'Bà trùm' nồi cơm điện có niềm đam mê thể thao, ca hát, xem công nhân là tài sản vô giá của mình
Tự sản xuất, tự nghe điện thoại, tự bán hàng, marketing bằng... tình cảm, từ hai bàn tay trắng, nữ doanh nhân Khổng Thị Minh nay trở thành 'bà trùm' nồi cơm điện với 'tài sản vô giá' là chính công nhân của mình.
Minh... Cầu Muối
Chỉ vài tháng nữa bước sang tuổi 64, nhưng doanh nhân Khổng Thị Minh nói rằng “không có thời gian để nghĩ mình đã bao nhiêu tuổi”, vì mê mải với thương trường.
Bà Khổng Thị Minh, Giám đốc Công ty TNHH Cơ điện Minh Khoa
Bài liên quan
Việt Nam đã tạo được môi trường để phụ nữ ngày càng khẳng định vị thế
Tấp nập chợ hoa Quảng An trước ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10
Vị Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện và tâm huyết giúp chị em khởi nghiệp
Quan tâm hơn nữa để có nhiều tập thể, cá nhân phụ nữ khởi nghiệp thành công
Sinh ra ở làng quê nghèo Vĩnh Phúc với 8 anh chị em, song có "máu" kinh doanh từ bé, chỉ mới học lớp 5, Minh xin “mua thiếu” chanh ở vườn của bố để đem bán, có tiền trả lại sau. Mặc trời rét, nóng, đi trên đôi dép sờn cũ đến chảy máu chân, Minh vẫn quẩy gánh chanh vượt quãng đường 30km đón tàu xuống chợ Đồng Khánh - Hà Nội.
Sau một năm mày mò, nghiên cứu, bà Minh đã tìm ra quy trình và nguyên lý để tạo thành một chiếc nồi cơm điện
“Lúc nhỏ ‘con trâu đi trước cái cày đi sau’, tôi làm thuê cuốc mướn miễn sao có bát cơm. Trải qua cái nghèo đói, nhưng tôi nghĩ cuộc đời này không có gì là bất hạnh”, bà Minh lạc quan chia sẻ.
Buôn thúng bán bưng, đến năm 41 tuổi bà vẫn trắng tay, phải làm lại từ đầu bằng nghề bán ve chai, đồ đồng. Khu vực Cầu Muối, Quận 1, TP. HCM in đầy kỷ niệm của người phụ nữ lượm ve chai, tần tảo này. Vì thế, nhiều người gọi bà là... "Minh Cầu Muối".
Đầu năm 1998, thời điểm hàng điện gia dụng Trung Quốc thống lĩnh thị trường Việt Nam, cô gái quê Vĩnh Phúc ra chợ Kim Biên mua một chiếc nồi cơm điện về để “mổ xẻ” xem “trong đó có gì mà cuốn hút khách hàng đến thế”.
Công ty cơ điện Minh Khoa chuyên sản xuất đồ điện gia dụng mang thương hiệu Kim Cương
Sau một năm mày mò, nghiên cứu, bà Minh đã tìm ra quy trình và nguyên lý để tạo thành một chiếc nồi hoàn hảo.
“Nồi này thị trường bán rất nhiều, nếu nhập thương mại thì khó cạnh tranh được nên tôi quyết định sản xuất. Chẳng biết về điện nhưng cứ nhìn thấy người ta lắp ráp gì mình làm theo và cải tiến”, bà Minh lý giải.
Làm chủ là phải biết "từ A đến Z"
Ngày 31/12/1999, Công ty cơ điện Minh Khoa ra đời, chuyên sản xuất đồ điện gia dụng mang thương hiệu Kim Cương. Từ nhà xưởng thuê rộng 300m2 với 10 nhân công, trải qua hơn 20 năm, giờ đây Minh Khoa trở thành người bạn thân thiết của nhiều gia đình.
Minh Khoa đa dạng các mẫu mã sản phẩm nồi cơm điện
Năm 2010, doanh nghiệp có 400 công nhân sản xuất thủ công, đến 2015 còn 350 công nhân, 2017 còn 300, 2018 đến nay chỉ còn 200 công nhân nhờ dây chuyền tự động. Hiện, công ty chỉ nhập khẩu 20%, “từ những cái nhỏ nhất Minh Khoa đều làm được”. Nhờ vậy, giá thành giảm, sức cạnh tranh của sản phẩm ngày càng tăng lên.
“Đánh” vào phân khúc khách hàng bình dân, khắp các tỉnh miền Nam giờ đây đâu đâu cũng thấy chiếc nồi cơm điện Kim Cương, nhất là ở những xóm lao động nghèo hay khu trọ cho sinh viên.
Bà Minh cho rằng, đã làm chủ thì phải biết "từ A đến Z"
Không có phòng kinh doanh, việc lên đơn, chuyển tiền hay nghe điện thoại khách hàng đều do bà Minh quán xuyến. “Nhiều người sẽ nói tôi tham công tiếc việc, nhưng với tôi, làm chủ là phải biết từ A tới Z. Khách hàng báo hỏng ở đâu tôi biết ngay gặp vấn đề kỹ thuật gì”, nữ doanh nhân nói.
Điều đáng tự hào của bà chủ nồi cơm điện Kim Cương còn ở việc “bán hàng hơn 20 năm, dù không marketing nhưng khách hàng luôn tìm đến”. Để tạo nên sự thành công đó, bà Minh lý giải “mình yêu thương khách hàng thì sẽ được khách hàng yêu thương lại, họ gọi tôi bằng những từ thân thương như ‘u ơi’, ‘má ơi’”. Ưu điểm ở bà còn ở sự sòng phẳng, uy tín để giữ được lòng tin của đối tác.
Không cần biết số phận sẽ đi tới đâu, bà Minh chỉ biết mình phải luôn cố gắng
365 ngày không có ngày nào nghỉ, không có ngày nào dành riêng cho mình, không cần biết số phận sẽ đi tới đâu, bà chỉ biết mình phải luôn cố gắng.
“Chẳng ai cho mình thành công đâu, tự mình mà thôi. Không có gì bằng nghị lực, quyết tâm, trí tuệ và đam mê để tạo nên thành công”, nữ doanh nhân tỏ rõ.
“Tôi yêu công nhân của tôi lắm, họ là tài sản vô giá của tôi”
"Không công nhân nào bỏ tôi trong dịch bệnh" là điều mà bà Minh vô cùng trân quý. Song, để có được điều đó là biết bao nỗ lực hỗ trợ của bà dành cho người lao động.
4 tháng dịch, bà Minh bỏ ra nhiều tỷ đồng để chăm lo cho công nhân
4 tháng dịch, bà bỏ ra nhiều tỷ đồng đi từng nơi công nhân ở để tiếp gạo, thịt cá, rau củ, lo cho họ tiêm đủ 2 mũi vaccine. Bà còn miễn phí tiền bệnh viện cho công nhân; xây 2 khu nhà trọ, giải quyết được 50% chỗ ở cho người lao động mà không lấy đồng nào.
Ở Minh Khoa, mọi người xem nhau như "đại gia đình"
Song song đào tạo lớp trẻ, Minh Khoa ưu tiên giữ lại công nhân có thâm niên. "Chỉ khi nào người lao động nghỉ tôi mới giải quyết chế độ cho họ, chứ tôi chưa từng bỏ mặt ai, bởi những lúc công ty khó khăn nhất họ đã gắn bó với mình", bà Minh trải lòng.
Công ty còn nhận nhiều cán bộ Nhà nước về hưu vào làm với những vị trí phù hợp. Bởi, bà nghĩ đơn giản rằng "tôi muốn họ có thêm niềm vui, thấy mình vẫn có ích".
Bà Minh xuống sân chơi thể thao cùng nhân viên sau mỗi khi tan ca
Tại Minh Khoa, họ gọi nhau là "đại gia đình", xem nhau như ruột thịt. Cứ mỗi chiều tan ca, bà Minh lại cùng công nhân ra sân tập thể dục để tăng cường sức khỏe, từ cầu lông, bóng chuyền, đá banh, tennis... Thậm chí, bà còn tổ chức các giải văn nghệ để nhân viên được dịp "trổ tài".
Với bà Minh, nhân viên chính là tài sản vô giá của bà
Khi được hỏi "đã hài lòng chưa", bà Minh đáp lời rằng "chưa hẳn": "Tôi mong sao có nhiều sức khỏe để làm được nhiều việc hơn cho công nhân của mình. Tôi yêu công nhân của tôi lắm, họ là tài sản vô giá của tôi".