Áp dụng công nghệ hiện đại trong khai thác hầm lò

Mặc dù phía trước vẫn còn rất nhiều khó khăn, thử thách, nhưng với truyền thống của những người thợ mỏ và những thành tích đã đạt được, ngành Than sẽ tiến bước vững chắc trên con đường phát triển và hội nhập quốc tế.

Những năm qua ngành Than từng bước băng tải hóa vận chuyển than, đất đá và sử dụng công nghệ vận tải liên hợp ô tô - băng tải với công suất 20 triệu m3/năm.

Những năm qua ngành Than từng bước băng tải hóa vận chuyển than, đất đá và sử dụng công nghệ vận tải liên hợp ô tô - băng tải với công suất 20 triệu m3/năm.

Ngành Than Việt Nam đã có lịch sử khai thác gần 180 năm, với trên 80 năm truyền thống vẻ vang, từ cuộc tổng bãi công ngày 12 tháng 11 năm 1936 của hơn 3 vạn thợ mỏ đã giành thắng lợi rực rỡ.

Bước vào công cuộc đổi mới, những năm đầu thập niên 90, ngành Than phải đối mặt với những khó khăn, thách thức gay gắt, như: nạn khai thác than trái phép phát triển tràn lan làm tài nguyên môi trường vùng mỏ bị hủy hoại nghiêm trọng, trật tự và an toàn xã hội diễn biến phức tạp...;

Nhiều đơn vị sản xuất than phải thu hẹp sản xuất, giảm đào lò, giảm bóc đất, công nhân thiếu việc làm, thu nhập và đời sống khó khăn.

Dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của ngành Than là khi Tổng công ty Than Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 563/TTg ngày 10 tháng 10 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ;

Ngành Than đã từng bước tháo gỡ khó khăn, xây dựng mục tiêu chiến lược đúng đắn cho sự phát triển, từ đó, đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong suốt chặng đường những năm vừa qua.

Một số thành tựu nổi bật của ngành Than Việt Nam những năm vừa qua như sau:

Thứ nhất: các đơn vị ngành Than (Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc) đã đẩy nhanh tốc độ phát triển một cách bền vững để đáp ứng nhu cầu sử dụng than trong nước ngày càng tăng cao, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế - xã hội.

Cụ thể: nếu như năm 1995 (năm đầu thành lập Tổng công ty Than Việt Nam) sản lượng than khai thác mới đạt trên 7 triệu tấn, đến nay sản lượng than nguyên khai khai thác đã đạt khoảng 45 triệu tấn, tăng gấp hơn 6 lần;

Tổng doanh thu than từ 1,3 ngày tỷ đồng vào năm 1994 đã tăng lên 87 nghìn tỷ đồng vào năm 2020, tăng gấp 67 lần;

Năng suất lao động tính theo than nguyên khai từ tăng 165 tấn/người-năm lên 773 tấn/người-năm hiện nay, tăng gấp 4,68 lần.

Thứ hai: ngành Than đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại vào sản xuất để gia tăng sản lượng khai thác, tăng năng suất lao động và đặc biệt là tiết kiệm nguồn tài nguyên khoáng sản của đất nước.

Đối với các mỏ hầm lò, ngành Than đã tăng cường đưa vào nghiên cứu, áp dụng công nghệ khai thác hiện đại, như: hệ thống khai thác than lò chợ cơ giới hóa đồng bộ có công suất 600 - 1.200 ngàn tấn/năm; lò chợ chống bằng giàn mềm có công suất từ 150 - 220 ngàn tấn/năm và nhiều lò chợ chống bằng cột thủy lực đơn, giá khung, giá xích có công suất từ 100 - 250 ngàn tấn/năm.

Việc nghiên cứu và đưa vào áp dụng công nghệ cơ giới hóa đồng bộ trong khai thác than đã góp phần nâng cao sản lượng lò chợ từ 2 - 3 lần, năng suất lao động tăng từ 3 - 5 lần.

Nếu như năm 2008, tỷ lệ khai thác than bằng cơ giới hóa chỉ chiếm khoảng 3% tổng sản lượng than khai thác, thì đến nay đã tăng lên 15%;

Số mét lò chống bằng công nghệ neo năm 2019 vượt trên 40.000 mét, đạt trên 18% tổng số mét lò đào.

Cùng với đó, cơ giới hóa, tự động hóa cũng được đẩy mạnh áp dụng vào các khâu thông gió và kiểm soát khí mỏ, thoát nước trong hầm lò.

Đối với các mỏ lộ thiên, ngành Than đã đầu tư các loại ô tô vận tải chở đất đá có tải trọng lên đến 130 tấn; khai thông các mỏ lộ thiên để tạo ra những khai trường lớn hơn; từng bước băng tải hóa vận chuyển than, đất đá và sử dụng công nghệ vận tải liên hợp ô tô - băng tải với công suất 20 triệu m3/năm nhằm giảm giá thành và cải thiện bờ mỏ.

Đối với công tác sàng tuyển, chế biến than, ngành Than đã đẩy mạnh hiện đại hóa khâu sàng tuyển, chế biến than như: công nghệ xử lý bùn nước bằng máy lọc ép tăng áp, đưa xoáy lốc phân cấp tận thu than bun; công nghệ xử lý bùn nước bằng lọc ép tăng áp thu hồi; công nghệ xử lý bùn nước bằng lọc ép khung bản; công nghệ pha trộn than để sản xuất ra các loại than phù hợp nhu cầu sử dụng của các hộ tiêu thụ, đặc biệt là cho sản xuất điện, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Thứ ba: ngành Than đã chủ động ứng dụng tự động hóa, tin học hóa vào quá trình sản xuất kinh doanh và công tác quản lý điều hành, như: đầu tư mạng hạ tầng truyền thông số tốc độ cao, kết hợp xây dựng các trung tâm điều khiển giám sát tập trung hiện đại có khả năng bao quát toàn mỏ và điều khiển tập trung; triển khai các phần mềm ứng dụng phục vụ công tác điều hành sản xuất (phần mềm hóa đơn điện tử; phần mềm quản lý, dự báo tâm lý an toàn, sức khỏe cho người lao động mỏ hầm lò; hệ thống giám sát lưu chuyển than)…

Qua đó, ngành Than đã khẳng định vị trí vững vàng, sẵn sàng cho việc đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp, đồng thời góp phần quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Thứ tư: Cùng với sự tăng trưởng về hiệu quả sản xuất kinh doanh, đời sống của người lao động không ngừng được cải thiện nâng cao, cụ thể:

Tiền lương bình quân của người lao động hiện nay đạt khoảng trên 13,8 triệu đồng/người-tháng, tăng 20,6 lần so với khi bắt đầu thành lập Tổng công ty Than Việt Nam, trong đó, tiền lương của thợ mỏ hầm lò năm 2020 đạt bình quân 20 triệu đồng/tháng.

Đặc biệt, số lượng thợ mỏ có mức thu nhập trên 300 triệu đồng/năm ngày càng tăng và đã bắt đầu có mức thu nhập trên 400 triệu đồng/năm.

Số lượng vụ tai nạn lao động nghiêm trọng hàng năm giảm, năm sau giảm hơn năm trước.

Điều kiện ăn ở, làm việc của công nhân không ngừng được cải thiện, trong đó, ngành Than đã xây dựng nhiều nhà ở tập thể cao tầng cho công nhân với hầu hết đã đầu tư trang bị máy điều hòa nhiệt độ, máy lọc nước, máy giặt, khu rèn luyện thể chất, nhà sinh hoạt văn hóa phục vụ đời sống tinh thần cho thợ mỏ.

Ngoài việc thực hiện các chế độ đối với người lao động theo quy định chung của Nhà nước, ngành Than còn thực hiện thêm các chế độ phúc lợi đặc thù cho thợ mỏ hầm lò như hỗ trợ miễn phí các chi phí đào tạo nghề, điều trị rửa phổi, bố trí xe ô tô đưa đón đi làm, ăn định lượng, tắm nước nóng và giặt quần áo bảo hộ lao động, làm sạch mũi sau ca làm việc, tham quan, du lịch ở trong và ngoài nước….

Thứ năm: về công tác bảo vệ môi trường, với chiến lược phát triển bền vững, trong 25 năm qua, ngành Than đã giải quyết cơ bản những tác động của quá trình khai thác tới môi trường trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và nhiều địa phương khác.

Hàng năm, ngành Than đã chi khoảng trên 1000 tỷ đồng cho công tác bảo vệ môi trường; đã trồng cây phủ xanh trên 1.000 ha bãi thải, tương đương hơn 30% diện tích bãi thải ngoài hiện có; lắp đặt nhiều hệ thống quan trắc môi trường tự động theo dõi lượng bụi, khí phát thải; đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành các trạm xử lý nước thải mỏ công suất trên 120 triệu m3/năm, đảm bảo 100% nước thải hầm lò được xử lý theo tiêu chuẩn môi trường.

Cùng với đó, ngành Than tiến hành di chuyển nhiều cơ sở vật chất kỹ thuật sản xuất than ra khỏi các trung tâm thành phố, góp phần cải thiện môi trường cảnh quan và phát triển đô thị của vùng Mỏ.

Thứ sáu: về hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị ngành Than luôn có lãi, bảo toàn, phát triển vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, đồng thời không ngừng tăng cường năng lực tài chính của các đơn vị trong Ngành.

Từ năm 2005 đến nay, lợi nhuận trước thuế và tỷ suất lợi nhuận trước thuế/vốn Chủ sở hữu luôn đạt mức cao trung bình, từ 32 - 42% (đối với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam).

Ngành Than đã luôn hoàn thành nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước ở mức cao nhất, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện cán cân thương mại và thực hiện nghiêm túc trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng.

Trên hành trình hình thành và phát triển, ngành Than luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Chính phủ giao, là doanh nghiệp nòng cốt chịu trách nhiệm sản xuất, cung ứng than cho nền kinh tế; trong nhiều năm qua, ngành Than đã đồng hành cùng với ngành Dầu khí và Điện, ngành Than là một trong ba trụ cột chính góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Để có được những thành tích nêu trên, bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, nhà nước, Chính phủ; sự giúp đỡ, tạo điều kiện, phối hợp của các Ban, Bộ ngành Trung ương, các địa phương; sự hợp tác có hiệu quả của các đối tác, bạn hàng…, đặc biệt là sự cố gắng, nỗ lực của tập thể người lao động toàn Ngành gắn với các phong trào thi đua yêu nước, lao động sáng tạo….

Phải khẳng định rằng các phong trào thi đua cũng như công tác thi đua - khen thưởng trong những năm vừa qua đã đóng góp không nhỏ vào sự thành công cũng như trong từng bước phát triển của Ngành.

Đứng trước yêu cầu của sản xuất và những thách thức mới của thị trường, trong bối cảnh nhu cầu sử dụng than ngày càng tăng, đặc biệt là nhu cầu than cho sản xuất điện, việc đảm bảo cung cấp đủ, ổn định than cho các ngành kinh tế trong nước để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nước ta thời gian tới là hết sức quan trong; thì hơn bao giờ hết việc tái cơ cấu, sắp xếp lại các doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ, tiếp tục hoàn thiện tổ chức hệ thống để tạo ra năng suất cao hơn, sức cạnh tranh tốt hơn là những nhiệm vụ quan trọng mà toàn ngành Than cần đang tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả trong thời gian tới.

Mặc dù phía trước vẫn còn rất nhiều khó khăn, thử thách, nhưng với truyền thống của những người thợ mỏ và những thành tích đã đạt được, ngành Than sẽ tiến bước vững chắc trên con đường phát triển và hội nhập quốc tế.

Vị Xuyên

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/ap-dung-cong-nghe-hien-dai-trong-khai-thac-ham-lo-80137.htm