Apple chưa xin ưu đãi sản xuất laptop ở Ấn Độ theo kế hoạch 2,1 tỉ USD như Dell, HP, Foxconn

Một số hãng công nghệ lớn nhất thế giới, bao gồm cả Dell, HP và Foxconn (đối tác hàng đầu của Apple), đã nộp đơn xin hỗ trợ sản xuất máy tính xách tay ở Ấn Độ.

Bộ trưởng Điện tử và CNTT Ấn Độ - Shri Ashwini Vaishnaw cho biết kế hoạch khuyến khích tài chính trị giá 2,1 tỉ USD của Thủ tướng Ấn Độ - Narendra Modi đã nhận được phản ứng tích cực từ ngành. Đây là nỗ lực nhằm thúc đẩy sản xuất phần cứng công nghệ ở Ấn Độ như máy tính xách tay (laptop), máy tính cá nhân (PC), máy tính bảng (tablet) và máy chủ (server).

Theo kế hoạch, các công ty hưởng ưu đãi sẽ được hoàn lại gần 5% giá xuất xưởng của thành phẩm. Việc tìm nguồn cung ứng linh kiện tại địa phương sẽ giúp các nhà sản xuất giành được nhiều lợi ích tài chính hơn.

Khoảng 32 công ty, gồm cả các đơn vị của nhà sản xuất theo hợp đồng Ấn Độ như Optiemus Electronics và Dixon Technologies, đã nộp đơn xin hưởng ưu đãi trước khi quá trình này kết thúc vào nửa đêm ngày 30.8.

Chính phủ Ấn Độ đang cố gắng tái tạo thành công của các ưu đãi mà họ đưa ra vào năm 2020 để khởi động quá trình lắp ráp smartphone trong nước. Kế hoạch đó khiến các nhà cung cấp của Apple tại Đài Loan như Foxconn, Wistron và Pegatron tăng cường hoạt động ở Ấn Độ, giúp Apple sản xuất khoảng 7% sản lượng iPhone toàn cầu từ quốc gia Nam Á này trong năm tài chính vừa qua.

Chính quyền của ông Narendra Modi kỳ vọng các công ty sẽ đầu tư thêm 24,3 tỉ rupee (294 triệu USD) vào hoạt động sản xuất hiện tại và tạo ra sản lượng bổ sung trị giá 3,35 nghìn tỉ rupee theo kế hoạch 6 năm.

Bộ trưởng Shri Ashwini Vaishnaw nói với các phóng viên tại một cuộc họp ngắn ở thủ đô New Delhi: “Ấn Độ đang nổi lên như một đối tác chuỗi cung ứng rất đáng tin cậy và cũng là đối tác chuỗi giá trị vì có năng lực tốt về thiết kế”. Ông nói thêm rằng các công ty có thể bắt đầu sản xuất theo kế hoạch ngay từ đầu năm 2024.

Các quan chức chính phủ Ấn Độ cho biết Apple vẫn chưa nộp đơn xin ưu đãi để lắp ráp MacBook và iPad ở nước này.

Không phải tất cả những hãng nộp đơn đều có thể giành được sự chấp thuận cho gói kích thích tài chính. Các ưu đãi dành cho smartphone đã chỉ ra rằng chương trình như vậy thường hoạt động tốt với một số công ty có thể tăng sản lượng nhanh chóng và giành được lợi nhuận tiền mặt lớn hơn.

Động lực sản xuất phần cứng CNTT cũng tìm cách trừng phạt các công ty nếu việc sản xuất tụt hậu so với ngưỡng đã đặt ra, bằng cách khấu trừ tới 10% từ các khoản trợ cấp.

Để thúc đẩy các công ty bắt đầu lắp ráp phần cứng CNTT trong nước, Ấn Độ đã công bố kế hoạch áp đặt yêu cầu cấp giấy phép mới với nhập khẩu công nghệ bắt đầu từ ngày 1.11, bao gồm mọi thứ từ laptop, tablet đến server và linh kiện cho trung tâm dữ liệu. Các hãng công nghệ Mỹ đã phản đối động thái này.

Nhóm kỹ thuật viên làm việc tại nhà máy sản xuất thiết bị di động ở Noida, Ấn Độ - Ảnh: Shutterstock

Nhóm kỹ thuật viên làm việc tại nhà máy sản xuất thiết bị di động ở Noida, Ấn Độ - Ảnh: Shutterstock

Đầu tháng 8, Ấn Độ cho biết sẽ áp đặt yêu cầu cấp phép với việc nhập khẩu laptop, tablet và PC ngay lập tức. Động thái này có thể gây khó khăn cho Apple, Dell, Samsung Electronics và nhiều hãng khác, buộc họ phải tăng cường sản xuất ở Ấn Độ.

Các quy định hiện hành ở Ấn Độ cho phép các công ty tự do nhập khẩu laptop. Trong khi quy định mới yêu cầu phải có giấy phép nhập khẩu đặc biệt với sản phẩm này, tương tự như các hạn chế mà Ấn Độ áp đặt vào năm 2020 với các lô hàng tivi nhập khẩu.

Các giám đốc điều hành trong ngành cho biết yêu cầu cấp phép đồng nghĩa thời gian chờ mỗi mẫu máy mới được nhập khẩu vào Ấn Độ sẽ kéo dài. Ấn Độ đưa ra quy định này ngay trước mùa lễ hội ở nước này khi doanh số bán hàng thường tăng đột biến.

Thông báo không nêu lý do cho quyết định này, nhưng chính phủ của Narendra Modi từ lâu đã thúc đẩy sản xuất trong nước và không khuyến khích nhập khẩu theo kế hoạch Make in India của ông.

Nhập khẩu hàng điện tử của Ấn Độ, gồm cả laptop, tablet và PC, đạt 19,7 tỉ USD trong quý 2/2023, tăng 6,25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Laptop, tablet và PC chiếm khoảng 1,5% tổng lượng hàng nhập khẩu hàng năm của Ấn Độ, với gần một nửa trong số đó đến từ Trung Quốc, theo dữ liệu từ chính phủ Ấn Độ. Nhiều iPad của Apple và laptop của Dell được nhập khẩu vào Ấn Độ, thay vì được sản xuất trong nước này.

Madhavi Arora, nhà kinh tế toàn cầu của công ty Emkay, nói chính phủ Ấn Độ dường như muốn "thay thế một số mặt hàng được nhập khẩu nhiều".

Apple, Dell, Samsung Electronics cùng Acer, LG Electronics, Lenovo và HP là các hãng bán laptop chính tại thị trường Ấn Độ.

Việc Ấn Độ hạn chế nhập khẩu máy tính dự kiến sẽ mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất theo hợp đồng trong nước như Dixon Technologies.

Ali Akhtar Jafri, cựu giám đốc điều hành cơ quan công nghiệp điện tử MAIT, cho biết: "Tinh thần của biện pháp này là thúc đẩy việc sản xuất tại Ấn Độ. Đó không phải là sự khuyến khích nhẹ nhàng mà là thúc đẩy mạnh mẽ".

Chính phủ Ấn Độ đã gia hạn thời hạn cho các công ty đăng ký chương trình khuyến khích trị giá 2,1 tỉ USD để thu hút các khoản đầu tư lớn vào sản xuất phần cứng CNTT, gồm cả các sản phẩm như laptop, tablet, PC và máy chủ.

Chương trình này là chìa khóa cho tham vọng của Ấn Độ trở thành cường quốc trong chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu, với mục tiêu sản xuất hàng năm trị giá 300 tỉ USD vào năm 2026.

Trước đây, Ấn Độ đã áp đặt mức thuế cao với các sản phẩm nhập khẩu như ĐTDĐ để thúc đẩy sản xuất nội địa.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/apple-chua-xin-uu-dai-san-xuat-laptop-o-an-do-theo-ke-hoach-2-1-ti-usd-nhu-dell-hp-foxconn-205024.html