Áp thuế tối thiểu toàn cầu: Doanh nghiệp mong muốn gì?
Khi chính sách thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực, các chính sách ưu đãi thuế của Việt Nam sẽ không còn tác dụng đối với doanh nghiệp FDI. Trước thực thế này, doanh nghiệp FDI mong muốn Chính phủ sớm có giải pháp bù đắp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục hoạt động.
Khi chính sách ưu đãi thuế không còn ý nghĩa
Chính sách về thuế tối thiểu toàn cầu được yêu cầu áp dụng ngày từ ngày 1/1/2024. Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu là một nội dung chính trong Chương trình chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng và đã được hơn 140 quốc gia đồng thuận. Mức thuế suất doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% đang có xu hướng xáo trộn chiến lược về địa điểm đầu tư và cách thức hoạt động của các công ty đa quốc gia và chiến lược thu hút vốn FDI của các nước sẽ thay đổi khi toàn cầu áp dụng thuế suất tối thiểu.
GS.TS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) nêu quan điểm: Mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) Việt Nam đang áp dụng là 20%, thuế suất ưu đãi dưới 15% gồm 5%, 10%, thời gian giảm, miễn thế đối với dự án ưu đãi cao từ 10 năm trở lên. Do đó, nếu Việt Nam chậm áp dụng cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu thì các doanh nghiệp FDI có doanh thu từ 750 triệu Euro sẽ phải nộp phần chênh lệch giữa số thuế TNDN thực nộp tại Việt Nam với số thuế phải nộp cho nước đặt trụ sỏ chính của công ty. Nhà nước mất đi một khoản thu ngân sách khá lớn, có thể tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, ông Choi Joo Ho - Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung tại Việt Nam đánh giá: Chính phủ Việt Nam đã và đang tạo dựng được môi trường đầu tư có những điểm riêng biệt hơn so với các quốc gia khác nhằm thu hút nhiều doanh nghiệp FDI. Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam cũng đã thông qua các chính sách miễn, giảm thuế TNDN nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm cho các doanh nghiệp đang có mặt tại đây. Nhờ vậy, không chỉ có Samsung mà còn nhiều các doanh nghiệp khác có thể đồng hành cùng với Việt Nam trong suốt thời gian vừa qua.
Tuy nhiên, theo ông Choi Joo Ho, trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu đang được triển khai áp dụng như hiện nay, chính sách miễn, giảm thuế của Việt Nam sẽ không còn phát huy tác dụng đối với các doanh nghiệp FDI nữa, mà còn đem lại ảnh hưởng tiêu cực cho môi trường đầu tư tại Việt Nam. Do các công ty đang được hưởng ưu đãi thuế của chính sách thu hút đầu tư tại Việt Nam phải nộp bổ sung lên mức thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu 15% tại quốc gia có công ty mẹ tối cao.
Điều này làm tăng gánh nặng tài chính về thuế cho DN, làm ảnh hưởng đến việc hoạch định tài chính và chiến lược kinh doanh của các công ty, trực tiếp làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm sản xuất tại Việt Nam vốn đang có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường.
Cùng chung quan điểm, Giám đốc Đối ngoại Tập đoàn Đầu tư và Quản lý V-startup Hồng Minh Phương cho biết: “Thuế tối thiểu toàn cầu đang tác động đến các tập đoàn đối tác quốc tế của chúng tôi. Có một số hợp tác đã thỏa thuận đang tạm dừng để các đối tác chờ đợi phản ứng của Chính phủ Việt Nam về thuế suất. Cộng đồng doanh nghiệp sẵn sàng đồng hành tạo lập, hoàn thiện cơ sở dữ liệu liên thông về thuế, hải quan, doanh nghiệp, thương mại, đầu tư để Chính phủ quản lý tốt về thuế, chống chuyển giá… nhất là đối với những lĩnh vực như công nghệ cao”.
Doanh nghiệp mong muốn được bù đắp
Các doanh nghiệp FDI đang nắm giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển
kinh tế - xã hội của Việt Nam, như đóng góp vào xuất khẩu, dự trữ ngoại hối, phát triển công nghiệp nội địa, cũng như việc làm cho người lao động. Theo đó, dưới bất kỳ hình thức nào, nếu Việt Nam chỉ giữ lại quyền đánh thuế hoặc thu thêm phần thuế bổ sung mà không có cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng sẽ gây bất lợi cho vị thế cạnh tranh thu hút đầu tư.
Chia sẻ về kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, Phó Tổng Giám đốc Tư vấn thuế Công ty TNHH Deloitte Việt Nam Bùi Ngọc Tuấn cho biết: Trên thực tế, rất nhiều các quốc gia đã có sẵn các chính sách về trợ cấp và cấn trừ thuế. Cụ thể, ở Ấn Độ, nước này đã đi trước trong việc ban hành chính sách ưu đãi theo chi phí từ năm 2020. Cụ thể là 3 chính sách nổi bật bao gồm: Chương trình khuyến khích liên kết sản xuất điện tử quy mô lớn (PLI), trong đó trợ cấp 4 - 6% trên doanh thu tăng thêm so với năm tiêu chuẩn đối với các lĩnh vực như sản xuất điện thoại di động, linh kiện điện tử ưu tiên sản xuất trong nước. Chương trình thúc đẩy sản xuất linh kiện và chất bán dẫn điện tử (SPECS) nhằm hỗ trợ 25% chi phí đầu tư vào nhà xưởng, máy móc thiết bị, công nghệ, và nghiên cứu phát triển. Chương trình khuyến khích cụm sản xuất điện tử (EMC 2.0) để hỗ trợ tài chính liên quan đến hạ tầng, quỹ đất.
Trong khi đó, Ireland (một quốc gia cạnh tranh thuế tiêu biểu với thuế suất tiêu chuẩn là12,5%) vốn đã có rất nhiều các chính sách về trợ cấp nghiên cứu và phát triển (25% trên tổng chi phí nghiên cứu và phát triển đủ điều kiện); trợ cấp đầu tư (5 - 10% của giá trị đầu tư); trợ cấp nhân công (15% chi phí lương cho nhân viên mới trong 2 năm); trợ cấp đào tạo (50% chi phí, tối đa 2 triệu EUR).
“Trong bối cảnh động thái rõ ràng của các nước đang phát triển và các nước là đối thủ cạnh tranh đầu tư như trên, nếu Việt Nam không hành động sẽ phải đối mặt với 2 vấn đề: Mất đi nguồn thu thuế bổ sung tiềm năng từ thu nhập phát sinh tại quốc gia của mình, sau đó sẽ bị đánh thuế bổ sung ở bất kỳ quốc gia khác. Ảnh hưởng lợi thế cạnh tranh đầu tư một cách tiêu cực nếu các nước khác thay đổi chính sách đầu tư và chính sách thuế đem lại lợi ích tài chính cho các công ty hơn” – ông Bùi Ngọc Tuấn khuyến nghị.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Choi Joo Ho - Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung tại Việt Nam kiến nghị, Chính phủ Việt Nam cần xây dựng các hình thức hỗ trợ bằng tiền nhằm bù đắp cho các doanh nghiệp FDI bị ảnh hưởng do áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Phương án triển khai các hình thức hỗ trợ này sẽ tùy theo đặc điểm của từng loại hình doanh nghiệp để có các tiêu chuẩn áp dụng kèm theo.
Bà Bùi Thanh - Hội đồng Nghiên cứu Chính sách và phát triển thương hiệu Hội doanh nhân trẻ kiến nghị: Cộng đồng doanh nhân cần được có thêm những thông tin chủ trưởng của đất nước để chủ động ứng phó và thay đổi chính sách kinh doanh. Với chính sách lớn ảnh hưởng đến Quốc gia và toàn cầu như thuế suất tối thiểu, thay đổi cách thức hợp tác của doanh nghiệp trong nước và các đối tác Quốc tế, các doanh nhân trẻ sẽ chú trọng đầu tư, nâng cao nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ap-thue-toi-thieu-toan-cau-doanh-nghiep-mong-muon-gi.html