Ánh sáng giữa đường biên (bài 1)
Xưa nay, nói về lực lượng BĐBP, có lẽ không ai không biết biểu tượng chú chiến mã tung vó phi nước đại bay trên đầu con sóng, vượt qua vạn dặm non cao. Hình ảnh này gợi nhớ đến sức mạnh, sự uyển chuyển dẻo dai pha lẫn chất lãng tử của người lính Biên phòng (BP). Trên dặm dài biên giới, vó ngựa BP là bách chiến bách thắng, không trở ngại nào có thể làm lạc nhịp. Tuy nhiên, nếu tinh ý, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra, để vó ngựa BP mãi tung bay theo chiều dài biên giới, chú chiến mã ấy ắt hẳn phải vượt qua muôn trùng khó khăn thử thách để có thể hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình...
Bài 1: Vó ngựa Biên phòng giữa trời Nam Tây Nguyên
Trong buổi bình minh của công cuộc đổi mới, tuyến biên giới Nam Tây Nguyên đắm chìm trong muôn vàn khó khăn thử thách. Bên cạnh các hoạt động chống phá “thù trong, giặc ngoài” là những thách thức đến từ mặt bằng dân trí và điều kiện dân sinh. Nhiều khu vực điện, đường, trường, trạm là điều gì đó rất xa xỉ, nguy cơ biến thành “vùng trắng” hiện hữu khắp mọi nơi. Với người lính BP bám trụ nơi tuyến đầu Tổ quốc, khó khăn là bội phần khi nhiều đơn vị nằm biệt lập như ốc đảo, thiếu thốn trăm bề, ốm đau bệnh tật, nhất là sốt rét thì cứ gọi là “đều như bữa cơm hàng ngày của bộ đội”. Biên giới lúc bấy giờ rất cần một “cú hích” thực sự...
"Chiến mã" vạn dặm trường chinh
Cứ ngỡ gặp lại ông ở tuổi “bát thập” để ôn chuyện cũ sẽ được nghe “câu được, câu mất”, “nhớ nhớ quên quên”, nhưng không..., ông trẻ, khỏe, trí nhớ tuyệt vời và đặc biệt là giọng nói rõ ràng, truyền cảm, đúng chất người lính trận “trong thép có thơ”. Ông là Đại tá Nguyễn Mai Soa, Chỉ huy trưởng BĐBP Đắk Lắk (giai đoạn 1991-1998), một trong những “kiến trúc sư” xây dựng thế trận BP trên biên giới Nam Tây Nguyên.
- Cơ duyên nào làm thay đổi điều kiện sống và công tác của BĐBP Đắk Lắk, từ nguy cơ thành cơ hội tốt như ngày hôm nay?
Đại tá Nguyễn Mai Soa không trả lời ngay câu hỏi của tôi mà yên lặng. Ông dành một khoảng lặng không phải để lục lại trí nhớ mà nghẹn ngào khi cất lên lời tri ân.
- Đó là sự đùm bọc chở che của nhân dân, là sự quan tâm chăm lo của lãnh đạo các cấp, trong đó có dấu ấn không bao giờ phai của cố Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Văn Cần (Chín Cần). Ông ấy chính là “kiến trúc sư” trưởng xây dựng nên phòng tuyến biên giới vững mạnh như ngày hôm nay - Đôi mắt ngấn lệ, giọng nói của Đại tá Nguyễn Mai Soa càng lúc càng trở nên mạnh mẽ, hào sảng hơn.
Bản ngã của “chiến mã” BP đã thực sự trỗi dậy trong ông. Ngược dòng ký ức, năm 1960 - ở tuổi 16, chàng trai trẻ quê ở Phú Bình, Thái Nguyên tình nguyện lên đường nhập ngũ và trở thành lớp chiến sĩ đầu tiên của lực lượng Công an nhân dân vũ trang (tiền thân của BĐBP ngày nay). Quá trình học tập, chiến đấu tại các đơn vị Công an nhân dân vũ trang Khu tự trị Việt Bắc, ông đã trực tiếp tham gia hàng loạt cuộc đọ súng, đấu trí căng như dây đàn, triệt tiêu những toán biệt kích nhảy dù phá hoại miền Bắc XHCN.
Sau ngày thống nhất đất nước, bằng kinh nghiệm chiến đấu và những trải nghiệm thực tế nơi chiến trường, ông đã soạn thảo những trang giáo án nhuần nhuyễn về kỹ, chiến thuật quân sự, sắc sảo về lý luận, nghiệp vụ, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng phục vụ cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới ở hai đầu đất nước trong khoảng thời gian gần 15 năm công tác tại các trường đào tạo trong lực lượng BĐBP. Năm 1991, trên cương vị là Phó Chánh thanh tra BĐBP, “Đại tá 3 sao” Nguyễn Mai Soa được điều động về làm Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BĐBP Đắk Lắk; sau đó, ông được bầu giữ chức Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng BĐBP, kiêm Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk.
Cùng với khoảng thời gian đảm nhận cương vị Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BĐBP Lạng Sơn (năm 1988), có thể ví cuộc đời quân ngũ của Đại tá Nguyễn Mai Soa giống như chú ngựa chiến BP tung vó trên vạn dặm trường chinh.
Tầm nhìn của Bí thư Tỉnh ủy
Trong câu chuyện của người cựu chiến binh BP tuổi 80 có một nhân vật luôn được ông nhắc đến bằng tất cả lòng kính trọng và sự tri ân sâu sắc, đó là cố Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk - Huỳnh Văn Cần. Ông Chín Cần là cán bộ lão thành cách mạng, làm Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk trong hai giai đoạn (1971-1975 và 1986-1994). Lãnh đạo một địa phương được ví như trung tâm của Tây Nguyên trong buổi bình minh của công cuộc đổi mới, với sự vận hành từ tập trung, bao cấp sang cơ chế thị trường là bài toán cực kỳ khó đối với Bí thư Tỉnh ủy vốn rất giản dị thân quen trong “bộ cánh” chân đi dép đúc, đầu đội mũ vải, hiện diện khắp mọi nẻo đường.
Giản dị mà cực kỳ sâu sắc trên tất cả mọi lĩnh vực, trong đó có công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Dù bận trăm công nghìn việc, nhưng Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Văn Cần vẫn luôn giữ lịch trình vài tháng một lần đi công tác biên giới. Nên nhớ tuyến biên giới của tỉnh Đắk Lắk lúc bấy giờ trải dài toàn bộ vùng Nam Tây Nguyên (cả tỉnh Đắk Nông ngày nay), đường sá giao thông vô cùng cách trở nên mỗi chuyến đi thường kéo dài ít nhất là 3 ngày. Ông đi nhiều, tìm hiểu, lắng nghe rất nhiều thì chắc hẳn sẽ nắm rất sát thực trạng biên giới.
“Lúc bấy giờ, đời sống của bộ đội quá khó khăn, sốt rét và các bệnh về đường tiêu hóa thì đơn vị nào cũng xảy ra. Khi chúng tôi đề xuất với Bí thư Tỉnh ủy để xin kinh phí khoan giếng, xây bể chứa nước mưa và làm một số công trình phục vụ đời sống bộ đội là ông đồng ý ngay. Ông bảo khoan giếng hai trăm mét chứ sâu hơn nữa tôi cũng cho, tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu về dài phải bảo đảm tốt nhất đời sống của BĐBP và xây dựng phòng tuyến biên giới thật vững, thật chắc...” - Đại tá Nguyễn Mai Soa chia sẻ.
Tầm nhìn của cố Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Văn Cần đối với công tác quản lý, bảo vệ biên giới phải nói là vô cùng sâu sắc, toàn diện. Xuất phát từ tình hình thực tế lúc bấy giờ, một mặt, ông đề ra chủ trương “rào rấp biên giới” để chống vượt biên xâm nhập bất hợp pháp, đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực biên giới; mặt khác, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền các huyện, thị xã trong toàn tỉnh Đắk Lắk kết nghĩa đỡ đầu với các đồn BP. Riêng mảng kết nghĩa đỡ đầu, trong Thông báo số 38-TB/TVTU ngày 2/11/1989 của Tỉnh ủy Đắk Lắk đã phân công rõ trách nhiệm của từng huyện, thị xã, từng công ty, xí nghiệp tham gia kết nghĩa đỡ đầu phải hỗ trợ cơ sở vật chất, xây dựng các đồn BP vững mạnh.
Đây có thể nói là chủ trương vô cùng kịp thời và sáng suốt nhằm cụ thể hóa Quyết định 16/HĐBT ngày 22/2/1989 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về xây dựng nền BP toàn dân, là tiền đề giúp các đồn BP Nam Tây Nguyên từng bước vượt qua khó khăn, hình thành nên những pháo đài bất khả xâm phạm trên biên giới (chúng tôi sẽ nói rõ ở kỳ sau).
Từ tầm nhìn chiến lược của Bí thư Tỉnh ủy, sự quan tâm chăm lo sâu sắc của lãnh đạo, chỉ huy các cấp, “vó ngựa” BP đã trở nên thanh thoát hơn, dẻo dai hơn trên bầu trời biên giới Nam Tây Nguyên.
Bài 2: Những "căn cứ hậu cần" thu nhỏ trên biên giới
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/anh-sang-giua-duong-bien-bai-1-post478031.html