không ăn nếu nghi ngờ vết giập không an toàn.
Kể cả muốn gọt vỏ dưa chuột vẫn cần rửa sạch để bụi bẩn và vi khuẩn không bám từ dao vào quả dưa.
Nhẹ nhàng chà xát quả dưa dưới vòi nước sạch, quả sần sùi nên dùng bàn chải rau sạch để chà dưới vòi nước chảy.
Làm khô quả dưa chuột bằng vải sạch hoặc khăn giấy để tiếp tục giảm vi khuẩn có thể hiện diện.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/an-dua-chuot-can-luu-y-gi-169240607225703551.htm